Ngân hàng tắc vốn, doanh nghiệp kẹt vay

QUỲNH CHI| 10/12/2009 08:31

Chỉ ít ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, một vài ngân hàng thương mại (NHTM) bắt đầu tăng lãi suất huy động VND với mức tăng trung bình là 0,5 - 1,2%/năm...

Ngân hàng tắc vốn, doanh nghiệp kẹt vay

Chỉ ít ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, một vài ngân hàng thương mại (NHTM) bắt đầu tăng lãi suất huy động VND với mức tăng trung bình là 0,5 - 1,2%/năm, mức cao nhất được ghi nhận là 10,5%/năm (kỳ hạn trên 24 tháng). Như vậy, lãi suất huy động VND bình quân của các tổ chức tín dụng đạt mức tăng 0,1 - 0,6%/năm so với trước khi NHNN điều chỉnh lãi suất cơ bản.

Song, các ngân hàng (NH) cho biết, dù nỗ lực đến đâu vẫn khó huy động vốn từ dân, và vì thế, chuyện doanh nghiệp khách hàng mới muốn tiếp cận vốn NH cũng gian nan không kém.

Nguồn huy động: Thiếu ổn định

Ảnh: Quý Hòa

Thống đốc NHNN đã thông báo, NH nào tăng lãi suất huy động lên bằng hoặc cao hơn 10,5%/năm sẽ bị cơ quan này thanh tra. Vì vậy, các NH đều không dám vượt qua mức này. Mức lãi suất cao nhất hiện nay của NH Việt Á là 10,47%/năm, NH Đông Á là 10,49%/năm. Tuy nhiên, nếu cộng hết lãi suất thưởng và các loại khuyến mãi như tặng tiền mặt, tặng quà..., thì mức lãi suất huy động của các NH có thể cao hơn mức 10,5%.

Biểu lãi suất huy động VND tại nhiều NHTM đang chú trọng vào các kỳ hạn ngắn, với lãi suất tương đương, thậm chí cao hơn các kỳ hạn 12 - 36 tháng. Đơn cử, Tinnghiabank thực sự gây sốc khi đồng loạt áp dụng mức lãi suất trên 10,2% - 10,44%/năm cho tất cả các kỳ hạn. Diễn biến có vẻ như bất hợp lý trên xuất hiện ồ ạt, càng khẳng định nhu cầu vốn trước mắt của các NHTM đang lên rất cao, đặc biệt trong tháng cuối cùng của năm này.

Không chỉ lãi suất huy động đối với dân cư tăng, mà lãi suất trên thị trường liên NH cũng tăng mạnh, và cao hơn hẳn mức cảnh báo 10,5%/năm. Có thể nói, hiện nay, gửi tiền với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống là xu hướng chung của khách hàng. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc LienVietBank cho rằng, dấu hiệu này cho thấy sự thiếu bền vững trong nguồn vốn huy động.

Nguồn cho vay: Hạn chế

Tăng trưởng tín dụng của các NH trong 11 tháng đã là 36%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 30% mà NHNN đặt ra. Quyết định không kéo dài gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đến hết quý I/2010 của Chính phủ cũng vì lý do tăng trưởng dư nợ đã quá cao. Theo các NH, Nhà nước hỗ trợ lãi suất, nhưng NH không có vốn thì cũng không thể cho vay. Tình trạng khó huy động đã nhanh chóng tác động đến lãi suất cho vay VND. Nhiều NH đã điều chỉnh lãi suất cho vay VND ngắn hạn ở mức tối đa 12%/năm. Riêng với cho vay trung và dài hạn, lãi suất được tính bằng lãi suất 12 tháng của các chi nhánh cộng với 3,6%. Lãi suất cho vay thỏa thuận đối với nhu cầu vốn phục vụ đời sống là tối đa 14%/năm. Tuy nhiên, để vay được với lãi suất trên cũng không phải dễ dàng.

Tăng trưởng tín dụng quá hạn mức của các NH buộc doanh nghiệp phải biến hóa hơn để tìm nguồn vay vốn nhập hàng bán Tết và dự trữ nguyên liệu cho sản xuất năm tới. 5% trị giá hợp đồng là mức chi phí mà ông Khanh, một người môi giới NH đưa ra cho những công ty có nhu cầu vay vốn từ vài chục tỷ trở lên. Với mức này, người môi giới còn đảm bảo công ty được hưởng mức lãi suất vay ở khung ưu đãi. Ông Khanh nói: “Có nơi tính chi phí chỉ 2 - 3%, nhưng lãi suất phải trả tăng thêm 0,1 - 0,3%/tháng thì cũng vậy. Đường nào công ty cũng phải mất một khoản chi phí như nhau”.

Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối Khách hàng Cá nhân của NH Abbank cho biết, NH hiện đang rất khó khăn trong việc thu hút tiền gửi từ dân cư, mặc dù đã tăng lãi suất huy động liên tục. Vì vậy, việc tăng lãi suất cơ bản như vừa rồi chỉ giúp NH giải tỏa áp lực về lợi nhuận, tức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay nhiều hơn. Vì nguồn vốn đang khó khăn nên các NH sẽ chỉ ưu tiên cho khách hàng hiện hữu.
Với sự “nhắc nhở” của NHNN, có thể trước mắt chưa diễn ra tình hình tái đua lãi suất NH. Tuy nhiên, thị trường này đang rất cần một giải pháp để giải quyết tình trạng căng thẳng nguồn vốn VND tại một số NHTM hiện nay. Nếu không, việc kiềm chế lãi suất là rất khó khăn đối với một số NH đang thiếu vốn.

Bàn về vấn đề vốn vay, TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (thuộc Bộ Tài chính) cũng cho rằng, tình hình kinh tế hiện nay không cần phải duy trì hỗ trợ lãi suất, vì có hỗ trợ lãi suất mà NH không có vốn thì cũng không thể cho vay.

ÔNG TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM (EXIMBANK):

Các ngân hàng thương mại (NHTM) vừa qua đã thực hiện tốt vai trò đưa sự hỗ trợ lãi suất đến với các cá nhân, doanh nghiệp thuộc diện đối tượng được thụ hưởng. Các cá nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì NHTM cũng nhờ đó mà vượt qua khó khăn của chính mình, vì thực ra vốn tín dụng ngân hàng cho cá nhân và doanh nghiệp vẫn là nguồn vốn chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Họ vay vốn ngân hàng mà gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì ngân hàng cũng khó khăn theo.

Việc tăng lãi suất cơ bản đầu tháng 12 vừa qua cũng thể hiện các yêu cầu của thị trường. Huy động vốn trong nội bộ nền kinh tế vẫn còn thấp hơn mức tăng vốn tín dụng do yêu cầu đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Trong cơ chế lãi suất tín dụng hiện nay thì các NHTM sử dụng lãi suất cơ bản làm nền và thiết lập trần cho vay gấp 1,5 lần lãi suất cơ bản. Theo quy luật cung - cầu thì lãi suất với tư cách là một loại giá cũng phải tăng lên khi cầu lớn hơn cung. Các NHTM thiết lập một mặt bằng lãi suất cho vay mới cao hơn thì chắc hẳn cũng xác lập một mặt bằng lãi suất huy động phù hợp. Tuy nhiên, mức chênh lệch lãi suất hiện nay là rất thấp, nếu muốn tăng lãi suất huy động thì cũng tăng ít thôi, vì sẽ đụng chạm đến biên lợi nhuận của ngân hàng.

ÔNG LÊ XUÂN NGHĨA, PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH QUỐC GIA:

Kết quả nghiên cứu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, đầu tư của khu vực doanh nghiệp và tư nhân có chiều hướng giảm bắt đầu từ quý III/2009. Lý do là hàng tồn kho tăng, tỷ giá hối đoái tăng. Vì vậy, nếu không được hỗ trợ lãi suất sẽ là khó khăn cộng thêm cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu cầu tiêu dùng tăng mạnh, kể cả trong nước và quốc tế, thì những khó khăn này có thể được giảm bớt. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng, cái họ cần là tiếp cận được vốn ngân hàng với lãi suất thị trường mà không cần tài trợ còn hơn là được tài trợ mà không tiếp cận được vốn. Nhiều doanh nghiệp hiện phải huy động vốn trên thị trường chợ đen với lãi suất 4,5 - 5%/tháng. Điều này rất đáng lo ngại, vì vậy, vấn đề mấu chốt là tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng, kể cả bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

(Trả lời trực tuyến vneconomy.com.vn)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng tắc vốn, doanh nghiệp kẹt vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO