Ngân hàng ngoại tiếp tục rút vốn?

LÊ LOAN| 12/07/2017 08:30

Thời gian gần đây đã diễn ra hàng loạt thương vụ thoái vốn, rút vốn của các ngân hàng nước ngoài. Xu hướng này có thể sẽ chưa dừng lại.

Ngân hàng ngoại tiếp tục rút vốn?

Ngày 3/7/2017, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết đã hoàn tất mua lại chi nhánh TP HCM của Commonwealth Bank of Australia (CBA) - vốn là cổ đông chiến lược đang nắm giữ 20% vốn tại VIB. Thật ra thông tin về thương vụ mua lại này của VIB đã sớm lan truyền trong giới tài chính những tháng gần đây, sau khi ngân hàng này thất bại trước ngân hàng Shinhan Việt Nam trong thương vụ mua lại mảng bán lẻ của ANZ vào tháng 4 đầu năm nay.

Việc ngân hàng ANZ rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam cũng là sự kiện khá bất ngờ, khi trước đó vào tháng 10/2016 ngân hàng này đã phủ nhận trước những tin đồn về việc sẽ bán lại mảng bán lẻ tại Việt Nam. Cũng trong giữa tháng 6 thông tin HSBC sẽ thoái vốn tại Techcombank cũng gây xôn xao thị trường tài chính khi ngân hàng này đã cùng gắn bó và trải qua bao thăng trầm cùng với Techcombank suốt từ năm 2005 đến nay.

Trước đó vào tháng 4/2017, trong Đại hội cổ đông của ngân hàng ACB, cổ đông chiến lược là Standard Chartered Bank cũng đã úp mở đến việc sẽ thoái vốn khỏi ACB. Cụ thể theo đại diện của Standard Chartered Bank thì đã "có thảo luận việc bán cổ phần tại thị trường châu Á và trong đó có cả ACB". Bốn sự kiện trên diễn ra liên tiếp chỉ trong nửa đầu năm nay là rất đáng chú ý.

Việc ANZ rút ra khỏi mảng bán lẻ là nằm trong chiến lược chung của tập đoàn mẹ, khi trước đó trong năm 2016 ngân hàng này cũng đã hoàn tất bán lại mảng ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản tại 5 chi nhánh ở châu Á bao gồm Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia cho ngân hàng hàng đầu Singapore là DBS với giá 80 triệu USD.

Và trong năm 2017 ngân hàng cũng đang tìm cách bán mảng kinh doanh tại Philippines, Campuchia và Việt Nam để tập trung vào mảng thị trường vốn, trái phiếu, quản trị dòng tiền, đầu tư và khách hàng doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc rút khỏi VIB của CBA là khá bất ngờ. Ông Steve Ellis, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của CBA cho biết, thay vì phải phân tán nguồn lực tại VN cùng lúc cho cả 2 ngân hàng là CBA TP.HCM và VIB, thì nay CBA sẽ tập trung vào phát triển sự hiện diện và dịch vụ cho khách hàng thông qua VIB. 

Thực tế, mảng ngân hàng bán lẻ đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt, không chỉ áp lực đến từ các công ty tài chính tiêu dùng mà ngay cả những ngân hàng có thế mạnh và truyền thống về bán buôn từ trước đến nay như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, MB cũng đang nhảy vào.

Trong khi đó, các ngân hàng nước ngoài với mạng lưới khiêm tốn nên không thể phát triển mạng lưới ATM rộng khắp. Do đó họ khó có thể phát triển mạnh về thẻ và các tài khoản chi lương, vốn là cơ sở tiền đề để phát triển tốt hoạt động bán lẻ hay cho vay tiêu dùng.

Ngoài ra, những quy định, chính sách gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra các yêu cầu mới buộc các ngân hàng muốn đáp ứng phải tăng thêm vốn đầu tư. Cụ thể theo thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng phải có dữ liệu đầy đủ và hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để tính tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư này - sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Điều này không những đặt ra yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng, mà với những quy định về cách tính hệ số CAR theo tiêu chuẩn mới buộc các ngân hàng phải nâng thêm vốn để đáp ứng mảng cho vay tiêu dùng vốn có hệ số rủi ro cao.

Việc ANZ và Commonwealth rút ra khỏi mảng bán lẻ liệu có phải là bắt đầu cho một xu hướng sắp tới? Hiện nay tại Việt Nam có 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chủ yếu đặt trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM, trong số này một số Chi nhánh chỉ nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp FDI, một số chi nhánh chỉ mạnh về mảng bán buôn và cũng có các chi nhánh chỉ thiên về mảng bán lẻ.

Tiến không nổi thì... lui!

Nếu như việc Standard Chartered Bank thoái vốn khỏi ACB là nằm trong chiến lược rút khỏi thị trường châu Á đã có từ cách nay 2 năm của tập đoàn mẹ, thì việc HSBC thoái vốn khỏi Techcombank chỉ là điều trước sau gì cũng đến sau khi ngân hàng này đã thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam từ tháng 9/2008.

Techcombank cũng đã có 7 năm liên tiếp không chia cổ tức, trong khi giá cổ phiếu phập phù nên khoản đầu tư của HSBC vào Techcombank gần như không sinh lời trong suốt thời gian qua. Với việc Techcombank có kế hoạch niêm yết lên sàn và giá cổ phiếu đang ở mức cao sau một thời gian dài tái cấu trúc và xử lý nợ xấu, thì thoái vốn trong thời điểm này dường như là phù hợp nhất.

Cũng cần lưu ý là trong cuộc họp đại hội cổ đông hồi tháng 4/2017, Techcombank đặt ra kế hoạch tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Điều này đặt ra thách thức với các cổ đông hiện hữu là phải rót thêm tiền mua cổ phần phát hành thêm nếu không muốn bị giảm tỷ lệ sở hữu.

Do đó, với những cổ đông chiến lược như HSBC, nếu không muốn rót thêm vốn và cũng không muốn bị giảm tỷ lệ sở hữu, thì xem ra giải pháp thoái vốn là tối ưu, nhất là khi nếu tăng đầu tư sẽ tăng thêm mâu thuẫn và lợi ích chồng chéo, phân tán nguồn lực cũng như dẫn đến xung đột trong hoạt động kinh doanh với ngân hàng HSBC Việt Nam.

Với thông tư 41 đã nói ở trên thì áp lực tăng vốn của các ngân hàng từ giờ đến năm 2020 là rất lớn, do đó những cổ đông chiến lược ngoại cũng sẽ phải lựa chọn giữa giải pháp tăng thêm vốn đầu tư để không bị giảm tỷ lệ sở hữu hay xem xét việc thoái vốn hoàn toàn nếu như không còn hoặc không thể tham gia sâu và hoạt động quản trị điều hành. Do đó, câu chuyện ngân hàng ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng nội xem ra có thể chưa dừng lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng ngoại tiếp tục rút vốn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO