Nợ nấu còn 3%: Nhiệm vụ bất khả thi?

03/02/2015 00:24

Ngân hàng Nhà nước đứng trước mối lo ngại lớn về nhiệm vụ đưa nợ xấu về mức 3% khi việc này gắn liền đến lợi nhuận các ngân hàng và chính sách tiền tệ của Chính Phủ.

Nợ nấu còn 3%: Nhiệm vụ bất khả thi?

Giới chuyên gia cho rằng sẽ khó có thể đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu cho đến khi lợi nhuận của các ngân hàng cải thiện hoặc Chính phủ nới lỏng quy định liên quan đến các đề xuất liên quan đến xử lý nợ xấu.

Sở dĩ Ngân hàng Nhà nước quyết liệt với xử lý nợ xấu là do lo ngại hành trình về đích nợ xấu 3% trong năm nay khó khả thi. Đặc biệt, tháng 7 tới sẽ áp dụng toàn bộ Thông tư 02 khiến áp lực nợ xấu 6 tháng cuối năm sẽ tăng lên. Bởi vậy, cơ quan này muốn các ngân hàng nhanh chóng xử lý nợ xấu ngay từ đầu năm để giảm bớt áp lực vào cuối năm.

>Bán nợ xấu chạy Thông tư 02

Trích lập chỉ là cách hạch toán

Cũng có thể Ngân hàng Nhà nước cho rằng nếu để mọi việc được thực hiện quá muộn thì sẽ có một số ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu của quy định mới.

Cần phải nói rằng, số liệu nợ xấu trong mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là số liệu do các ngân hàng nộp về hàng tháng. Số liệu này thường thấp hơn so với con số của cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, việc xử lý nợ xấu theo con số này thì đơn giản nhưng khả năng đáp ứng theo quy định mới lại là vấn đề cần bàn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm xuống còn 3,8% vào cuối tháng 11 so với 4,11% vào tháng 7/2014. Còn theo đánh giá của Cơ quan thanh tra giám sát đánh giá trên cơ sở của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), kết hợp cả định tính định lượng để phục vụ cho công tác điều hành là 5,3%.

Những hạn chế chính trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu tốc độ trích lập dự phòng của các ngân hàng phụ thuộc vào lợi nhuận trước trích lập dự phòng và thiếu khung pháp lý hiệu quả để tạo điều kiện thực thi các đề xuất liên quan.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước đốc thúc ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong 6 tháng đầu năm còn có lý do từ kỳ hạn 5 năm thực hiện tái cơ cấu chỉ còn 1 năm và hệ thống ngân hàng cần phải có một thành tích.

“Hơn nữa, theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước con số nợ xấu 3% là ở ngưỡng an toàn, do vậy, việc giảm xuống mức đó để tạo sự yên tâm cho người dân”, ông Hiếu bình luận.

Theo ông Hiếu, việc xử lý nợ xấu trên sổ sách của hệ thống ngân hàng thì đơn giản, nhưng quan trọng là nợ xấu của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đốc thúc buộc các ngân hàng phải rốt ráo hơn với nợ xấu.

Hiện nay, việc xử lý nợ xấu bao gồm những giải pháp như thu hồi nợ bằng các phát mại tài sản đảm bảo, báo cho VAC, dùng tài sản thế chấp để cấn trừ nợ, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt pháp lý, nên các ngân hàng chỉ chủ yếu xử lý nợ xấu bằng giải pháp bán cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản) và trích lập dự phòng rủi ro.

“Cần phải nói rằng xử lý rủi ro bằng cách trích lập dự phòng chỉ là cách hạch toán, chưa phải là xử lý nợ. Xử lý nợ xấu là phải xóa nợ bằng cách phát mại tài sản để thu hồi nợ, sau đó còn lại đem ra ngoại bảng theo dõi”, ông Hiếu nói.

Ví dụ, với khoản nợ 100 đồng, ngân hàng, có tài sản đảm bảo trị giá 50 đồng. 50 đồng còn lại, nếu nợ ở nhóm 4 thì phải trích lập 25 đồng và ngân hàng chịu lỗ 25 đồng. Như vậy, ngân hàng sẽ phải đưa ra ngoại bảng 25 đồng này để theo dõi.

Chuẩn bị ban hành nghị định mới về xử lý nợ xấu

Trên thực tế, việc thu hồi nợ thông qua phát mại tài sản của các ngân hàng đang gặp khó khăn về mặt pháp lý.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cho biết các vướng mắc về mặt pháp lý trong việc xử lý nợ xấu cũng đã được Thống đốc chỉ đạo các đơn vị sửa đổi, trình Chính phủ xem xét. Trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã triển khai, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu.

“Hiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 53 về xử lý nợ xấu đang được trình Chính phủ thông qua. Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị xử lý vướng mắc về pháp luật hiện đang cản trở quá trình xử lý nợ xấu, về Luật Bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Hiến pháp 2013...”, bà Hồng cho biết.

Bà Hồng nói thêm, hiện Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị thành viên khẩn trương chuẩn bị, ban hành các văn bản hướng dẫn, phù hợp với nghị định mới, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội những vướng mắc khó khăn về pháp lý.

“Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chờ Nghị định mới ban hành và dự kiến xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt phương án mua, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Ngay sau khi Nghị định mới được ban hành Ngân hàng Nhà nước sẽ lập tức có Thông tư hướng dẫn để việc triển khai được tiến hành khẩn trương, đúng tiến độ”, bà Hồng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tham mưu cho Chính phủ để trình những vấn đề vượt quá thẩm quyền như xử lý tài sản đảm bảo, quan hệ tín dụng để lấy ý kiến Quốc hội.

Bà Hồng cũng cho biết sẽ tăng cường công khai số liệu về xử lý nợ xấu của VAMC. “Đặc biệt, công tác thanh tra giám sát các TCTD sẽ được hết sức chú ý trong thời gian tới. NHNN thấy rằng nếu chính sách tốt mà công tác kiểm tra không song hành thì cũng không đạt được hiệu quả cao”, bà Hồng chia sẻ.

Trong tổ chức điều hành, bà Hồng lưu ý các đơn vị phải tập trung vào kiện toàn, nâng cao năng lực quản trị, đảm bảo hoạt động ngân hàng nói chung và tín dụng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; cơ cấu lại tài sản để các TCTD phát triển lành mạnh, tạo sự ổn định vững chắc của hệ thống.

Tuy vậy, theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, việc Ngân hàng Nhà nước siết chỉ tiêu và thời hạn xử lý nợ xấu vào giữa năm sẽ không dễ dàng với một số ngân hàng.

Việc xử lý nợ xấu không thể nhanh được nếu như lợi nhuận không cải thiện. Bởi nguồn trích lập dự phòng được lấy từ lợi nhuận, nên lợi nhuận thấp thì nguồn để trích lập dự phòng cũng sẽ không nhiều.

>Nợ xấu và kế giương Đông, kích Tây
>Chạy Thông tư không khỏi nợ xấu
>Các công ty quản lý tài sản đổ xô vào châu Á

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ nấu còn 3%: Nhiệm vụ bất khả thi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO