Ngân hàng vẫn chưa gần doanh nghiệp

LỮ Ý NHI| 08/10/2016 06:55

Các chương trình ưu đãi từ ngân hàng vẫn chưa tiếp cận được nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.

Ngân hàng vẫn chưa gần doanh nghiệp

Sau khi các ngân hàng quốc doanh công bố giảm lãi suất huy động, đa số các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ hơn vẫn giữ nguyên biểu lãi suất huy động. Đại diện một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ có trụ sở tại TP.HCM chia sẻ: "Rất khó giảm lãi suất huy động vì chúng tôi bị áp lực cạnh tranh với các ngân hàng khác trong việc giữ chân khách hàng". 

Đọc E-paper

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: "Lãi suất huy động giảm sẽ kéo theo lãi suất cho vay giảm, điều này có lợi cho doanh nghiệp, nhất là dịp cuối năm. Hiện nay, đã có nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động nhưng nhìn chung, việc giảm lãi suất cho vay ở các ngân hàng cỡ trung và nhỏ vẫn chưa rõ nét.

Mặc dù các ngân hàng này rất muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, thế nhưng từ nay đến cuối năm, do nhu cầu tín dụng tăng, các ngân hàng phải cạnh tranh hút vốn huy động nhiều hơn, nếu họ không tăng lãi suất cho vay lên thì có nghĩa biên lợi nhuận (NIM) của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Lý do thứ hai, theo ông Hiếu, là do các ngân hàng phải cơ cấu lại vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo đó, vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ phải giảm từ 60% xuống còn 50%. Các ngân hàng phải tìm cách tăng nguồn vốn trung và dài hạn nên lãi suất cho vay trung và dài hạn khó giảm.

Hiện, các ngân hàng trung và nhỏ vẫn muốn giữ tỷ lệ cho vay trên huy động là 80%, điều đó có nghĩa ngân hàng muốn tăng tín dụng thì phải tăng lãi suất đầu vào. Bên cạnh đó, một số ngân hàng tỷ lệ nợ xấu vẫn còn, việc trích lập dự phòng và chi phí lớn nên các ngân hàng này phải giữ NIM - thông thường là 3%. Nhưng hiện nay, NIM của các ngân hàng đã rất thấp - chỉ khoảng 2%, nên rất khó giảm lãi suất cho vay, vì nếu giảm thấp hơn nữa thì sẽ bị lỗ.

Với mức lãi suất như hiện nay, để đẩy nguồn tiền cho vay sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng đang đưa ra nhiều chương trình ưu đãi.

>>Giảm lãi suất: “Chìa khóa” nằm ở kiềm chế lạm phát?

Đơn cử, từ nay đến hết ngày 31/12, Agribank dành khoảng 15.000 tỷ đồng để thực hiện cho vay ưu đãi lãi suất từ 5 - 7%/năm. Trong đó, ưu tiên đối với các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

PVcomBank cũng vừa đưa ra gói sản phẩm PV Ready nhắm đến nhu cầu vốn lưu động và đầu tư tài sản cố định dành riêng cho các doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 50 tỷ đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong mùa cao điểm kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi chỉ còn 8%/năm.

Viet Capital Bank thì triển khai sản phẩm "Vay ứng vốn nhanh", thời hạn vay lên đến 12 tháng. Khách hàng được linh hoạt trong việc chọn phương thức trả vốn (hằng tháng hoặc cuối kỳ); số tiền được vay tối đa 100% nhu cầu nhưng không vượt quá tỷ lệ cho vay, giá trị tài sản bảo đảm...

Tuy nhiên, các chương trình này vẫn chưa tiếp cận được nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty SX-TM-DV QMQ cho rằng:

"Đa số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đều đang gặp khó khăn về tài chính nhưng khi vay, các ngân hàng thương mại đều bắt buộc doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. Thêm nữa, thủ tục vay vốn hết sức phiền hà, phức tạp. Hơn nữa, với các doanh nghiệp đã vay trước đó, nếu muốn được hưởng lãi suất mới thì phải tất toán khoản vay cũ. Gần đây, Maritime Bank cũng đưa ra sản phẩm tín dụng ưu đãi và nhắm trúng nhu cầu khát vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa với các ưu điểm là không cần tài sản đảm bảo, khoản vay tối đa 4 tỷ đồng và chỉ trong 5 ngày làm việc. Thoạt nghe, các doanh nghiệp rất mừng nhưng để vay được, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn...".

"Ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp tốt, có sức khỏe tài chính ổn định, uy tín, chứ chưa thể giảm đại trà. Với nhóm khách hàng kinh doanh không có tài sản thế chấp thì ngân hàng e ngại, sợ rủi ro, nợ xấu", nhân viên tín dụng của một ngân hàng cho biết.

Ông Võ Văn Đại - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Vạn Phần kiêm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Diễn Châu (Nghệ An) cho biết:

"Tại Diễn Châu có 600 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống ngân hàng ở đây cũng khá nhiều, có khoảng 13 ngân hàng, trong cự ly cứ 1km là có một ngân hàng. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp đều không quan tâm việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay, bởi thủ tục vay vẫn khó vì ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, thủ tục cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp còn quá phức tạp và giải ngân chậm. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp có uy tín khi có nhu cầu vốn đều vay từ dân. Các doanh nghiệp đồng ý trả lãi cho người dân theo lãi suất của ngân hàng là 8%. Như vậy, đôi bên cùng có lợi và thủ tục lại nhanh, nguồn tiền lại dồi dào".

>>Ngừng cho vay tuần hoàn và trả nợ trước hạn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng vẫn chưa gần doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO