Ngân hàng số trong thế cạnh tranh khốc liệt

Diệu Anh| 11/06/2019 06:00

Theo khảo sát của Asean Bank Forum, năm 2014 mới có 31 ngân hàng tại Việt Nam triển khai dịch vụ ngân hàng số, nhưng đến nay 100% các ngân hàng đã triển khai dịch vụ này. Tuy nhiên, đánh giá về lợi thế số, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng số hóa ngân hàng còn rất nhiều khó khăn.

Ngân hàng số trong thế cạnh tranh khốc liệt

Nhiều sản phẩm tài chính trên nền tảng số

Hiện nay, dịch vụ ngân hàng số của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu là dịch vụ ngân hàng điện tử cung cấp các dịch vụ thanh toán như: chuyển tiền nội bộ ngân hàng, chuyển tiền liên ngân hàng, chuyển tiền quốc tế, thanh toán định kỳ, thanh toán hóa đơn, thanh toán thuế, tra soát giao dịch trực tuyến, truy vấn thông tin, thanh toán mua hàng trực tuyến bằng ePAY... Trong dịch vụ ngân hàng số hiện nay thì dịch vụ thanh toán qua thẻ được chú trọng nhất. Các ngân hàng đã chủ động đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới hiện đại như phát hành thẻ chip theo chuẩn EMV, xác thực OTP, sinh trắc học, QR code… tạo sự tiện lợi và an toàn hơn trong giao dịch thanh toán điện tử. Một số ngân hàng Việt Nam đã có những bước đi ban đầu trong việc hiện đại hóa, số hóa sản phẩm dịch vụ của mình, như xây dựng ngân hàng số, ứng dụng dữ liệu lớn BigData, ứng dụng công nghệ sinh trắc học…

Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân HDBank nhận định: Việt Nam được đánh giá là một thị trường có tốc độ phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt mức tăng trưởng nhanh.

Ngành bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ, dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020.

Với tình hình kinh tế như hiện nay, người lao động có thu nhập thấp thường phải đối mặt với những khó khăn về thiếu hụt tài chính trong ngày. Rào cản về thu nhập cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người tìm đến hình thức cấp tín dụng truyền thống với lãi suất cao. Điều này sẽ tạo gánh nặng không nhỏ đối với người vay tiêu dùng, lâu dần dẫn đến sự thâm hụt đáng kể đối với chất lượng sống của cá nhân nói riêng, toàn xã hội nói chung.

Nắm bắt được thực tế này, HDBank đã phát triển sản phẩm chính sách liên quan đến y tế, giáo dục và đời sống dành riêng cho đối tượng khách hàng là những người có thu nhập trung bình thấp. Những sản phẩm này ra đời nhằm làm giảm áp lực lãi suất cho khách hàng thông qua hình thức trả chậm với lãi suất từ 0-12%/năm.

Bên cạnh đó, HDBank đang tiếp tục khai thác nguồn khách hàng trong hệ sinh thái đặc thù đến từ Vietjet Air, Vinamilk, HD SAISON và Petrolimex… Lợi thế cạnh tranh này sẽ giúp HDBank phát triển đa dạng các dịch vụ tài chính ngân hàng và tạo nên sự khác biệt so với các tổ chức tín dụng trên thị trường. Nền tảng này đồng thời cũng là yếu tố then chốt để HDBank xây dựng chiến lược hướng đến mục tiêu trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu và tốt nhất thị trường Việt Nam.

Thách thức từ bên ngoài- thách thức trong nội tại

Phát triển dịch vụ ngân hàng số ở Việt Nam có nhiều triển nhiều vọng nhưng cũng đầy rẫy khó khăn và thách thức.

Trong bối cảnh sáng kiến về công nghệ và kinh doanh toàn cầu, đặc biệt là các công nghệ mới của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, robot, IoT… đặt ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam khi nguồn lực về vốn, hạ tầng, nhân lực còn thiếu và yếu. Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản ngân hàng thấp nhất khu vực Đông Nam Á, với chỉ 30,9% dân số trưởng thành có tài khoản tại tổ chức tài chính. Các dịch vụ tài chính trên di động tại Việt Nam vẫn đang ở những bước đầu phát triển với số lượng người có tài khoản ngân hàng trên di động thấp. Tỷ lệ sử dụng thẻ nội địa để thanh toán ở Việt Nam rất thấp, một phần do thói quen sử dụng tiền mặt, một phần cũng do đặc điểm buôn bán nhỏ lẻ của người Việt Nam nên cả khách hàng và các chủ hộ kinh doanh đều chưa quen sử dụng máy POS, hơn nữa hệ thống máy POS cũng chưa được phân bố rộng rãi tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Độ bao phủ dịch vụ ngân hàng chưa đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước. Mạng lưới các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức tín dụng cổ phần tập trung khá dày đặc ở khu vực đô thị, nhưng lại rất thiếu ở các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Sự hiểu biết về công nghệ và kiến thức tài chính của bộ phận lớn người Việt còn hạn chế nên việc triển khai các dịch vụ ngân hàng số hầu hết mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại trong nước đang phải đối mặt với viễn cảnh khủng hoảng kinh doanh do sự gia nhập của các công ty công nghệ toàn cầu trên thị trường tài chính. Sự gia nhập của các công ty Fintech dần dần chiếm thị phần trên thị trường tài chính do cung cấp dịch vụ rẻ và thuận tiện hơn.

Đặc biệt, thách thức từ rủi ro dịch vụ ngân hàng số như các vụ tấn công an ninh mạng, phát tán virus, mã độc qua các ứng dụng, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu khách hàng, giao dịch gian lận, lừa đảo trực tuyến cũng chính là những rào cản đối với phát triển dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam.

Giải pháp nào để phát triển bền vững?

Để đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng số ở Việt Nam cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần có khung khổ pháp lý để quản trị rủi ro dịch vụ ngân hàng số, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cả ngân hàng và khách hàng.

Thứ hai, xây dựng và triển khai chiến lược phổ cập kiến thức tài chính quốc gia để nâng cao dân trí, giúp người dân hiểu biết và có kỹ năng để sử dụng các dịch vụ số, trong đó có dịch vụ ngân hàng số. Giáo dục tài chính cần được tiến hành ở cấp toàn diện như một chương trình quốc gia do Chính phủ tài trợ và ở từng ngân hàng theo cách cung cấp các khóa đào tạo thực tế nếu cần thiết như một phần của việc giới thiệu sản phẩm, đặc biệt đối với những khách hàng tiếp xúc lần đầu với các dịch vụ thanh toán điện tử và các công nghệ liên quan.

Thứ ba, các ngân hàng cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt và triển khai ngay các kế hoạch để theo kịp xu hướng công nghệ và mô hình kinh doanh mới của kỷ nguyên CMCN 4.0, khi mà các sáng kiến công nghệ được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng thông tin sẽ phá vỡ mô hình sản xuất và thương mại toàn cầu, do đó sẽ tác động sâu sắc đến hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Ông Trần Quốc Anh- HDBank nói: “Chúng tôi muốn kiến nghị đến các nhà làm chính sách về quy trình nhận biết khách hàng điện tử (eKYC). Theo đó, việc nhận biết khách hàng cần dựa trên hệ thống điện tử hoặc thông qua đối tác. Khách hàng không cần trực tiếp đến ngân hàng vẫn có thể mở tài khoản hoặc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng từ xa.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần thúc đẩy, ủng hộ các chính sách nhằm phát triển thanh toán thông qua các công nghệ số hiện đại, các loại thẻ phi vật lý, các liên kết với ví điện tử hướng đến xã hội không dùng tiền mặt, kỷ nguyên ngân hàng số thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng số trong thế cạnh tranh khốc liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO