Ngân hàng lại thừa tiền?

KHÁNH PHƯƠNG| 07/06/2017 01:48

Những dấu hiệu trên các thị trường cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn ổn định, thậm chí đang dồi dào trở lại.

Ngân hàng lại thừa tiền?

Nếu như cùng kỳ năm 2015, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,26%, đến 2016 tăng khá hơn, ở mức 4,52%, thì con số tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm nay ước 6,5%, cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Việc tăng trưởng tín dụng cao có thể đến từ nhiều nguyên nhân như nền kinh tế hấp thụ vốn tốt trở lại, các ngân hàng tích cực cho vay ngay từ đầu năm để tăng hiệu quả sử dụng vốn, cũng không loại trừ khả năng đẩy mạnh tái cấu trúc nợ.

Dù tín dụng tăng nhanh, nhưng sự ổn định của mặt bằng lãi suất kể từ đầu năm đến nay cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn khá ổn định, ngoại trừ một số ngân hàng phát hành các chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhằm tăng nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Thậm chí trong thời gian gần đây, những tín hiệu trên thị trường liên ngân hàng còn cho thấy thanh khoản hệ thống có dấu hiệu đang dồi dào trở lại.

Ngân hàng Nhà nước hút ròng vốn

Cụ thể, nếu như lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng duy trì trên 4% kể từ giữa tháng 3, thì từ giữa tháng 5 đến nay đang có dấu hiệu giảm khá nhanh.

Cụ thể, lãi suất qua đêm đến ngày 31/5 đã giảm về mức thấp 2,04%, trong khi kỳ hạn một tuần cũng giảm về còn 2,4%, hai tuần là 2,9% và một tháng giảm còn 3,66%, thấp nhất kể từ nửa đầu tháng 2 trở lại đây.

Nếu so với đầu tháng 5 thì lãi suất qua đêm vào thời điểm cuối tháng giảm mạnh nhất với mức giảm là 2,44%, kỳ hạn một tuần giảm 2,38%, hai tuần giảm 1,07% và một tháng giảm 1,22%.

Nhìn lại 2 năm gần nhất 2015 và 2016 cũng cho thấy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thường giảm nhanh trong tháng 5 và sau đó duy trì ổn định ở mức thấp. Điều này có thể đến từ việc dòng vốn chảy vào hệ thống ngân hàng trong quý II thường tăng nhanh hơn trong quý I, do đó thanh khoản của ngân hàng dồi dào hơn, nhu cầu vay mượn trên thị trường liên ngân hàng không còn quá nhiều áp lực, tạo điều kiện cho lãi suất giảm nhanh hơn.

Biểu đồ lãi xuất qua đêm

Nhìn sang thị trường trái phiếu sơ cấp, lợi suất tháng 5 cũng giảm trở lại so với tháng 4, với mức giảm từ 0,1 - 0,5% tùy kỳ hạn, trong khi khối lượng đăng ký đấu thầu vẫn ở mức cao càng cho thấy thanh khoản của hệ thống khá dồi dào.

Thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm, giá trị huy động qua thị trường trái phiếu sơ cấp hơn 121 nghìn tỷ đồng, trong khi giá trị đáo hạn cùng thời điểm là hơn 82 nghìn tỷ đồng, như vậy, lượng vốn ròng chảy vào thị trường trái phiếu khoảng 39 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, lợi suất trên thị trường trái phiếu thứ cấp cũng giảm nhẹ tại các kỳ hạn.

Diễn biến trên thị trường mở cũng cho thấy tín hiệu tương tự, khi Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng vốn về ở các tuần trong tháng 5. Thống kê từ Bloomberg cho thấy nếu như tuần đầu tiên của tháng, lượng vốn Ngân hàng Nhà nước hút ròng là 6.000 tỷ đồng, tuần thứ hai là 18.460 tỷ đồng, tuần thứ ba là 1.796 tỷ đồng thì tuần thứ tư, từ ngày 22/5 đến 26/5 là 2.569 tỷ đồng.

Hiệu ứng lan tỏa?

Với diễn biến hút ròng qua kênh OMO trong tháng 5, trong khi nhu cầu trên thị trường trái phiếu vẫn ở mức cao dù lợi suất giảm và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm nhanh kể từ giữa tháng càng cho thấy thanh khoản đang dư thừa trở lại.

Thông thường thời điểm tháng 5, việc huy động vốn của các ngân hàng tăng trưởng khá tích cực do triển khai nhiều chương trình khuyến mãi mùa hè. Trong khi đó, thời điểm quý II cũng là giai đoạn cao điểm nhiều ngân hàng tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, do đó các chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng cũng diễn ra rầm rộ nên càng thu hút khách hàng gửi tiền.

Với thị trường ngoại hối và vàng trầm lắng, thị trường chứng khoán và bất động sản đang đối diện với mức độ rủi ro cao hơn, thì dòng vốn có thể tìm đến nơi "phòng thủ an toàn" với suất sinh lời ổn định trong thời điểm hiện nay, nhất là khi lạm phát đang có dấu hiệu chậm lại giúp lãi suất thực của kênh tiền gửi ngân hàng hấp dẫn hơn.

Kỳ vọng lớn nhất của thị trường lúc này là liệu sự giảm nhiệt của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có lan tỏa qua thị trường 1 (dân cư và tổ chức), khi mà chênh lệch lãi suất giữa 2 thị trường đã mở rộng khá lớn sau diễn biến giảm nhanh của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong những ngày gần đây.

Rõ ràng nếu thanh khoản dồi dào và thậm chí dư thừa trở lại, các ngân hàng cũng không có nhiều động lực duy trì lãi suất huy động tiền gửi ở mức cao, nhất là khi tỷ suất sinh lời đang trở thành áp lực ngày càng lớn hơn trong bối cảnh các ngân hàng vẫn miệt mài thu hồi nợ xấu, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng lại thừa tiền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO