Nợ xấu vẫn xấu

VŨ HOÀNG| 10/10/2013 08:08

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn cho rằng tỷ lệ nợ xấu chỉ vào khoảng 4,6% tổng dư nợ, tương đương 139 ngàn tỷ đồng, song trên thực tế, báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy, nợ xấu không những không giảm mà đang ngày một tăng cao.

Nợ xấu vẫn xấu

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn cho rằng tỷ lệ nợ xấu chỉ vào khoảng 4,6% tổng dư nợ, tương đương 139 ngàn tỷ đồng, song trên thực tế, báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy, nợ xấu không những không giảm mà đang ngày một tăng cao.

Đọc E_paper

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng vào cuối tháng 6 là 5,85% tổng dư nợ. Hiện nay, các NH vẫn đang áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu, đó là thu nợ bằng tiền, xử lý tài sản đảm bảo, dùng quỹ dự phòng rủi ro, đồng thời xem xét để cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho phù hợp với khả năng của khách hàng theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của NHNN có hiệu lực từ cuối tháng 4/2012.

Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo của NHNN Chi nhánh TP.HCM, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tính đến cuối tháng 8 tiếp tục tăng về cả số tuyệt đối và tỷ trọng trên tổng dư nợ toàn địa bàn. Cụ thể, tổng nợ xấu của các TCTD tại TP.HCM là 53.752 tỷ đồng, chiếm 5,99% tổng tín dụng trên địa bàn và tăng hơn 6.600 tỷ đồng so với cuối năm 2012, tức tăng khoảng 14%.

Một số NH có nợ xấu cao tính đến thời điểm cuối tháng 6/2013, theo báo cáo tài chính giữa năm của các NH, gồm: Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 9,04%, Nam Việt 6,1%, Techcombank 5,28%. Các NH khác đa số báo cáo tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ mức 3% như ACB 2,99%, Vietcombank 2,81% và Phương Nam 2,8%.

Có rất nhiều nguyên nhân giải thích việc nợ xấu tăng, trong đó, dư nợ tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm được xem là một yếu tố quan trọng. Điều này có thể nghịch lý vì từ đầu năm đến nay, các NH đều than không thể đẩy nhanh tín dụng và chuyện doanh nghiệp (DN) không tiếp cận được vốn vay là có thật.

Tuy nhiên, thực tế này chỉ đúng với những TCTD đóng tại thành phố lớn, còn các TCTD trên địa bàn các tỉnh đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt cao.

Chẳng hạn, theo báo cáo từ NHNN Chi nhánh Long An, tốc độ tăng tín dụng của các NHTM trên địa bàn khá cao (dư nợ cho vay đạt 28.032 tỷ đồng, tăng 2.698 tỷ đồng, tốc độ tăng 10,65% so với đầu năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước 6,45%).

Moody đưa ra 5 kịch bản xử lý nợ xấu tại Việt Nam

Trong đó, dư nợ cho vay DN đạt 12.079 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43% dư nợ toàn địa bàn, với 1.549 DN vay vốn. Bình quân mỗi DN vay khoảng 7,8 tỷ đồng.

Tại tỉnh Trà Vinh, NHNN cũng đưa ra báo cáo tỉnh này đang hoạt động rất tốt trong 8 tháng vừa qua. Cụ thể, so với cuối năm 2012, tín dụng 8 tháng năm 2013, tăng trưởng 15,67%, trong đó, tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn chiếm khoảng 56%/tổng dư nợ, tín dụng cho vay DN chiếm 40%/tổng dư nợ, các TCTD đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho các DN hộ dân trong thu mua lúa gạo theo chỉ đạo của Chính phủ, cho vay nuôi trồng thuỷ sản chiếm khoảng 12%/tổng dư nợ.

Tương tự, tính đến ngày 31/8, tổng dư nợ của các TCTD đóng tại địa bàn là 39.222 tỷ đồng, tăng 8,72% so với đầu năm. Dư nợ các chi nhánh NHTM nhà nước là 15.099 tỷ đồng, chiếm 38,49%/tổng dư nợ. Dư nợ các NHTM cổ phần là 21.627 tỷ đồng chiếm 55,13%/tổng dư nợ. Dư nợ của hệ thống quỹ tín dụng là 2.496 tỷ đồng chiếm 6,38%/tổng dư nợ...

Chính sự tăng trưởng vượt bậc dư nợ cho vay đó kéo theo tỷ lệ nợ xấu gia tăng, góp phần đáng kể vào những con số báo cáo của NHNN trong 8 tháng đầu năm. Đơn cử, thống kê số liệu nợ xấu của các TCTD tỉnh Long An, nợ xấu toàn địa bàn này là 957 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với đầu năm.

Còn theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Trà Vinh, dù dư nợ tăng trưởng tốt nhưng hoạt động của các TCTD tiềm ẩn nhiều rủi ro, nợ xấu NH có chiều hướng tăng. Tính đến 31/8/2013, nợ xấu của các TCTD chiếm khoảng 2,76% tổng dư nợ, số tuyệt đối khoảng 357 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có 4 TCTD nợ xấu chiếm tỷ lệ cao hơn 5% và có chiều hướng phát sinh tăng so với tháng 6/2013. Tương tự, theo thông cáo của NHNN tỉnh An Giang, các TCTD trên địa bàn tỉnh An Giang cũng đang gặp nhiều vấn đề về nợ xấu.

Tính đến ngày 10/9/2013, nợ xấu là 999 tỷ đồng, chiếm 2,54% trên tổng dư nợ, so với 31/12/2012 tăng gần 0,11 lần (tăng 100 tỷ đồng)....

Không chỉ gia tăng về nợ, mà nhìn qua số liệu, có thể thấy rằng 8 tháng đầu năm nay, nợ xấu của các TCTD trên có sự gia tăng liên tục của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Thậm chí, nợ nhóm 5 đã chiếm gần 50% tổng nợ xấu của các TCTD này.

Khi được hỏi, các TCTD trên địa bàn tỉnh đều cho biết, việc để nợ xấu tăng cao nguyên nhân vì các NHTM nhà nước chưa trích đủ chi phí dự phòng, do cho vay với lãi suất ưu đãi, cơ cấu nợ, giảm lãi... nên chênh lệch (thu nhập - chi phí) của các NHTM nhà nước thấp so với cùng kỳ những năm trước. Một số chi nhánh, hội sở phải trích dự phòng rủi ro thay, sau đó phân bổ dần cho chi nhánh.

Ngoài ra, để đẩy tăng trưởng tín dụng, thời gian qua, các TCTD đẩy vốn ra thị trường nhưng do các DN trên địa bàn có tiềm lực tài chính hạn chế, năng lực quản trị điều hành yếu, sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của nền kinh tế làm cho sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Rõ ràng, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, các TCTD đang nỗ lực đẩy vốn ra bằng mọi giá. Trong khi giá trị của trích lập dự phòng của các NH cũng không chắc chắn nên nhiều ý kiến cho rằng từ nay đến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Thậm chí, nhiều tổ chức quốc tế còn dự đoán tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức 15-16%. Hơn nữa, một số khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo sẽ khiến nợ xấu càng xấu thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ xấu vẫn xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO