Nhà đầu tư đang bị thử thách

LAM ANH| 23/05/2015 06:21

Việc giảm điểm mạnh của nhóm cổ phiếu bluechip và mức độ bán ròng tập trung của khối ngoại ở nhóm cổ phiếu này khiến cho điểm số VN-Index trở nên xấu hơn.

Nhà đầu tư đang bị thử thách

Việc giảm điểm mạnh của nhóm cổ phiếu bluechip và mức độ bán ròng tập trung của khối ngoại ở nhóm cổ phiếu này khiến cho điểm số VN-Index trở nên xấu hơn.

Đọc E-paper

Chính sách không thuận

Vừa qua, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) công bố số liệu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tính đến ngày 8/5/2015 đạt 3,69%, cao hơn so với mức 1,4% của cuối tháng 5/2014.

Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng luôn giữ nhịp độ ổn định nhờ nhu cầu vay vốn ngày càng tăng dưới sự hỗ trợ tích cực của mặt bằng lãi suất, lạm phát thấp và sản xuất công nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, khi tín dụng hồi phục thì cũng là lúc nợ xấu trở thành vấn đề khiến các nhà băng đau đầu.

Theo thống kê của NHNN Chi nhánh TP.HCM, tỷ lệ nợ xấu tính đến hết tháng 3/2015 đã tăng lên mức 5,53%, dù tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn cao hơn trung bình toàn hệ thống ở mức 4,14%.

Theo chuyên viên của RongViet Research, việc điều chỉnh cách phân loại nợ theo kết quả phân loại nợ của CIC dựa trên Thông tư số 09/2014/TT-NHNN sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT - NHNN áp dụng từ 1/1/2015 có thể là nguyên nhân khiến con số nợ xấu của toàn hệ thống gia tăng đáng kể so với đầu năm.

Dù NHNN chưa công bố tỷ lệ nợ xấu hiện nay của toàn hệ thống, vị chuyên viên trên cho rằng con số này sẽ có nhiều "đột biến" so với lần công bố vào đầu tháng này.

Chưa hết, chỉ mới hai tuần trước, kỳ vọng về việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thổi bùng trở lại bởi thông tin Quốc hội Mỹ có thể thông qua cơ chế quyền đàm phán nhanh các hiệp định thương mại (TPA) cho Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, những người chờ đợi TPP đã phải thất vọng khi cơ chế TPA không nhận được sự ủng hộ từ Thượng viện Mỹ. Như vậy, trước thềm vòng đàm phán mới, TPP lại tiếp tục vướng phải sự bất đồng giữa các đảng ở Mỹ. Hôm 17/5, các cổ phiếu ngành dệt may đều ghi nhận phiên giảm điểm TCM (-1%), TNG (-0,45%) và GMC (-1)%.

Thực tế, sự chậm trễ của TPP chưa có ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn đến kết quả kinh doanh (KQKD) của các doanh nghiệp (DN) nói trên vì hai lý do: TPP chỉ có hiệu lực sau 2 năm kể từ ngày ký, do đó, các công ty dệt may Việt Nam sẽ chưa bị tác động đáng kể bởi việc TPP có được ký kết trong năm 2015 hay không.

Đồng thời, dù không có TPP, khả năng tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt nam sang thị trường Mỹ vẫn còn rất lớn, đặc biệt là đối với những DN có năng lực sản xuất và sự chuẩn bị tốt. Đơn cử như TCM được kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc khi TPP có hiệu lực, lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) năm 2015 có thể đạt khoảng 3.700 đồng/CP.

Năm 2016, khi nhà máy Vĩnh Long đi vào hoạt động ổn định, EPS của TCM có thể đạt xấp xỉ 4.200 đồng/CP. Với mức giá hiện tại, TCM được xem là cổ phiếu đang có giá hấp dẫn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kỳ vọng ban đầu vì thị trường đang bị chao đảo bởi rất nhiều thông tin.

Khối ngoại bán ròng

Thanh khoản thấp và điểm số liên tục đi xuống sẽ thử thách lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt là NĐT ngoại. Xét về giao dịch, NĐT nước ngoài bán ròng khá mạnh. Tính ở tuần thứ 3 của tháng 5, NĐT ngoại bán gần 121,42 tỷ đồng trên sàn HSX. Trong đó, những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh bao gồm DXG, HPG, HAG và CII.

Bên cạnh đó, như nhận định của các chuyên viên phân tích, từ đầu tuần, trong điều kiện những thông tin về kết quả kinh doanh (KQKD) quý I của DN cũng như mùa đại hội cổ đông dần khép lại thì việc thiếu vắng những thông tin hỗ trợ đủ sức bật cũng như tâm lý khá dè dặt từ phía NĐT là rào cản rất lớn cho thị trường vào thời điểm này.

Giới phân tích cho rằng, trên thị trường vẫn đang có một lực lượng chờ đợi để mua "rẻ”, nhưng hiện tại có thể chưa phải là thời điểm thích hợp để giải ngân mạnh. Theo chuyên viên thị trường, những NĐT đang nắm giữ tiền mặt và ngại rủi ro có thể xem xét đầu tư vào một số cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao trong bối cảnh giá đang giảm như hiện nay.

Về mặt thị trường, hiện tại chỉ có VNM là cổ phiếu trụ cột hiếm hoi giữ được giá tham chiếu trong phiên giao dịch hôm 17/5 nhờ KQKD khả quan trong quý I/2015 vừa được công bố. Cụ thể, doanh thu và LNST lần lượt đạt 8.716 và 1.557 tỷ đồng, tăng 13% và 12% so với cùng kỳ 2014.

Đặc biệt, việc giảm giá sữa nguyên liệu từ những tháng cuối năm 2014 đã bắt đầu phản ánh trong quý I khiến biên gộp cải thiện thêm 4,2% so với cùng kỳ, đạt 35,7%. Thêm vào đó, các đơn vị sản xuất bao bì cho VNM cho biết VNM đang đẩy mạnh các đơn hàng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên ngành sữa ngày càng khắc nghiệt, vì vậy, VNM buộc phải đẩy mạnh chi phí marketing nhằm bảo vệ thị phần.

Trong khi đó, Nutifood, thương hiệu có thị phần sữa bột chỉ đứng sau Vinamilk, đang có những bước phát triển mạnh mẽ khi kết quả kinh doanh trong những năm trở lại đây tăng 100%. Thêm vào đó, việc Nutifood hợp tác với HAG đầu tư phát triển đàn bò, đặc biệt là việc nghiên cứu sản xuất sữa bột nguyên liệu, càng làm cho người ta quan ngại hơn về khả năng cạnh tranh của VNM.

Dẫu tích cực, song các nhà phân tích đến từ VDSC chưa thay đổi giá mục tiêu 110.000 đồng/CP của VNM, bởi họ chưa nhận thấy những tín hiệu tích cực rõ ràng và giá sữa nguyên liệu vẫn đang biến động hợp lý. Chỉ có điều, nhà đầu tư yêu thích cổ tức có thể xem xét cổ phiếu này khi sắp đến các đợt chốt quyền cổ tức...

>Bảo hiểm nhân thọ: Vẫn là cuộc đua của khối ngoại
>Đi tìm blue chip bất động sản
>Khi blue chip không xanh màu hy vọng
>Mỹ: Trở ngại mới trong tiến trình đàm phán TPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà đầu tư đang bị thử thách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO