Nợ xấu và kế giương Đông, kích Tây

08/03/2014 07:28

Câu chuyện nợ xấu không chỉ ở con số 9% hay 15% mà là số phận của VAMC trong tương lai.

Nợ xấu và kế giương Đông, kích Tây

Câu chuyện nợ xấu không chỉ ở con số 9% hay 15% mà là số phận của VAMC trong tương lai.

Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được chính thức khai trương cuối tháng 7/2013 với rất nhiều chức năng, nhiệm vụ liên quan đến xử lý nợ, bảo lãnh vay vốn… Tuy quyền hạn nhiều là thế, nhưng thời gian qua VAMC mới chủ yếu thực hiện mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) (từ tháng 10/2013).

Thân phận “đổ vỏ”

Con số cập nhật đến ngày 31/12/2013, tổng số nợ xấu VAMC đã mua được của các ngân hàng với số dư nợ gốc 39.307 tỷ đồng và giá mua là 32.739 tỷ đồng, chiếm khoảng 40 – 50% nợ xấu của các TCTD. Hoạt động này của VAMC đã khiến bảng cân đối tài sản của hơn 20 TCTD bỗng dưng trở nên sáng hơn, sạch hơn khi có ngân hàng bán được gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Nhờ chuyển nợ xấu sang VAMC, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã trở về mức dưới 3% – mức được cho là an toàn.

> Khi nợ xấu biến thành “kho báu”
> Bước cản tái cơ cấu của nợ xấu
> Nợ xấu: Bán đứt hay "tự xử"?
> VAMC làm gì với nợ xấu đã mua?
> Từ nợ xấu đến nợ công
> Nhà đầu tư nước ngoài "xếp hàng" chờ mua nợ xấu
> Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước: Trung Quốc

Đây là thành công ngoài mong đợi của VAMC cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trước khả năng các TCTD phải thực hiện Thông tư 02 vào tháng 6 tới đây – một bước tiến đến gần hơn với thông lệ thế giới trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro – sẽ khiến nợ xấu tăng mạnh, nên VAMC đặt ra kế hoạch sẽ mua tiếp 70.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt trong năm nay. Nhưng đây chỉ là mặt trước của tấm huy chương.

Vì vấn đề ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn là “đầu ra” của nợ xấu. Bán cho ai, bán như thế nào…? Rất nhiều câu hỏi lập tức được đặt ra, ngay ở thời điểm VAMC mua món nợ đầu tiên từ Agribank. Nhưng đến giờ, tất cả vẫn chỉ là kế hoạch và dự kiến. Nếu không sớm có giải pháp để bán lại nợ xấu với mức lãi – ít nhất là có thể nhìn thấy – chấp nhận được, VAMC sẽ từ người hùng trở thành kẻ tội đồ. Ý thức được điều này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị VAMC khẳng định, sẽ sớm bán nợ xấu, nhưng “ không thể bán rẻ”.

Chiêu gây sức ép bắt đầu có hiệu quả?

VAMC sẽ tiếp tục mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, đồng thời hoàn thiện Đề án mua nợ theo giá thị trường; trong đó quan trọng nhất là VAMC sẽ mua đứt, bán đoạn nợ xấu để thu về “tiền tươi thóc thật”. Ông Hùng cho biết, các quy định liên quan đến vấn đề này đang trong quá trình soạn thảo và sẽ sớm được ban hành. Vì rõ ràng, với năng lực tài chính có hạn (500 tỷ đồng) VAMC không thể cứ ôm mãi nợ vào.

Ngoài phương án xin tăng vốn điều lệ lên khoảng 2.000 tỷ đồng, VAMC sẽ tìm đến các nhà đầu tư nước ngoài. Đây gần như là đầu ra tất yếu của VAMC. Thế nhưng, cho đến nay, ngoài thông tin “đã có trên 20 lượt làm việc với 15 đoàn đại diện các tổ chức tài chính quốc tế uy tín đến trao đổi về khả năng hợp tác trong việc mua, bán nợ” mà VAMC đưa ra, thì chưa có tên một tổ chức hay cá nhân cụ thể nào được công bố danh tính đã đặt vấn đề mua nợ từ VAMC. Black Stone là cái tên duy nhất được nhắc đến, nhưng lại từ phát ngôn của TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI).

Nói như vậy, không phải để nghi ngờ khả năng bán nợ của VAMC cho nhà đầu tư nước ngoài. Mà trái lại, đang có quá nhiều tổ chức đến đặt vấn đề mua nợ với VAMC (theo nguồn tin riêng của Doanh Nhân, có cả những tổ chức lớn như Công ty Tài chính Quốc tế, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng thế giới và cả một số ngân hàng nước ngoài). Họ đã quá quen với đầu tư mạo hiểm, nên nếu nhìn thấy lợi ích họ sẽ không bỏ qua. Vấn đề ở đây là quyền và lợi ích của họ khi bỏ tiền mua nợ xấu của các TCTD Việt Nam như thế nào?

Hiện nay cơ sở pháp lý cho xử lý nợ xấu đang được hoàn thiện. Văn bản pháp lý liên quan đến bán nợ của VAMC sắp được ban hành. Còn Luật Đất đai 2013 chính thức có hiệu lực vào 1/7/2014; và dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi theo hướng mở rộng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều mua nhà ở… sẽ khiến cho vấn đề chuyển quyền sở hữu, sử dụng bất động sản – nút thắt lớn nhất trong xử lý tài sản đảm bảo của các món nợ xấu sẽ dần được tháo gỡ. Như vậy, nợ xấu sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

Nhưng vẫn có một vấn đề gây quan ngại lớn nhất cho các nhà đầu tư. Đó chính là sự minh bạch thông tin. Nói như ông Sameer Goyal – Chuyên gia tài chính cao cấp, điều phối viên về tài chính và phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam: Người mua cần được tiếp cận thông tin chuẩn về khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo đi kèm, giá trị của tài sản đảm bảo… để họ có thể đánh giá được một cách công bằng theo giá trị thị trường.

Trở lại sự tranh cãi về tỷ lệ nợ xấu của các TCTD Việt Nam giữa NHNN và Moody’s. Đây không phải là lần đầu tiên có sự khác biệt lớn giữa đánh giá của NHNN với tổ chức nước ngoài. Tại sao sự việc lần này trở nên ồn ào đến vậy khi mà lâu nay người ta đã quá quen với những con số, những nhận định khác nhau đến trái chiều? Có lẽ đó là kế sách giương Đông, kích Tây, ép NHNN phải minh bạch hơn về xử lý nợ xấu.

Từ đó, sẽ có tác động quyết định đến tương lai của VAMC trong thời gian tới. Sự “đáp trả” của NHNN lần này với thừa nhận: “Nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ – NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%” – cao hơn con số 3,63% NHNN từng công bố, chẳng phải đã cho thấy kế sách này của họ đã có kết quả bước đầu đấy thôi!

VAMC làm gì?

VAMC thực hiện các hoạt động: mua nợ xấu của các TCTD; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; Cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được VAMC thu nợ; Quản lý khoản nợ xấu đã mua và kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm có liên quan đến khoản nợ xấu, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ liên quan đến khoản nợ xấu và bảo đảm tiền vay; Tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản; Đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; Tổ chức bán đấu giá tài sản; Bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ xấu và kế giương Đông, kích Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO