Nợ xấu chưa đẹp

LINH CHI| 16/07/2014 09:30

Khối lượng nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mua lại từ các ngân hàng thương mại (NHTM) đến nay đã đạt con số trên 50.000 đồng cùng với lượng trích lập dự phòng lớn từ các NH. Song, tình hình nợ xấu vẫn chuyển biến theo chiều hướng tăng nhẹ, gây áp lực lên tín dụng.

Nợ xấu chưa đẹp

Khối lượng nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mua lại từ các ngân hàng thương mại (NHTM) đến nay đã đạt con số trên 50.000 đồng cùng với lượng trích lập dự phòng lớn từ các NH. Song, tình hình nợ xấu vẫn chuyển biến theo chiều hướng tăng nhẹ, gây áp lực lên tín dụng.

Đọc E-paper

VAMC đã mua khối lượng lớn

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC, 6 tháng đầu năm, VAMC đã mua được 11.414 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Nếu tính từ khi mua nợ ngày 11/10/2013 đến ngày 1/7/2014, tổng nợ xấu đã mua của các TCTD là 50.721 tỷ đồng.

Ông Hùng còn cho biết, VAMC đang chuẩn bị ký hợp đồng mua khoảng 1.200 tỷ đồng nợ gốc của VietinBank và tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành là 900 tỷ đồng. Đồng thời, VAMC đã bán và thu hồi được nợ là 996 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VAMC tổ chức cơ cấu các khoản nợ của các TCTD gồm 112 khách hàng với số tiền 9.071 tỷ đồng.

> Một mình VAMC không thể giải quyết được nợ xấu

> Nợ xấu cần điều kiện gì để VAMC mua lại?

> VAMC và những dấu lặng

> VAMC làm gì với nợ xấu đã mua?

> Bán nợ cho VAMC, khách hàng được lợi gì?

> Giải quyết nợ xấu: Không thể chỉ trông vào VAMC

> Ai sẽ mua nợ từ VAMC?

Đáng chú ý, thực hiện chủ trương bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài của NHNN, VAMC đang xem xét ký hợp đồng với một số nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, 2 công ty tư vấn nước ngoài đã khảo sát thực tế để tiến hành mua nợ. Dự kiến, trong quý III/2014, những khoản nợ đầu tiên sẽ được bán ra.

Để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, Công ty đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế và các đơn vị mua nợ của nước ngoài có mong muốn mua nợ tại Việt Nam.

Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, Công ty đã lên danh mục 10 tài sản bảo đảm, với tổng giá trị 7.800 tỷ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương...

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, việc xử lý nợ xấu của các NHTM trên địa bàn cũng đang rất tích cực. NHNN Chi nhánh TP.HCM đang yêu cầu các NHTM trên địa bàn tổng hợp các hồ sơ đầy đủ điều kiện để có thể bán nợ xấu cho VAMC một cách thuận lợi và nhanh nhất để từ đó tháo gỡ khó khăn.

OCB dự kiến năm nay sẽ bán thêm 100- 200 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Sacombank đã bán hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC năm qua và lãnh đạo nhà băng này cho biết, đang rà soát để bán tiếp nợ xấu cho VAMC để giảm tỷ lệ nợ xấu.

Ngoài việc tăng cường bán nợ xấu cho VAMC, NH xử lý nợ xấu... Thế nhưng, nợ xấu vẫn có xu hướng tăng. Một phần, do những tháng đầu năm, các NHTM chưa xử lý và trích dự phòng. Đồng thời, việc xử lý nợ xấu của các NHTM hiện nay chủ yếu là trích lập dự phòng và bán cho VAMC, chứ xử lý thu hồi bằng tiền rất ít.

Trong 5 tháng đầu năm, riêng khu vực TP.HCM đã xử lý được trên 6.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng trong đó thu bằng tiền mặt chỉ được hơn 300 tỷ đồng. Bởi thủ tục phát mãi tài sản nhiêu khê và NH không thể phát mãi được tài sản đảm bảo.

Việc bán nợ xấu cho VAMC hiện nay cũng không thể giải quyết triệt để tận gốc nợ xấu, NH phải trích 20% dự phòng, nhưng nếu sau 5 năm các khoản nợ xấu đó chưa được xử lý thì NH sẽ phải nhận lại.

Vì thực tế, để xử lý được nợ xấu, VAMC cần phải có thị trường mua - bán nợ và có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì mới có thể nhanh chóng xử lý được nợ xấu. Nhưng thực tế, việc mua - bán nợ đằng sau nó thực chất là bất động sản.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trong mua nợ là rất quan trọng.

Việt Nam có nguồn lực để xử lý nợ rất hạn chế nên cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ nhằm tạo nguồn lực tốt hơn và giúp một phần đẩy nhanh tiến độ mua - bán nợ. Mặt khác, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài mang tính chuyên nghiệp cao nên sẽ góp phần tạo dựng, phát triển thị trường mua - bán nợ.

Nợ xấu vẫn chưa giảm

Tỷ lệ nợ xấu vẫn cao, đáng chú ý là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm phần lớn trong tổng nợ xấu như: Sacombank tính đến hết quý I là 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nhóm 3 - 5 của NH này cũng tăng từ 1,45% cuối năm 2013 lên 1,86% cuối tháng 3/2014.

Chất lượng nợ của BIDV đến hết quý I/2014 nhìn chung tốt hơn so với cuối năm trước, với tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,11%, giảm từ 2,36% của cuối 2013, với tổng nợ xấu là 8.062 tỷ đồng.

Trong 3 nhóm nợ xấu, nợ dưới tiêu chuẩn giảm mạnh 54,7% từ 3.946 tỷ xuống 1.786 tỷ đồng, nhưng nợ có khả năng mất vốn của BIDV lại tăng thêm 32%, tương đương 4.200 tỷ lên 5.561 tỷ đồng.

Nợ nhóm 5 cũng chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 68,9% trong tổng nợ xấu của NH này. Vietcombank đang nằm trong top những NHTM có tỷ lệ nợ xấu thấp. Song, nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank đến hết quý I/2014 cũng đã tăng 267 tỷ đồng so với đầu năm, đạt mức 3.058 tỷ đồng, chiếm 41,3% trong tổng tỷ nợ xấu.

NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho biết, ước đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ nợ xấu của các NHTM trên địa bàn là 4,84%, tăng nhẹ so với cuối quý I đầu năm này là 4,7%. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tình hình xử lý nợ xấu của các NHTM hiện nay rất khó khăn.

Nợ xấu tăng khiến dòng chảy tín dụng vốn đã nghẽn vì sức mua yếu lại còn khó khăn hơn. Tính tới cuối tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 2,3%. So với 5 tháng đầu năm 2014, tín dụng trong tháng 6 đã tăng thêm khoảng 1%.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, để kỳ vọng được mục tiêu 12 - 14% tăng trưởng tín dụng năm nay là rất khó, vì nếu đạt mức trên thì lượng tiền đưa ra thị trường trong 6 tháng đầu năm sẽ rất lớn, đó là chưa nói đến việc bội thực, do sức hấp thu vốn của nền kinh tế vẫn yếu.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN, hoạt động của các NHTM vẫn chịu ảnh hưởng từ nợ xấu, nợ quá hạn, đặc biệt là nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản và doanh nghiệp nhà nước.

Hướng mua lại nợ xấu của các NH mà VAMC đang triển khai được xem là một biện pháp hữu hiệu, tuy nhiên, chưa làm giảm được nợ quá hạn cũng như chưa giải quyết triệt để nợ xấu sau khi bán, mà mới chỉ kéo giãn nợ. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của NH trong năm 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ xấu chưa đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO