Ngành thép: Cổ phiếu lớn ghi điểm

HÀ LINH| 25/03/2016 01:57

Những ngày vừa qua, ngành thép nội địa liên tiếp được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực đến từ cả thị trường quốc tế lẫn trong nước.

Ngành thép: Cổ phiếu lớn ghi điểm

Những ngày vừa qua, ngành thép nội địa liên tiếp được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực đến từ cả thị trường quốc tế lẫn trong nước.

Đọc E-paper

Theo đó, từ ngày 7/3, giá quặng sắt thế giới tăng hơn 26% do Trung Quốc thông báo giữ mức tăng trưởng mục tiêu 6,5 - 7% và những tin tức về ngành bất động sản của nước này đang phục hồi. Tiếp đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế tự vệ tạm thời lên phôi thép và thép cây nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất thép trong nước.

Như vậy, sau gần nửa năm cùng Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị, bốn doanh nghiệp (DN) sản xuất phôi thép (HPG, POM, TIS và VIS) đã được bảo vệ tạm thời bằng mức thuế 23,3% lên phôi thép và 14,2% lên thép cây nhập khẩu, hiệu lực từ ngày 22/3/2016 đến ngày 7/10/2016.

Có thể nói, quyết định dùng biện pháp phòng vệ thương mại có ảnh hưởng trái ngược lên nhóm DN sản xuất phôi và nhóm DN nhập khẩu phôi.

Áp thuế lên cả bán thành phẩm và sản phẩm thép xây dựng, Bộ Công Thương đã tỏ ra rất quyết liệt trong việc hạn chế ảnh hưởng của thép Trung Quốc phá giá lên các nhà sản xuất phôi thép nội địa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các DN nhập khẩu phôi thép và thép xây dựng thành phẩm sẽ phải đối mặt với tăng giá vốn đột biến.

Theo ước tính của các chuyên viên phân tích ngành thép, giá phôi và thép xây dựng nhập khẩu sau khi áp thuế nhiều khả năng tăng đáng kể. Mức tự vệ áp dụng được Bộ Công Thương đưa ra dù thấp hơn mức kiến nghị (44% cho phôi thép và 33% cho thép cây thành phẩm), nhưng vẫn có khả năng kéo giá thép nhập khẩu lên, tạm thời duy trì sức cạnh tranh cho các nhà sản xuất nội địa.

Giá thép xây dựng đã giảm gần 30% trong năm 2015 do tác động của thép Trung Quốc phá giá. Với mục đích đẩy mạnh xuất khẩu để giải quyết lượng hàng tồn kho trong nước, các công ty thép Trung Quốc thậm chí “lách thuế” bằng cách khai báo phôi thép hợp kim, hưởng thuế nhập khẩu 0% (trong khi phôi thép thường chịu thuế 9%).

Cộng thêm việc được Chính phủ Trung Quốc trợ giá xuất khẩu, lượng phôi thép mà Việt Nam nhập khẩu từ nước này tăng hơn 60% trong giai đoạn 2014 - 2015.

Như vậy, nhóm các nhà sản xuất thép xây dựng từ thượng nguồn sẽ hưởng lợi từ cải thiện biên gộp, do cạnh tranh về giá bớt gay gắt.

Đặc biệt, HPG, với công nghệ sản xuất và giá thành tương đương với các công ty thép Trung Quốc, có cơ hội tăng trưởng thị phần, doanh thu và LNST khả quan nhất.

Nhờ khu liên hợp thép mới, sản lượng sản xuất và tiêu thụ cũng như LNST năm 2015 ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với các đối thủ cùng ngành.

Giai đoạn III của chuỗi sản xuất thép mới dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2016, cộng với việc được bảo hộ ở thị trường nội địa sẽ tiếp đà tăng trưởng cho HPG.

Từ những phân tích trên đây, giới chuyên môn khuyên cần lưu ý quyết định áp thuế tự vệ có ảnh hưởng lên các công ty trong ngành thép xây dựng và không ảnh hưởng trực tiếp lên các công ty tôn mạ, mặc dù cùng ngành thép.

Tôn mạ, một phân khúc khác của ngành công nghiệp thép, cũng đang chịu áp lực từ tôn nhập khẩu phá giá và đang trong quá trình điều tra. Ngày 4/3, Bộ Công Thương đã điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôn mạ nhập khẩu.

Áp thuế lên tôn mạ nhập khẩu thành công sẽ tạo cơ hội tăng trưởng cho các nhà sản xuất tôn mạ nội địa.

>Bộ Công Thương: Khó lợi dụng thuế tự vệ để chi phối thị trường thép

>Bộ Tài chính trả lời việc kiểm tra phôi thép nhập từ Trung Quốc

>Dấu hiệu tích cực từ việc áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành thép: Cổ phiếu lớn ghi điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO