Ngành dệt may: Chọn cổ phiếu của doanh nghiệp lớn

HOÀNG LONG| 06/05/2015 03:27

Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành dệt may hiện có 8 mã đang niêm yết, gồm cổ phiếu TCM của Dệt Thành công, TNG của Đầu tư và Thương mại TNG, NPS của May Phú Thịnh-Nhà Bè, KMR của Mirae, GMC của May Sài Gòn, GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, TET của Vải sợi may mặc miền Bắc (TET) và EVE của Everpia Việt Nam.

Ngành dệt may: Chọn cổ phiếu của doanh nghiệp lớn

Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành dệt may hiện có 8 mã đang niêm yết, gồm cổ phiếu TCM của Dệt Thành công, TNG của Đầu tư và Thương mại TNG, NPS của May Phú Thịnh-Nhà Bè, KMR của Mirae, GMC của May Sài Gòn, GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, TET của Vải sợi may mặc miền Bắc (TET) và EVE của Everpia Việt Nam.

Đọc E-paper

Theo thống kê của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cổ phiếu ngành dệt may đã tăng 33,62% trong năm 2014 so với mức tăng 8,15% của chỉ số chứng khoán VN-Index.

Ngoại trừ cổ phiếu EVE giảm 6%, hầu hết các cổ phiếu ngành dệt may đều có kết quả vượt trội so với Index, trong đó TNG tăng 178%, TCM tăng 66%, GIL tăng 43%, GMC tăng 42%, KMR tăng 12%. Lợi thế là có, song một số nhà phân tích cho rằng ngành này còn nhiều rủi ro nên việc lựa chọn đầu tư cũng cần cân nhắc.

Đơn cử, theo phân tích của các chuyên gia Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), để đón đầu TPP và các hiệp định FTA, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước đã đầu tư thêm theo bốn xu hướng đầu tư chính: mở rộng năng lực gia công hiện hữu (may, thêu); hoàn thiện chu trình sản xuất (xe sợi, dệt, nhuộm); phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và xây dựng hệ thống bán lẻ để khai thác thị trường nội địa.

Trong đó, việc đầu tư nhằm hoàn thiện chu trình sản xuất cũng không dễ thực hiện do các yêu cầu khắt khe về môi trường trong ngành dệt nhuộm và khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ thiết kế. Tương tự, việc khai thác thị trường trong nước khá khó khăn do thu nhập của đại bộ phận người dân chưa cao và chi phí đầu tư xây dựng hệ thống phân phối là rất lớn.

Trong khi đó, lãi suất thấp cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư mới của Chính phủ chỉ mới giúp giải quyết vấn đề về tài chính cho ngành dệt may, còn hiệu quả đầu tư cuối cùng vẫn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm quản lý và khả năng nắm bắt thị trường của từng DN.

Chưa kể, các DN trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các DN FDI. Tính đến cuối năm 2014, đã có khoảng 20 dự án đầu tư FDI lớn đầu tư vào ngành dệt may ở tất cả các khâu từ kéo sợi đến đan, dệt, nhuộm, thiết kế và may mặc. Trong đó, một số dự án FDI với quy mô lớn sẽ bắt đầu hoạt động từ năm nay như dự án của Yulun Giang Tô (Trung Quốc) hay Nam Phương Textile (Hồng Kông).

Các dự án này có thể góp phần gia tăng nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, giúp các DN Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đây là điều cần thiết để các DN dệt may đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ của các hiệp định thương mại và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 70%).

Với những rủi ro còn tồn đọng, giới phân tích khuyên rằng, chỉ nên quan tâm đến những cổ phiếu của DN dệt may có thị trường xuất khẩu chính là các nước trong TPP, EU và Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc ký các hiệp định thương mại trong năm 2015.

Bên cạnh đó, các DN có quy mô sản xuất lớn, công nghệ tốt và có dự án đầu tư mở rộng sắp hoàn thành sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt hơn nhờ khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn và các yêu cầu khắt khe về chất lượng và xuất xứ sản phẩm.

Thêm vào đó, VDSC cũng khuyến nghị, do đặc thù của ngành dệt may là sử dụng nhiều nhân công, nên ưu tiên lựa chọn các DN có năng lực quản lý sản xuất tốt, thể hiện qua khả năng sắp xếp và cải tiến các khâu sản xuất để cải thiện năng suất và gia tăng biên lợi nhuận...

>Dệt may đón TPP: Ngoài mừng, trong lo
>Vốn ngoại dồn vào dệt may
>Dệt may bứt phá nhờ chọn thị trường ngách
> Dệt may thay mô hình đón chào TPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành dệt may: Chọn cổ phiếu của doanh nghiệp lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO