Ngân hàng lại chia… "giấy"

KHÁNH PHƯƠNG| 19/04/2017 01:31

Mùa Đại hội cổ đông năm nay, hàng loạt ngân hàng tiếp tục lựa chọn chia "giấy", tức chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt, khiến cổ phiếu ngân hàng trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Ngân hàng lại chia…

Mùa Đại hội cổ đông năm nay tiếp tục diễn ra cảnh hàng loạt ngân hàng lựa chọn chia "giấy", tức chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Việc này khiến cổ phiếu ngân hàng trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. 

Đọc E-paper

Cụ thể tại đại hội cổ đông thường niên hôm 10/4 của ACB, ngân hàng này dự kiến trả cổ tức 10% bằng cổ phiếu cho cả năm 2016 và kế hoạch 2017. Trong cùng ngày đại hội cổ đông của VPBank cũng đề nghị chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao, gần 32%. Ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như ngân hàng Bắc Á cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%.

Mặc dù cũng có những ngân hàng có chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng tỷ lệ rất khiêm tốn. Đơn cử như Lienvietpostbank quyết định chia cổ tức 10%, nhưng trong đó chỉ có 4% bằng tiền mặt và 6% bằng cổ phiếu. Hay như VIB đưa ra phương án chia cổ tức, một là chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và cổ phiếu 39,6%; hai là chia cổ tức hoàn toàn bằng cổ phiếu. Nếu kế hoạch cổ tức được thông qua, VIB sẽ là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức cao nhất trong hệ thống tính đến thời điểm này.

Thậm chí có những ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức như Techcombank. Ngân hàng này đã không chia cổ tức cho cổ đông kể từ năm 2010 đến nay. Đối với Eximbank thì tờ trình phân phối lợi nhuận của ngân hàng cho biết vẫn còn đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế 463.109 triệu đồng, nên theo quy định của Điều lệ Eximbank, ngân hàng cũng không thể thực hiện chia cổ tức.

Tương tự, nhóm các ngân hàng đang gặp khó khăn về hoạt động sẽ khó có thể có cổ tức cho cổ đông.

Chính sách không chia cổ tức hoặc chỉ chia bằng cổ phiếu duy trì trong nhiều năm qua đã khiến các đại hội cổ đông ngân hàng thường xảy ra các tranh luận gay gắt giữa các nhóm cổ đông và hội đồng quản trị của ngân hàng.

Thậm chí hồi năm ngoái, Bộ Tài chính - cổ đông lớn của 2 ngân hàng BIDV và Vietinbank đã có văn bản yêu cầu 2 ngân hàng này phải chia cổ tức bằng tiền mặt. Sau một thời gian tranh cãi thì cuối cùng 2 ngân hàng trên phải đáp ứng yêu cầu của Bộ Tài chính.

Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ trước khi muốn chia cổ tức hay chi lương thưởng. Do đó, rõ ràng với các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đối mặt với nợ xấu cao và các khoản trích lập chi phí dự phòng lớn, bao gồm dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC thì việc chia cổ tức bằng tiền mặt hiện nay dường như là quá sức.

Trong khi đó, những ngân hàng đang trong quá trình hồi phục hoặc tiếp tục đạt lợi nhuận cao cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để gia tăng năng lực tài chính, vốn tự có để có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tăng nguồn vốn trung dài hạn để có thể mở rộng hoạt động đầu tư cũng như tăng trưởng tín dụng, nhất là khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm về còn 50% kể từ đầu năm nay, và dự kiến sẽ giảm về còn 40% kể từ đầu năm 2018.

Ngoài ra vốn tăng lên cũng giúp các ngân hàng này có thêm vốn đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới và hệ thống quản trị rủi ro. Hiện nay theo thông tư 21/2013/TT-NHNN, các ngân hàng muốn mở thêm chi nhánh phải đảm bảo điều kiện vốn điều lệ đủ đáp ứng theo quy định.

>>Chuyên gia lo ngại về bong bóng cổ phiếu Facebook

Ngoài ra, những năm qua tổng tài sản của các ngân hàng đã tăng trưởng rất nhanh, do các ngân hàng mở rộng đáng kể ở hoạt động tín dụng và đầu tư. Tuy nhiên với thực trạng chất lượng tín dụng suy giảm, nợ xấu tăng cao khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn, lợi nhuận bị ảnh hưởng nên họ đã không thể tăng trưởng vốn tự có theo kịp tốc độ gia tăng của tổng tài sản, dẫn đến hệ số CAR bị suy giảm. Vì vậy, khi hoạt động kinh doanh được cải thiện, lợi nhuận phục hồi thì các ngân hàng phải ưu tiên cho việc tăng vốn.

Tuy nhiên rõ ràng việc nhiều năm liền các ngân hàng không chia cổ tức hoặc chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu khiến các cổ đông của ngân hàng đều không hài lòng. Đối với những ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán, thị giá ở mức cao thì còn có thể bán được phần cổ phiếu nhận được từ việc chia cổ tức. Còn đối với những ngân hàng chưa niêm yết, việc giao dịch mua bán cổ phiếu có nhiều hạn chế và mất nhiều thời gian, thì rõ ràng nhận cổ tức bằng cổ phiếu chẳng có gì hấp dẫn, nhất là khi thị giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng trên sàn OTC đã rớt về dưới mệnh giá.

Với những thực trạng nêu trên, rõ ràng cổ phiếu của các ngân hàng tiếp tục trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cá nhân. Và điều này có thể dẫn đến việc tăng vốn qua con đường phát hành thêm cổ phiếu của các ngân hàng có thể khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng đang lên kế hoạch tăng vốn khủng để chuẩn bị đáp ứng các quy định theo chuẩn Basel 2.

Dù vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ tiếp tục là câu chuyện trường kỳ với cổ đông các ngân hàng, vì cuộc cạnh tranh tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính sẽ là cuộc cạnh tranh không bao giờ có điểm dừng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

>>Không chia cổ tức bằng tiền mặt, các ngân hàng lớn nói gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng lại chia… "giấy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO