Nỗi lo tỷ giá

LÊ PHAN| 30/11/2016 08:28

Suốt tuần qua, diễn biến đồng đô la Mỹ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới.

Nỗi lo tỷ giá

Suốt tuần qua, diễn biến đồng đô la Mỹ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới. 

Đọc E-paper

Sau khi điều chỉnh giảm 4 đồng vào ngày 22/11 và 2 đồng vào ngày 23/11, tỷ giá trung tâm USD/VND đã tiếp tục tăng lên 13 đồng vào ngày 24/11 và 6 đồng vào ngày 25/11. Như vậy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng tỷ giá trung tâm 112 đồng kể từ ngày 9/11, tương ứng với mức tăng 0,5% trong vòng 2 tuần, nâng mức tăng so với đầu năm lên 241 đồng, tương ứng 1,1%.

Đồng USD tăng mạnh, dòng vốn chảy về Mỹ

Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index tiếp tục leo dốc, có lúc đã chạm gần mốc 102 điểm, dù tốc độ tăng của những ngày cuối tuần rồi có chậm lại. Chỉ số này hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2002 đến nay. Kỳ vọng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào cuộc họp vào giữa tháng 12 tới và nền kinh tế Mỹ có thể tăng mạnh trở lại dưới "kỷ nguyên Trump" tiếp tục là những động lực hỗ trợ cho đồng USD.

Trả lời phỏng vấn của The New York Times hôm 23/11, ông Trump chia sẻ rằng Giám đốc Điều hành Apple - Tim Cook đã điện đàm với ông và ông đã nói với Cook rằng việc đưa Apple xây dựng nhà máy trở lại Hoa Kỳ là một trong những mục tiêu mà ông đã đặt ra trong 100 ngày nắm quyền đầu tiên, và nếu thành công thì sẽ là một kỳ tích.

Để có thể lôi kéo Apple chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về lại Mỹ, ông hứa sẽ giữ nguyên các chính sách ưu đãi mà hiện Apple đang được hưởng tại Trung Quốc. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ cắt giảm mạnh các loại thuế cho doanh nghiệp (DN), tập đoàn, trong đó có Apple.

Những cam kết của ông Trump nếu được thực hiện sẽ lôi kéo dòng vốn của các DN Mỹ hồi hương trở lại, đồng thời thu hút thêm những dòng vốn đầu tư mới từ khắp thế giới rót vào Mỹ để đón đầu chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, mà theo như cam kết của tổng thống đắc cử là sẽ dành ra 1 nghìn tỷ USD. Chính vì vậy những ngày qua, từ đồng nội tệ cho đến thị trường chứng khoán, lãi suất trái phiếu của nước này đều leo lên đỉnh.

Trong khi đó, theo thống kê của Bloomberg, với kỳ vọng lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ tăng cao và đồng USD sẽ tăng giá mạnh khi FED nâng lãi suất, 11 tỷ USD đã bị rút khỏi các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan. Và điều đáng lo ngại là nhiều chuyên gia dự báo xu thế này sẽ còn tiếp diễn.

Những hiệu ứng đáng lo ngại

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đang liên tục bán ròng trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Với việc tỷ giá USD/VND tuy có điều chỉnh nhưng chưa theo kịp mức mất giá của các đồng tiền khác so với đô la Mỹ, điều này có thể tiếp tục kích thích dòng vốn rót vào kênh thị trường ngoại hối với kỳ vọng tỷ giá sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn.

Với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng lên trong thời gian gần đây, cụ thể lãi suất qua đêm chạm mức cao 2,02% vào ngày 17/11, thị trường trái phiếu đấu thầu không thành công và NHNN bơm ròng trên thị trường tín phiếu, cho thấy mức độ thanh khoản của hệ thống đã sụt giảm.

Điều này không loại trừ dòng vốn gửi tại các ngân hàng đang bị rút ra để đầu tư và đầu cơ vào đồng USD. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, khả năng các ngân hàng buộc phải nâng lãi suất tiền đồng, từ đó phá vỡ mặt bằng lãi suất đang ổn định như hiện tại.

Ảnh hưởng đến nhập khẩu

Đồng USD lên giá sẽ khiến các DN xuất khẩu đạt được doanh thu cao hơn. Hiện tại Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm vào thị trường này đạt 15%, chiếm tỷ trọng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tiếp đến là thị trường EU chiếm tỷ trọng 19% và thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 12%.

Tuy nhiên đối với những DN đã lỡ vay USD, trước mắt vẫn chịu thiệt hại về tỷ giá. Điều đáng lo ngại hơn là về lâu dài lợi thế cạnh tranh xuất khẩu có thể bị giảm sút, nếu như VND điều chỉnh không theo kịp mức độ phá giá của các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc và các nước ASEAN, và nhất là khi khả năng Mỹ có thể dựng thêm các hàng rào thương mại dưới thời Tổng thống Trump.

So với đầu năm nay, đồng CNY của Trung Quốc đã giảm 5,7% so với USD, cao hơn rất nhiều so với mức giảm 1,1% của VND. Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam ở nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ và EU. Việc điều chỉnh tỷ giá không theo kịp sự mất giá của CNY vô hình trung khiến VND trở nên lên giá và có thể khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng, vốn đã rất cao trong những năm qua.

Trong diễn biến mới nhất, hôm 24/11 đại diện NHNN cho biết sẽ thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường, kể cả việc sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Rõ ràng với nguồn lực như hiện tại, NHNN có đủ điều kiện để ổn định tỷ giá.

Nhưng trong bối cảnh nếu đồng USD tiếp tục đi lên trong thời gian tới, kỳ vọng kiếm lời ở thị trường ngoại hối ngày càng cao hơn khi FED có thể tăng lãi suất trong tháng 12, thì việc bán ngoại tệ để kìm tỷ giá có thể không phù hợp, nhất là khi NHNN đang còn khá nhiều dư địa để điều chỉnh tỷ giá sau một giai đoạn ổn định kể từ đầu năm đến nay.

>Thị trường tài chính: Nhạy cảm và khó đoán

>Chứng khoán hậu bầu cử Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi lo tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO