Ngân hàng và nỗi lo thanh khoản cuối năm

08/10/2012 09:54

Vài năm gần đây đã thành thông lệ, dịp cuối năm là thời điểm nhiều ngân hàng (NH) lại phải chạy đôn chạy đáo, tìm mọi biện pháp huy động vốn nhằm đảm bảo tính thanh khoản.

Ngân hàng và nỗi lo thanh khoản cuối năm

Vài năm gần đây đã thành thông lệ, dịp cuối năm là thời điểm nhiều ngân hàng (NH) lại phải chạy đôn chạy đáo, tìm mọi biện pháp huy động vốn nhằm đảm bảo tính thanh khoản.

Do đây là giai đoạn nước rút để chạy doanh thu, lợi nhuận so với kế hoạch đã đề ra trong năm tài chính của mỗi doanh nghiệp, cá nhân, vì vậy, lượng tiền của các doanh nghiệp, cá nhân thường được rút ra khỏi NH và đầu tư vào nền kinh tế nhằm hiện thực hóa lợi nhuận. Trong khi nguồn tiền này lại là kênh huy động vốn chính của nhiều NH nhỏ.

Trước nguy cơ bị giảm sút nguồn tiền này, tài sản thanh khoản sẽ thiếu hụt và các NH này dễ rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả cho các hợp đồng gửi tiền đến hạn.

Mặt khác, cuối năm cũng là thời điểm cần phải chốt số liệu để phát hành báo cáo tài chính. Khi đó, những vấn đề phát sinh trong năm nhưng chưa được phản ánh trong các kỳ trước sẽ bắt buộc phải dồn vào báo cáo cuối năm này.

Với những NH hoạt động tốt, lợi nhuận cao, thanh khoản vững vàng thì điều này cũng rất bình thường, tuy nhiên, đối với các NH hoạt động không hiệu quả, thường xuyên mất thanh khoản thì thời điểm này là hết sức nhạy cảm.

Không một NH nào muốn báo cáo của mình phát hành với tình trạng thanh khoản có vấn đề và thời điểm này là cơ hội cuối cùng để xử lý dòng tiền, làm đẹp báo cáo tài chính trước khi phát hành.

Chính vì vậy, dịp này, thị trường lại đang chứng kiến sự nhen nhóm bùng nổ trở lại cuộc đua lãi suất của các NH, một mặt nhằm đáp ứng yêu cầu thanh khoản, một mặt nhằm duy trì một bảng báo cáo tài chính sạch sẽ trước khi chốt số liệu kết thúc năm tài chính.

Vì vậy, trước nguy cơ nguồn tiền huy động từ cá nhân, doanh nghiệp bị giảm sút, các NH chỉ còn cách tìm kiếm sự hỗ trợ từ thị trường liên ngân hàng để vay vốn hoặc qua thị trường OMO với nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, kênh hỗ trợ này hiện cũng đang gặp khá nhiều rào cản “kỹ thuật” do NHNN và các NH khác dựng lên.

Một yếu tố được cho là “cắt” nguồn tiền từ thị trường liên NH là sự ra đời của Thông tư 21/2012/TT/NHNN có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/9/2012 quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về việc cho vay, đi vay giữa các NH với nhau. Theo đó, nhiều điều kiện và thông tin minh bạch hơn cần phải công bố khi NH có nhu cầu vay vốn của một NH khác. Do vậy, các NH có vốn e ngại cho vay và NH có nhu cầu vay cũng khó đáp ứng đủ điều kiện để đi vay.

Thực tế, doanh số giao dịch liên NH đã sụt giảm khá lớn so với trước thời điểm Thông tư 21 có hiệu lực thi hành. Một chuyên viên kinh doanh vốn tại một NH cho biết, ít giao dịch tín chấp liên NH phát sinh trong thời gian này và các NH lớn thường yêu cầu các NH nhỏ thế chấp bằng tài sản đảm bảo như trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp cho mỗi giao dịch phát sinh.

Từ trước tới nay, ngoài NHNN và các NHTM Nhà nước được chỉ định hỗ trợ thanh khoản cho các NH nhỏ, những NH có tiềm lực như ACB, STB… cũng là một kênh quan trọng để các NH khác cần đến trên thị trường liên NH khi có nguy cơ mất thanh khoản hệ thống. Tuy nhiên, diễn biến “sự cố” ACB trong tháng trước đã ảnh hưởng khá lớn đến kênh hỗ trợ thanh khoản này.

Rõ ràng, với sự cố này, những NH dư dả tiền mặt cũng sẽ hạn chế và xem xét kỹ lưỡng các NH khác có nhu cầu vay vốn. Còn không họ cũng chả dại gì hỗ trợ các NH khác để rồi lại bị tố ngược lại là cho vay vượt trần lãi suất như “bài học” ACB. Điều này sẽ hạn chế tình trạng “đi đêm” với nhau giữa các NH nhưng cũng sẽ là gánh nặng cho NHNN khi các NH nhỏ mất thanh khoản không thể tìm kiếm được nguồn bù đắp từ thị trường liên NH mà phải cầu cứu đến NHNN thông qua thị trường OMO.

Một dấu hiệu khác cho thấy nhiều NH nhỏ đang mất thanh khoản hoặc đang tìm cách dự trữ cho thanh khoản của mình. Lãi suất huy động tại các NH khoảng 1 tháng nay cho kỳ hạn dài trên 12 tháng đang được đẩy lên cao.

Do bị khống chế trần lãi suất 9%/năm ở kỳ hạn dưới 12 tháng, đến nay, ACB đưa ra một chính sách trội hơn hẳn so với thị trường, đó là áp dụng lãi suất huy động lên tới 13%/năm ở kỳ hạn dài.

Một loạt các NH khác cũng đang áp dụng lãi suất từ 12-12,9%/năm ở các kỳ hạn trên 12 tháng kèm theo đó là các chương trình khuyến mại hấp dẫn như VietBank, BanVietBank… Nguồn tiền từ dân cư là rất quan trọng và ổn định, do vậy có thể thấy rõ các NH đang cố gắng giữ lại nguồn tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và tránh tối đa việc bị rút tiền ra khỏi NH mình.

Trong khi đó, tín dụng 9 tháng đầu năm gần như không tăng trưởng hoặc tăng trưởng rất thấp. Theo công bố của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH đến tháng 9/2012 chỉ đạt 1,82% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động vốn vẫn gấp hơn 10 lần tăng trưởng tín dụng.

Điều đó chỉ cho thấy các NH đang cải thiện khả năng thanh khoản so với trước chứ chưa thể ở trong tình trạng thanh khoản tốt được. Do vậy, cho rằng các NH tăng lãi suất huy động vốn là động thái nhằm dự trữ cho nhu cầu thanh khoản của mình trong giai đoạn cuối năm và làm đẹp báo cáo tài chính là hoàn toàn có cơ sở.

Thực tế, vẫn còn đâu đó thông tin về một vài NH hay công ty tài chính gặp khó về thanh khoản và đang được giải quyết. Nếu những vấn đề khó khăn về thanh khoản không được giải quyết một cách triệt để, tình trạng lách luật huy động vốn kỳ hạn ngắn với lãi suất cao rất có thể tái diễn.

Khi đó, NH sẽ “tặng” thêm % lãi suất cho các khách hàng với các kỳ hạn dưới 12 tháng, trong khi vẫn đảm bảo trên giấy tờ chỉ tối đa 9%. Cuộc đua lãi suất khi đó sẽ rất phức tạp và tình trạng khó kiểm soát lãi suất lại tái phát.

Theo dự báo, tình hình kinh tế cuối năm 2012 và trong năm 2013, nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều thách thức với nguy cơ lạm phát tăng trở lại. Không loại trừ trong tương lai gần trần lãi suất huy động sẽ được đẩy lên cao hơn hiện nay, khi đó chi phí huy động vốn sẽ tăng mạnh.

Do vậy, tận dụng cơ hội nguồn vốn còn rẻ để dự trữ trước khi có những cuộc chạy đua lãi suất như đã từng xảy ra hồi đầu năm 2011 là xu hướng của nhiều NH hiện nay, đặc biệt các NH nhỏ đã từng có “tiền sử” mất thanh khoản.

Tuy vậy, trong trường hợp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng, khi đó nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp để khôi phục sản xuất tăng cao, NH sẽ có sẵn nguồn vốn giá rẻ, ổn định để cho vay ra. Như vậy, nhất cử lưỡng tiện, việc tăng cường huy động vốn của các NH trong giai đoạn này vừa phục vụ nhu cầu thanh khoản trước mắt, vừa dự trữ nguồn vốn tốt cho nhu cầu nền kinh tế sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng và nỗi lo thanh khoản cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO