Những điểm sáng của cán cân thanh toán tổng thể

KHÁNH PHƯƠNG| 19/01/2017 01:26

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, cán cân tổng thể quý III/2016 tiếp tục thặng dư gần 3 tỷ USD, sau khi đã thặng dư 6,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Những điểm sáng của cán cân thanh toán tổng thể

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cán cân tổng thể quý III/2016 tiếp tục thặng dư gần 3 tỷ USD, sau khi đã thặng dư 6,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.  

Đọc E-paper

Cán cân vãng lai đóng góp lớn

Cán cân vãng lai (còn gọi là tài khoản vãng lai) tiếp tục đóng góp lớn vào thặng dư cán cân tổng thể, khi quý III thặng dư gần 3,5 tỷ USD, nâng mức thặng dư 9 tháng đầu năm 2016 lên gần 8,4 tỷ USD. Nếu so với 906 triệu USD trong năm 2015 thì giá trị thặng dư chỉ trong 9 tháng năm 2016 của cán cân vãng lai là rất cao. Trong đó, chủ yếu nhờ vào cán cân thương mại (một mục trong tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán quốc tế) thặng dư tích cực 11,9 tỷ USD, trong khi cả năm 2015 chỉ có 7,4 tỷ USD.

Ngược lại, mức thâm hụt trong cán cân dịch vụ, cán cân thu nhập cũng giảm bớt so với trước đây. Cụ thể, thâm hụt trong cán cân dịch vụ quý III/2016 là 1,46 tỷ USD, 9 tháng là 3,53 tỷ USD, trong khi thâm hụt cán cân thu nhập quý III là hơn 2 tỷ USD, 9 tháng là hơn 6 tỷ USD. Trong khi đó, các khoản chuyển giao vãng lai duy trì ở mức tích cực, gần 6 tỷ USD trong 9 tháng, mặc dù lượng kiều hối về trong năm 2016 dự kiến sụt giảm so với năm 2015.

Cán cân tài chính 9 tháng năm 2016 cũng đạt mức thặng dư khá lớn, hơn 5,9 tỷ USD, tăng mạnh so với mức thặng dư gần 1,6 tỷ USD trong năm 2015. Trong đó chủ yếu nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giải ngân ròng gần 8,9 tỷ USD, trong khi đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài chỉ ở mức 800 triệu USD.

Mặc dù khối ngoại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán nhưng nhờ vào những thương vụ M&A lớn trong năm qua mà dòng vốn đầu tư gián tiếp ròng 9 tháng 2016 đạt 684 triệu USD, trong khi năm 2015 bị rút ra 65 triệu USD.

Dòng tiền gửi từ dân cư tiếp tục chảy ra nước ngoài

Trong khi dòng tiền gửi từ các tổ chức tín dụng rút về trong quý III là 899 triệu USD, đưa tổng số tiền rút về trong 9 tháng 2016 là gần 1,9 tỷ USD thì dòng tiền gửi của khu vực doanh nghiệp, dân cư tiếp tục chảy ra nước ngoài hơn 2 tỷ USD, nâng tổng số trong 9 tháng 2016 lên gần 5,6 tỷ USD.

Nếu như trong cả năm 2015, lượng tiền gửi chảy ra nước ngoài lên đến gần 14,2 tỷ USD, trong đó từ các tổ chức tín dụng là 4,6 tỷ USD và từ khu vực khác là 9,6 tỷ USD, thì diễn biến trong 9 tháng năm 2016 với việc tổ chức tín dụng rút tiền về trong khi khu vực dân cư và doanh nghiệp tiếp tục chảy ra nước ngoài là rất đáng chú ý.

Với việc trần lãi suất huy động USD đã về 0% từ cuối năm ngoái và FED vừa tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản từ giữa tháng 12 vừa qua thì xu hướng dòng tiền gửi của khu vực dân cư tiếp tục chảy ròng ra nước ngoài là khó có thể chấm dứt hay đảo ngược.

Trong khi đó, với xuất nhập khẩu thường tăng cao trong những tháng cuối năm thì trong quý IV/2016, dòng tiền gửi của các tổ chức tín dụng ra nước ngoài có thể tăng trở lại và do đó có thể ảnh hưởng đáng kể lên cán cân tổng thể.

Lượng vốn chảy vào Việt Nam dưới dạng tiền gửi 9 tháng 2016 là 736 triệu USD, có cải thiện so với dòng vốn tiền gửi bị rút ra 662 triệu USD trong năm 2015. Trong đó lượng tiền gửi của các tổ chức tín dụng chảy vào là 771 triệu USD, ngược lại từ khu vực khác bị rút ra 35 triệu USD.

>>Với người gửi tiền, lãi suất không là tất cả?

Việc vay và trả nợ nước ngoài sau khi nhận được lượng vốn ròng chảy vào là hơn 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm thì trong quý III bị rút ra 1,1 tỷ USD, chủ yếu do trả nợ gốc dài hạn ở khu vực tư nhân tăng mạnh, hơn 1,2 tỷ USD và trả nợ gốc ngắn hạn cũng tăng mạnh lên mức 6,4 tỷ USD từ mức 3,6 tỷ USD trong quý I và 5,8 tỷ USD trong quý II/2016.

Với cán cân tổng thể thặng dư ở mức cao đã giúp dự trữ ngoại hối tăng mạnh thêm 9,7 tỷ USD trong 9 tháng 2016, trong đó riêng quý III là gần 3 tỷ USD. Nếu so với thông tin gần đây cho thấy NHNN đã mua được 11 tỷ USD trong năm qua, giúp tăng dự trữ ngoại hối lên mức 41 tỷ USD là khá phù hợp.

Trong bối cảnh đồng USD biến động mạnh trên thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực nhưng NHNN vẫn tăng được lượng dự trữ ngoại hối khá lớn được xem là điểm sáng.

Dù vậy, lỗ và sai sót trong quý III/2016 tiếp tục ở mức cao, gần 1,9 tỷ USD, nâng tổng lỗ và sai sót trong 9 tháng lên mức 4,6 tỷ USD, trong khi năm 2015 là 8,5 tỷ USD. Với thực trạng lỗ và sai sót qua các năm luôn duy trì ở mức cao cho thấy tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhập lậu hoặc chuyển ngân lậu ra nước ngoài vẫn tiếp tục diễn ra và chưa có chính sách để hạn chế.

>>Thêm một góc nhìn về tăng dự trữ ngoại hối

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những điểm sáng của cán cân thanh toán tổng thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO