Ngưỡng 500, ác mộng của "đại gia" chứng khoán

31/08/2013 08:29

Trong vài năm gần đây, 500 điểm trở thành ngưỡng khó qua của TTCK.

Ngưỡng 500, ác mộng của

Trong vài năm gần đây, 500 điểm trở thành ngưỡng khó qua của TTCK. Nhiều lần, VN-Index vượt lên trên ngưỡng này khiến các đại gia kiếm được cả nghìn tỷ trong một ngày nhưng chỉ ngay sau đó lại tụt dốc khiến họ thủngg túi. Ngưỡng 500 điểm trở thành ác mộng cho nhiều đại gia và chứng khoán Việt Nam.

Ngưỡng mất mát

Phiên giao dịch 29/8, VN-Index tiếp tục giảm 4,75 điểm xuống 468,55 điểm. Phiên liền trước, VN-Index đã giảm giảm 12,27 điểm (-2,53%) xuống 473,3 điểm. Đợt phá đáy mạnh mẽ này đã đẩy chỉ số chứng khoán rời xa ngưỡng 500 điểm. Với đợt giảm giá này, hàng loạt cổ phiếu một thời từng là động lựccủa thị trường như: VNM STB, EIB, MSN, VIC, FPT, BVH... mất giá mạnh.

TTCK tập trung tiếp tục đi xuống bất chấp trong hơn 4 tháng đầu năm nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ và nằm trong tốp những TTCK tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Hàng loạt các thông tin tốt và các kế hoạch hỗ trợ thị trường đã được đưa ra nhưng cổ phiếu tiếp tục giảm do kỳ vọng và sự phục hồi DN đã không như mong muốn.

Có thời điểm, TTCK đã có những phiên tăng điểm cùng với khối lượng giao dịch tăng lên nhưng tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" vẫn tiếp tục duy trì. Số mã giảm điểm vẫn áp đảo, trong khi số cổ phiếu tăng điểm khá ít. Tuy nhiên, một số mã blue-chip lên giá đã kéo thị trường chung đi lên đã không duy trì được lâu. TTCK đã có những phiên mất điểm rất mạnh như ngày 25/6, VN-Index mất 23 điểm (tương đương 5%), bằng thời điểm khi bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên) bị bắt.

Mức độ tăng điểm của thị trường trong những tháng đầu năm 2013 dường như không tương ứng với kỳ vọng phục hồi của thị trường đã khiến hàng loạt cổ phiếu, trong đó có những mã chủ chốt trên thị trường như nhóm VN30 nhiều phiên chìm trong sắc đỏ. Rất nhiều cổ phiếu như STB, DIG, MSN, VNM, HPG, HAG... đã không thể vươn lên những đỉnh cao mới

TTCK trong nước liên tục lên rồi rớt khỏi ngưỡng 500 điểm khi mà thị trường vàng thế giới biến động khôn lường, USD cũng như các kênh đầu tư khác như BĐS không hấp dẫn giới đầu tư. Xét về mặt lý thuyết, các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, dòng tiền sẽ đổ vào chứng khoán. Tuy nhiên, ở một mặt nào đó, vàng thấp, BĐS trầm lắng, cùng tỷ giá USD ổn định giữa năm đã kéo không ít các NĐT đổ tiền vào đây để nắm bắt cơ hội.

Làn sóng bán ra của một bộ phận các NĐT nước ngoài trong vài tháng trước cùng với lực bán ra khá mạnh của khối này trong thời gian gần đây khi nền kinh tế cũng như chính trị trên thế giới liên tục biến động bất lợi đã góp phần bất lợi cho diễn biến chung của thị trường. Liên tục trong tháng 6, hàng loạt các đợt bán ròng của khối ngoại đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các NĐT trong nước.

Cửa hẹp cho TTCK?

Một câu hỏi được đặt ra là, trong bối cảnh hiện nay giá cổ phiếu không cao, nhiều cổ phiếu có giá/lợi nhuận (P/E) khá thấp, trung bình chỉ 8-9 lần, liệu dòng tiền có quay lại thị trường này không và tại sao VN-Index vẫn chưa thể bứt phá khỏi ngưỡng 500 điểm?

Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, TTCK còn rất nhiều cơ hội, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền đang không biết chảy vào đâu, vào ngân hàng thì lãi suất thấp; vào vàng, ngoại tệ thì khó có biến động mạnh, thậm chí có khả năng giảm giá như vàng nếu tình hình chính trị thế giới không có nhiều biến động; thị trường BĐS trong khi đó được dự báo có thể còn suy giảm kéo dài.

Nhiều CTCK cho rằng, TTCK đang ở chân một con sóng dài và đây là thời điểm mua vào chứng khoán do Chính phủ đang làm mọi cách để kích thích nền kinh tế, từ đẩy mạnh bơm tín dụng vào sản xuất kinh doanh cho tới các biện pháp tài khóa nới lỏng.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu các DNNN và tái cơ cấu TTCK đã và đang có những chuyển biến tích cực. Rất nhiều hoạt động không hiệu quả, những hoạt động đầu tư dàn trải, sai ngành, không hiệu quả... đã được chấn chỉnh và chuyển đổi...

Với khối ngoại, không chỉ mua các cổ phiếu blue-chips, rất nhiều quỹ đầu tư đã đẩy mạnh mua các cổ phiếu vừa và nhỏ, với nhiều phân tích trong và ngoài nước cho rằng, các cổ phiếu Việt Nam đang ở mức hấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chỉ số VN-Index do vậy có thể lên tới 650 điểm vào cuối năm nay.

Kỳ vọng vào một đợt tăng giá dài hạn đã nhen nhóm trong nhiều tháng qua nhưng giờ đây, trên các diễn đàn, tâm lý chung vẫn là lo ngại, ngại chứng khoán có thể còn giảm tiếp, chưa nói tăng trở lại lên những ngưỡng cao mới.

Nhiều người cho rằng, những chuyển động tái cấu trúc của nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang quá chậm chạm và thiên về hình thức nhiều hơn bản chất. Vì thế, khả năng thị trường đột phá vùng giá 530 để tiến lên vùng giá 650 vào cuối năm nay như một số dự báo là rất thấp.

Không những thế, một số dự đoán còn cho rằng, thị trường đang theo hướng giảm dần và sẽ biến động trong khung dưới 520 trong thời gian từ nay đến cuối năm 2013. Các NĐT cho rằng, kỳ vọng vào các biện pháp hỗ trợ kinh tế vĩ mô cũng như các nỗ lực nhằm giải quyết nợ xấu ngân hàng, giải cứu thị trường BĐS, TTCK... đã khiến giá cổ phiếu đã tăng khá mạnh từ cuối năm 2012 cho đến giữa năm 2013. Đỉnh điểm của sự hưng phấn là thông tin thành lập công ty mua bán nợ VAMC. Tuy nhiên, cho tới bây giờ kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng. Việc TTCK cải thiện như thế nào; VAMC hoạt động như thế nào, liệu có hiệu quả không... vẫn còn khá mơ hồ. Việc TTCK hưởng lợi từ những chuyển biến này xem ra vẫn còn khá xa vời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngưỡng 500, ác mộng của "đại gia" chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO