Ngân hàng Việt sẽ hội nhập AEC thế nào

01/03/2016 08:22

Với AEC, cơ sở để các ngân hàng Việt "hội" đã có, nhưng chuyện "nhập" như thế nào và đến đâu thì còn là con đường dài phía trước...

Ngân hàng Việt sẽ hội nhập AEC thế nào

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã mở ra thị trường hơn 600 triệu dân cho tất cả các lĩnh vực kinh doanh, bao gồm cả ngành ngân hàng (NH). Cơ sở để "hội" đã có, nhưng chuyện "nhập" như thế nào và đến đâu thì còn là con đường dài phía trước...

NH ngoại tại Việt Nam: Nhiều, nhưng đã đủ?

Thời gian gần đây, các NH ngoại đã chính thức tham gia khá sâu vào thị trường nhà băng Việt, nếu xét trên các mối lương duyên góp vốn đầu tư trong khuôn khổ hẹp, rồi dần nới rộng (không quá 30% cổ phần sở hữu tại 1 tổ chức tín dụng, theo quy định của pháp luật Việt Nam).

Đỉnh điểm của các hoạt động M&A – rót vốn như những đối tác chiến lược giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt – tập đoàn tài chính ngoại, diễn ra vào 2006 – 2007 và trong 4 năm tái cấu trúc vừa qua. Trong đó, Vietinbank và Vietcombank là 2 tổ chức đã nhận những cú rót vốn trị giá lớn nhất với gần tỷ USD/ thương vụ. Cả hai đều đến từ các tổ chức tài chính Nhật. Công cuộc thu hút đầu tư FDI mang tầm vĩ mô ở NH theo đó có thể xem là đòn bẩy đưa những NH lớn của VN hội nhập, không chỉ với AEC mà còn là toàn cầu.

Trong khi đó, đa phần các nhà đầu tư NH trong khối AEC lại quan tâm đến việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện nhiều hơn là góp vốn vào một TCTD nào đó ở VN. Nhìn trong khu vực, Maylaysia cùng Singapore là hai quốc gia tích cực nhất về hoạt động đầu tư khai phá thị trường NH Việt. Với Malaysia, sự hiện diện góp vốn tại AnBinhBank của Maybank, tổ chức lớn thứ tư châu Á về tài chính này đồng thời cũng đã giúp NH hàng đầu của quốc gia Malaysia thiết lập mạng lưới trên thị trường tài chính – thị trường vốn nói chung, bên cạnh cột mốc chuyển đổi Công ty chứng khoán Kimeng Việt Nam có vốn góp của từ Singapore sang Công ty chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài Maybank khá lớn với 2 chi nhánh ở hai đầu Hà Nội – TP.HCM, Việt Nam cũng đang có một số NH đến từ “phố Wall của Đông Nam Á” – Singapore. Cụ thể: DBS – NH lớn nhất Đông Nam Á có trụ sở chính đặt tại Singapore đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội khá sớm từ 2008 và lập chi nhánh tại TP.HCM vào 2010. OCBC thì đã từng đầu tư chiến lược tại VPBank và rời đi vào năm 2013. Họ đặc biệt có mặt sớm tại TPHCM với giấy phép từ năm 1996. Riêng United Oversea Bank (UOB), một NH khác của Singapore và từng là chủ thể được đồn đoán sẽ mua lại 100% một TCTD của VN (GPBank) nhưng thương vụ không đi đến kết quả, cũng đã có mặt với hình thức mở chi nhánh tại TP.HCM, kể từ tháng 3/2015.

Ở cấp văn phòng đại diện, các TCTD của các quốc gia AEC hầu như đều đang có mặt ở Việt Nam. Lào, Thái, Capuchia là ba quốc gia có khá nhiều văn phòng đại diện được mở tại đây; hoặc, có sự kết hợp liên doanh với các TCTD Việt Nam để mở các NH liên doanh.

Đầu tư: Chuyện rộng và sâu

Với xu hướng đầu tư tài chính – NH mở rộng, nhiều TCTD Việt cũng mở NH 100% vốn hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện tại các thị trường nước bạn. BIDV hiện đã có NH tại Campuchia, Lào và đang có kế hoạch mở NH ở Myanmar. Cùng với các liên doanh, BIDV đang là NH có số lượng đại diện thương mại rộng khắp ở khu vực AEC, dẫn đầu trong hệ thống NH Việt.

Cùng với BIDV, Vietinbank, Sacombank, khá sớm, cũng đã đầu tư NH tại Lào, tại Campuchia. Vietinbank còn cho biết sẽ tiếp tục thực thi kế hoạch vào Myanmar, như một trong những thị trường mới mẻ và hấp dẫn ở AEC. Một số các NH khác như SHB, MB, Agribank, được biết cũng đều đã gặt hái kết quả phát triển dịch vụ tài chính khá tốt ở đất nước Triệu Voi hay xứ sở hoa Chăm-pa…

Lý giải vì sao các NH Việt Nam chủ yếu hiện diện ở Lào và Campuchia, chuyên gia Huỳnh Lưu Đức Toàn và Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Tú – Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng trước hết bởi đây là 2 thị trường tiềm năng, nhiều nét tương đồng với VN, dễ triển khai dịch vụ và chiếm lĩnh thị trường. “Về điều kiện địa lý thì đây là hai quốc gia có chung đường biên giới với VN và mở rộng đầu tư vào hai quốc gia này nhận được sự hậu thuẫn từ Chính phủ hai nước để tăng cường sự hợp tác hữu nghị, đoàn kết giữa các nước láng giềng”. Ngoài ra, phải nói thêm rằng sự hiện diện của các NH Việt ở các nước bạn chủ yếu trước hết dựa trên cơ sở đầu tư của cộng đồng DN Việt khi đầu tư ra nước ngoài, thiết lập các chi nhánh, các Cty con, từ đó phát triển các quan hệ thương mại – giao thương và sử dụng các kênh thanh toán, các dịch vụ ngân hàng.

Tỷ lệ và sự hiện diện của NH Việt tại các quốc gia Asean như vậy đã không còn là những hiện tượng hiếm. Có thể nói một cách lạc quan là điều này, một mặt phản ánh tốc độ hội nhập khá mạnh mẽ của các NH Việt vào thị trường AEC. Mặt khác, phản ánh mức độ quan tâm, định hướng đầu tư của các nhà đầu tư, các DN Việt Nam vào các quốc gia “sân gần” – những quốc gia đang chuyển hướng và hy vọng cũng sẽ trở thành “thị trường nhà” thực thụ của DN Việt. Song, thách thức để có một thị trường đơn nhất hoàn toàn phát triển dịch vụ tài chính, tự do hóa tài khoản vốn và phát triển vốn không phải đã hoàn toàn nằm ở điểm khởi điểm xuất phát, phía sau chặng đường tăng tốc hội nhập khu vực của các nhà băng.

Ngay cả với bức tranh gần, có vẻ ít áp lực nặng nề, nhưng các NH Việt cũng không thể chủ quan. Người lãnh đạo cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện các vấn đề, đồng thời xuất phát từ thực tiễn để giải quyết công việc cụ thể.

Cơ hội vốn cho thị trường?

Nếu như đầu tư trong lĩnh vực NH tại thị trường Việt đang đối mặt với các yếu tố về sự đặc thù về quy định ngành, quy định pháp lý, câu chuyện nhân sự lẫn tâm lý “hội nhập” dịch vụ nhìn từ phía khách hàng thì các nhà đầu tư NH Việt khi đi ra thị trường AEC, cũng gặp phải không ít khó khăn.

Tuy nhiên, ngoài những khó khăn mà cả hai phía đều có thể gặp phải như hạn chế về độ phủ mạng lưới, sự am hiểu phong tục, tập quán kinh doanh, chi phí đầu tư thường lớn hơn và khả năng kiểm soát rủi ro, đặc biệt trong kiểm soát tín dụng – nghiệp vụ truyền thống của NH Việt, nhất là khi có những tranh chấp xảy ra…, thì các NH cũng đều đang có những cơ hội cho riêng mình. Đồng thời, cơ hội vốn cho thị trường cũng rộng mở hơn.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW, với lộ trình đã cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là đến năm 2015, Việt Nam phải mở cửa hơn trong ngành NH, bảo hiểm và thị trường vố. Cam kết này buộc các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%. Trong khi hiện nay, đối với lĩnh vực NH, Việt Nam giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% (nếu cao hơn phải được chấp thuận của Chính phủ), đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%. Do đó mở cửa AEC, cũng có nghĩa lĩnh vực NH ở Việt Nam có thể mở cửa lên đến đến 40-50%. Đây trước hết là cơ hội đón vốn để nâng cao sức cạnh tranh của các NH Việt, đặc biệt với những NHTMCP quy mô nhỏ, vốn pháp định đang ở mức tối thiểu 3000 tỷ đồng và đang có áp lực bắt buộc phải nâng lên, hoặc ngay cả với những NHTMCP đang được thúc đẩy triển khai chuẩn Basel II mà một trong những yêu cầu quan trọng là năng lực vốn phải lớn và ổn định.

Xét về cơ hội kinh doanh cho các NH, đây cũng là lối đi cho các NH ngoại thâm nhập, nắm bắt, tìm hiểu phong tục, tập quán kinh doanh, mở rộng đầu tư mà vẫn tiết kiệm được chi phí đầu tư thông qua nắm cổ phần các NH Việt. “Với mức độ mở cửa hiện nay, một khó khăn của hệ thống NH Việt Nam là chưa đáp ứng được những thông lệ tốt nhất đang trong quá trình cải tổ, kỹ năng, quản trị, vốn chưa đọ được. Nếu không gấp rút triển khai nâng cao năng lực NH với bước đi có kế hoạch cộng với việc phát huy năng lực giám sát của Ngân hàng Nhà nước, nguy cơ NH Việt bị tụt lại cũng có thể xảy ra”, ông Thành nói. Như vậy, nâng cao năng lực quản trị – một trong những “gót Asin” cũng là cơ hội thứ 2 của NH Việt. Nhưng nắm bắt được cơ hội này hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ hội và thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa các bên.

Trong trường hợp các NH tận dụng cơ hội vốn từ AEC cũng như các NH ngoại xúc tiến gia tăng sự hiện diện tại thị trường VN, tài chính Việt sẽ có thêm một nguồn vốn để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng nếu như nguồn vốn ngoại được đưa vào thị trường Việt thông qua các NH Việt, cơ hội vốn sẽ đến gần hơn do tâm lý thị trường nhất thời vẫn đang quen thuộc với sử dụng các sản phẩm dịch vụ từ NH Việt; còn các NH ngoại lại cũng đang loanh quanh trong khu vực hẹp là cung cấp tài khoản thanh toán thương mại, dịch vụ sản phẩm cho cộng đồng DN nước sở tại đầu tư vào Việt Nam hoặc ngược lại.

Dù vậy, nhìn từ hoạt động từ một số NH 100% vốn ngoại như HSBC, ANZ… đang có mặt tại VN với những sản phẩm tài chính họ đưa ra thị trường, kỳ vọng về những sản phẩm, công cụ tài chính đa dạng, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và chuyên biệt hóa cho từng nhóm đối tượng trên thị trường cũng đang được đặt ra. Và đây sẽ là áp lực để tất cả các tổ chức đều sẽ phải hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm giữ được thị phần trong cuộc cạnh tranh.

Ba thách thức lớn mà các NH Việt đã và đang phải xem xét trước khi đầu tư ra nước ngoài:

Thứ nhất, sự cạnh tranh khắc nghiệt với các NHTM ở nước sở tại.

Thứ hai, mở rộng đầu tư nước ngoài bao giờ cũng phát sinh chi phí ban đầu rất lớn cho hoạt động. NH Việt nói chung đang còn khó khăn trong kinh doanh, tiết kiệm tối đa chi phí, đầu tư thêm là điều cần cân nhắc.

Thứ ba, sự tương đồng về địa lý, tâm lý con người trong khu vực không có nghĩa hoạt động đầu tư NH không gặp rủi ro. Với hình thức kinh doanh NH truyền thống và vẫn có nguồn thu chủ yếu dựa vào tín dụng, các NH Việt sẽ bị tiềm ẩn rủi ro khi hoạt động ở thị trường nước bạn do chênh lệch thông tin, sự khác biệt phong tục, tập quán kinh doanh lẫn kiểm soát các khoản tín dụng sẽ khó hơn, đặc biệt khó xử lý hơn nếu có xảy ra tranh chấp.

>Rào cản hấp thụ dòng vốn từ AEC

>Indonesia sẵn sàng tiếp nhận lao động nước ngoài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng Việt sẽ hội nhập AEC thế nào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO