Ngành ngân hàng: Lên sàn có dễ tăng vốn?

KHÁNH PHƯƠNG| 06/01/2017 03:35

Cổ phiếu ngân hàng không còn được xem là khoản đầu tư hấp dẫn và tiềm năng, nhất là khi chính sách chia cổ tức của các ngân hàng khá "bèo bọt".

Ngành ngân hàng: Lên sàn có dễ tăng vốn?

Vấn đề niêm yết trên sàn chứng khoán của các ngân hàng lại nóng lên vào cuối năm 2016 khi Techcombank và VIB được cấp giấy chứng nhận đăng ký và cấp mã chứng khoán. Bên cạnh đó, VPBank đã lấy ý kiến cổ đông về việc niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn. 

Đọc E-paper

Lên sàn có lợi gì?

Trong bối cảnh tăng vốn là điều kiện cần để mở rộng kinh doanh và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn, việc niêm yết trên sàn chứng khoán có thể giúp các ngân hàng có nhiều thuận lợi cũng như cơ hội để thu hút thêm nguồn vốn từ các cổ đông, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Thực tế thời gian qua cho thấy việc tăng thêm vốn của các ngân hàng là không hề dễ, nhất là khi ngành ngân hàng vẫn chìm trong khó khăn với việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc.

Cụ thể như trong năm 2016 vừa qua, có gần 20 ngân hàng đặt kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ, tuy nhiên số lượng ngân hàng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra lại quá ít. Với lượng cổ đông hiện hữu cô đặc và nguồn lực bị hạn chế, thì việc lên sàn thu hút thêm các nhà đầu tư mới có thể là giải pháp phù hợp đối với các ngân hàng hiện nay.

Phải chăng đây cũng là mục tiêu của những ngân hàng quyết định sớm niêm yết, nhất là khi những ngân hàng này nằm trong nhóm 10 ngân hàng được lựa chọn thí điểm để thực hiện Basel 2 do đó có áp lực tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính.

Việc niêm yết trên thị trường tập trung cũng sẽ giúp ngân hàng tăng độ minh bạch thông tin hoạt động cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện tại một số ngân hàng hằng quý đều có công bố báo cáo tài chính trên website, tuy nhiên cũng có những ngân hàng cả năm mới công bố một lần và thậm chí chỉ là những báo cáo tóm tắt, không có thuyết minh, do đó các nhà đầu tư rất khó để hiểu được kết quả kinh doanh thật sự như thế nào.

>>Sau hủy niêm yết, cổ phiếu "tàng hình" khiến nhà đầu tư mất trắng

Đối với những ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài, lên sàn sẽ dễ dàng hơn khi muốn thoái vốn. Trong tình hình Việt Nam đã cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài, thì việc duy trì góp vốn tại các ngân hàng nội của các tổ chức nước ngoài có thể đưa đến những mâu thuẫn về lợi ích.

Trước đây ngân hàng ANZ sau khi thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam thì đã thoái vốn khỏi Sacombank khi lợi nhuận đầu tư thỏa mức kỳ vọng. Hiện tại VIB đang có cổ đông ngoại là ngân hàng Commonwealth và Techcombank có HSBC, liệu sau khi 2 ngân hàng lên sàn thì cổ đông có sớm thoái vốn, nhất là khi HSBC đã có ngân hàng con tại Việt Nam cách đây khá lâu?

Không những cổ đông nước ngoài mà các cổ đông trong nước là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng có thể dễ dàng thoái vốn thành công hơn khi cổ phiếu ngân hàng được niêm yết rộng rãi trên sàn chứng khoán, trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nhưng thời gian qua, việc thoái vốn ra khỏi các ngân hàng của nhiều doanh nghiệp nhà nước rất khó khăn, với các phiên đấu giá thường thất bại.

Vì sao vẫn trì hoãn?

Trong số 35 ngân hàng thì hiện tại chỉ mới có 9 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, với 6 ngân hàng ở sàn HoSE là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Quân đội, Eximbank, Sacombank và 3 ngân hàng ở sàn HNX là SHB, ACB và NCB. Với việc Techcombank, VIB và VPBank chuẩn bị niêm yết thì số lượng ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung sẽ nâng lên 12.

Những năm qua, nhiều ngân hàng tuyên bố sẽ sớm lên sàn nhưng việc thực hiện luôn bị trì hoãn.

Thứ nhất là do thị trường chứng khoán vẫn còn ảm đạm, do đó có lên sàn cũng khó thu hút được các nhà đầu tư. Đã qua lâu rồi thời các nhà đầu tư tranh mua cổ phiếu ngân hàng như giai đoạn 2004 - 2006.

Thứ hai, hoạt động của nhiều ngân hàng vẫn chìm trong khó khăn, lợi nhuận thấp và giảm sút, nợ xấu cao trong khi phải thực hiện các giải pháp tái cấu trúc theo đề án của Ngân hàng Nhà nước.

>>"Cổ phiếu vua" lên sàn: Nan giải!

Do đó, cổ phiếu ngân hàng không còn được xem là khoản đầu tư hấp dẫn và tiềm năng, nhất là khi chính sách chia cổ tức của các ngân hàng khá "bèo bọt", hoặc thậm chí không có trong suốt nhiều năm. Do đó, dù có lên sàn nhưng nếu không thu hút được người mua thì xem như thất bại, thậm chí có thể ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu.

Trong khi đó, một số ngân hàng hiện nay vẫn còn tình trạng rót vốn cho các công ty sân sau, tình hình tài chính chưa đủ độ minh bạch, còn nhiều vấn đề trong kinh doanh chưa xử lý xong, do đó không muốn niêm yết cổ phiếu, vì sợ lên sàn sẽ phải công khai thông tin nhiều hơn và dễ bị chú ý. Một số ít lại sợ bị thâu tóm khi niêm yết cổ phiếu trên sàn, mà Sacombank bị thâu tóm trước đây là một ví dụ.

Tuy nhiên, dù gì đi nữa thì việc niêm yết trên sàn chứng khoán là xu hướng tất yếu. Ngân hàng Nhà nước trong những năm qua cũng liên tục đôn đốc các ngân hàng phải sớm lên sàn chứng khoán. Do đó, trong thời gian tới có thể sẽ có thêm nhiều ngân hàng sớm niêm yết theo các quy định cũng như định hướng trong đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành ngân hàng: Lên sàn có dễ tăng vốn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO