Ngoằn ngoèo dòng tiền tín dụng

THÙY CHI| 24/06/2016 01:28

Điểm đáng chú ý trong tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm là tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng âm với mức giảm 5,96% so với cuối năm 2015. Nguyên nhân là do NHNN hạn chế đối tượng được vay ngoại tệ.

Ngoằn ngoèo dòng tiền tín dụng

Điểm đáng chú ý trong tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm là tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng âm với mức giảm 5,96% so với cuối năm 2015. Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạn chế đối tượng được vay ngoại tệ. Trước thực tế đó, gần đây NHNN đã công bố tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với khách hàng có nguồn thu ngoại tệ đến cuối năm.  

Đọc E-paper

Mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ký ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 của NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là TCTD) đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, TCTD được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31/12/2016.

Hành động lần này của NHNN được nhiều người dự báo xuất phát từ con số tăng trưởng âm mà Vụ Tín dụng công bố mới đây. Cụ thể, theo Vụ Tín dụng, tính đến ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 5,48%, tăng 17,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng âm. Tính đến ngày 31/5/2016, tín dụng ngoại tệ giảm 5,96% so với cuối năm 2015.

Sản phẩm lách luật

Với những con số được đưa ra cộng thêm một chính sách mới được ban hành, chứng tỏ thời gian qua, Thông tư 24 là một quy định bất cập.

Đối với doanh nghiệp (DN), từ ngày 31/3/2016, khi Thông tư 24 được áp dụng thì nhiều DN phải chuyển qua vay tiền đồng với lãi suất cao, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh. Nói như ông Phan Đức Chiến - Chủ DN Đức Hoàng (chuyên xuất khẩu vải dệt sang Ý), khi chuyển sang vay tiền đồng, chi phí hoạt động tăng cao khiến một số DN gặp khó khăn, mất tính cạnh tranh so với các DN ngoại.

Đối với khối ngân hàng thương mại (NHTM) cũng vậy, dù nói rằng cho vay VND lãi suất cao hơn nhưng DN không vay khiến ngân hàng bị rơi vào tình trạng dư thừa thanh khoản. Bằng chứng là sau khi bị cấm, ngân hàng có nhiều loại sản phẩm "lách luật" như cho vay VND có đảm bảo bằng ngoại tệ, cho vay VND theo lãi suất USD, cho vay VND tính theo lãi suất EUR... Tình trạng này diễn ra khá phổ biến và có thể NHNN cũng biết nhưng vẫn phải làm ngơ vì nhu cầu của cả ngân hàng và DN.

Tuy nhiên, vì phải lách cho vay nên ngân hàng phải hoán/chuyển đổi qua nhiều bước trung gian làm gia tăng chi phí cho người vay. Việc hạch toán khoản cho vay đối với ngân hàng sau khi cấm phức tạp hơn nhiều so với trước khi cấm.

Thậm chí, nếu quan sát số liệu mà NHNN công bố, có thể thấy quy định hạn chế cho vay ngoại tệ đang ảnh hưởng trực tiếp đến cả quy trình bơm hút tiền của NHNN.

Đơn cử, hoạt động của thị trường tiền tệ trong 5 tháng đầu năm nhìn chung ổn định nhưng cũng tiềm ẩn sự vận động đáng chú ý. Thứ nhất, mặt bằng lãi suất (trái phiếu chính phủ, liên ngân hàng) có xu hướng giảm nhẹ và thứ hai là khả năng hệ thống đang dư thừa tiền đồng do việc mua vào ngoại tệ của NHNN và cung tiền tăng nhanh hơn tín dụng.

Theo một lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM, về cơ bản, sự ổn định của thanh khoản hệ thống ngân hàng thể hiện qua những yếu tố như việc bơm hút vốn đều đặn trên thị trường OMO, doanh số trên thị trường liên ngân hàng giảm nhẹ so với cùng kỳ cùng với lãi suất qua đêm bình quân có xu hướng giảm dần qua các tháng.

Nắn dòng tín dụng

Thế nhưng, đối với huy động và cho vay trong hệ thống ngân hàng, có thể thấy tăng trưởng cung tiền đang nhanh hơn tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày 20/5/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12/2015; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 5,52%, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,52%.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối khoảng 8 tỷ USD, tức khoảng 178 nghìn tỷ đồng. Để mua ngoại tệ, NHNN phải cung ra một lượng tiền mặt nhất định, đồng thời phát hành tín phiếu hoặc hút ròng trên OMO để trung hòa tác động của lượng tiền cung ứng. Chỉ đến đầu tháng 6, NHNN mới bắt đầu quay trở lại phát hành tín phiếu, do đó, nhiều lý giải cho rằng hệ thống ngân hàng có khả năng đang dư tiền đồng.

Nhìn chung, những thông số đưa ra cho thấy Thông tư 06 và 07 của NHNN ban hành vào cuối tháng 5/2016 nhằm nới lỏng các quy định của Thông tư 36, mở lại cho vay ngoại tệ và chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Mặc dù vậy, giới DN vẫn chưa cảm thấy được tạo điều kiện tốt nhất để tăng tính cạnh tranh vì cung cầu ngoại tệ vẫn cần được điều tiết và kiểm soát hợp lý, không giật cục để tránh những hệ quả không mong muốn trong tương lai gần.

Từ nay đến cuối năm, áp lực tăng tỷ giá vẫn còn rất lớn, theo đó, cả ngân hàng và DN đều phải tìm giải pháp cụ thể để lái dòng vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, có điều, đây vẫn là nhiệm vụ không dễ dàng.

>Siết tín dụng, “nghẹt” tiến độ?

>Ép hai đầu tín dụng ngoại tệ

>Quy định mới về mở và sử dụng ngoại tệ ở nước ngoài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngoằn ngoèo dòng tiền tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO