Ngoại tệ trượt giá, doanh nghiệp hưởng lợi

LINH CHI| 13/11/2014 04:23

Tiền đồng tăng giá so với nhiều loại tiền tệ khác giúp một số doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu trong nước hưởng lợi.

Ngoại tệ trượt giá, doanh nghiệp hưởng lợi

Tiền đồng tăng giá so với nhiều loại tiền tệ khác giúp một số doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu trong nước hưởng lợi.

Đọc E-paper

Tiền đồng được giá

Trong 10 tháng đầu năm, tỷ giá USD liên tục ổn định với nguồn cung vượt trội so với nhu cầu mua USD từ các công ty thương mại. Điều này thể hiện qua cán cân thương mại của Việt Nam duy trì số dương từ đầu năm đến hết tháng 10.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng gia tăng vị thế bán trước USD để thực hiện kinh doanh chênh lệch lãi suất, góp phần lớn gia tăng nguồn cung USD giúp ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, đối với một số cặp tiền tệ khác, tiền đồng biến động khá mạnh tính từ cuối tháng 6/2014 đến nay. Đáng chú ý là đồng euro và đồng yên giảm giá khá mạnh so với VND.

Tính chung, 9 tháng đầu năm, đồng Euro mất giá 8,8% so với VND, chủ yếu do Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất và công bố một số chương trình kích thích kinh tế nhằm giải quyết tình trạng lạm phát ở mức thấp và tăng trưởng yếu.

Trong cùng khoảng thời gian, đồng yên mất giá 7,7% so với VND, chủ yếu do Ngân hàng Trung ương Nhật tiếp tục các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm khắc phục tình trạng giảm phát. Xu hướng thậm chí cũng diễn ra tương tự với đồng tiền của Hàn Quốc khi won cũng đã mất giá hơn 7% so với VND từ đầu năm tới nay.

Lý giải thêm, ông Bùi Hải Dương, Phòng Kinh doanh ngoại hối Sacombank, cho biết, ngoài những nguyên nhân đề cập, tiền đồng tăng cao so với các ngoại tệ nêu trên nhờ USD được phục hồi. Cụ thể, chỉ tính 2 tuần gần đây, một số DN thuộc chỉ số S&P 500 có kết quả doanh thu quý III đã vượt kỳ vọng.

Kết quả là chứng khoán Mỹ bật tăng lên cao nhất 2 tuần, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng lên cao nhất trong 1 tuần. Theo nhận định của các chuyên gia từ BNP Paribas, USD thường vẫn là tài sản trú ẩn tốt nhất trước mỗi cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ.

Thời điểm này, các nhà hoạch định chính sách đang mở phiên họp tháng 10. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm trong hơn 1 tháng qua, thị trường dự đoán, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nhanh chóng tăng lãi suất vào năm sau. Mới đây, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trung bình của 4 tuần qua đã xuống thấp nhất trong 14 năm.

Chỉ số PMI sản xuất sơ bộ của Mỹ xuống thấp nhất 3 tháng trong tháng 10 (theo số liệu của Markit Economics), nhưng tin tức này chỉ giúp chặn đà giảm liên tiếp của euro (so với USD) trong nhiều ngày qua. Còn đối với tiền đồng, sự giảm giá vẫn duy trì ổn định.

Hẹp cửa hàng nội?

Từ sự hỗ trợ lên giá của tiền đồng, thời gian qua, nhiều DN xuất nhập khẩu có rất nhiều lợi thế. Đơn cử, Tập đoàn Hoa Sen (HSG), nhà sản xuất tôn thép có khoảng 2/3 nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản, khẳng định tác động của việc giảm giá đồng yên tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty chưa thực sự rõ ràng.

Song thực tế chứng minh, cổ phiếu Hoa Sen liên tục tăng vọt, thu hút sự chú ý nhiều hơn với mức tăng 4,34%. Lý do cho sự đổi chiều tại HSG là nhờ đơn vị này đã nhập khẩu sản phẩm giá rẻ từ Nhật suốt thời gian qua.

Tương tự, tranh thủ sự mất giá của đồng đô Úc, một số DN thực phẩm như Vissan, CP... nhập số lượng rất lớn một số mặt hàng thịt, trái cây từ nước này.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, điều đáng nói là những loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà nhập khẩu dù đã chịu thuế, phí nhưng giá vẫn rẻ hơn thịt bò, thịt gà nội. Bởi thực tế trọng lượng giống bò vàng trong nước chỉ 250kg/con, trong khi bò Úc lên đến 400 - 600kg/con.

Tỷ lệ thịt của bò vàng sau khi giết mổ chỉ đạt 50%, còn bò Úc đạt lên đến 60 - 65%. Hiện giá thịt bò Úc bán tại các siêu thị khá mềm nên nhiều DN tăng nhập khẩu.

Theo đánh giá của ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam, dù không có đột biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng nhiều DN vẫn đạt lợi nhuận lớn nhờ sự giảm giá của ngoại tệ. Cũng theo ông Tareq Muhmood, thời gian qua có nhiều DN đến Ngân hàng để vay thêm vốn nhập khẩu hàng hóa từ Úc về Việt Nam thay vì đầu tư mở rộng thêm sản xuất.

Nói như một khách hàng của ANZ, đơn vị này không chỉ nhập khẩu sản phẩm giá rẻ từ Úc, mà còn được cơ cấu lại các khoản vay ngoại tệ. Như vậy, không cần đầu tư sản xuất trong nước, chỉ nhập khẩu DN cũng đã có lãi. Một lãnh đạo một ngân hàng xác nhận thời gian qua rất nhiều DN có khoản vay ngoại tệ lớn được hoàn nhập khoản trích lập dự phòng giảm giá ngoại tệ.

Trong đó, nhiều DN được ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá đáng kể trong quý III/2014 khi vay nợ bằng đồng euro để phục vụ việc đầu tư dây chuyền sản xuất của châu Âu. Ví dụ, Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) đầu quý III/2014 có khoản nợ 76 triệu euro nên khi đồng euro trượt giá HT1 có khoản lãi tài chính 170 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Tareq nhấn mạnh, các DN phải cân nhắc kỹ vì phải đối mặt với rủi ro sụt giảm lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận trở thành con số âm khi giá ngoại tệ đó biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi. Cùng quan điểm, ông Dương cho rằng các DN giao dịch các đồng ngoại tệ ngoài USD phải mua sản phẩm phái sinh rất cẩn thận đối với các hợp đồng ký kết.

Bởi lẽ, sự biến động của các đồng tiền trên phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới, chưa kể chính sách của Việt Nam khuyến khích sử dụng sản phẩm trong nước đã sản xuất được và hạn chế nhập siêu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngoại tệ trượt giá, doanh nghiệp hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO