Ngân hàng đã trả lãi tiền gửi khoảng 408 ngàn tỷ

07/05/2013 00:40

Trước những tranh cãi về con số 408 ngàn tỷ đồng là con số mà nền kinh tế trả lãi ngân hàng trong năm 2012, chiều 7/5, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo chính thức về vấn đề này.

Ngân hàng đã trả lãi tiền gửi khoảng 408 ngàn tỷ

Trước những tranh cãi về con số 408 ngàn tỷ đồng là con số mà nền kinh tế trả lãi ngân hàng trong năm 2012, chiều 7/5, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo chính thức về vấn đề này.

Theo Cơ quan này, năm 2012, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh tế trì trệ, do đó rủi ro hoạt động ngân hàng gia tăng và hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng giảm sút. Điều này cũng phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế.

Ngân hàng là trung gian tài chính, đi vay để cho vay. Khi đi vay, nhận tiền gửi, ngân hàng phải trả lãi cho người cho vay, người gửi tiền. Khi cho vay, ngân hàng thu lãi cho vay để có nguồn trả lãi huy động vốn.

Mức độ lành mạnh, hiệu quả của người gửi tiền và người vay đều tác động đến hiệu quả kinh doanh và trạng thái rủi ro của ngân hàng. Lợi nhuận ngân hàng chủ yếu được hình thành từ chênh lệch lãi suất đầu ra, đầu vào.

Thông cáo nhấn mạnh, có thông tin cho rằng, 408 ngàn tỷ đồng là con số mà nền kinh tế trả lãi ngân hàng trong năm 2012.

Vậy ngân hàng chi lãi bao nhiêu cho nền kinh tế thì cũng cần làm rõ để thấy hết tình hình kinh doanh ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, theo ước tính từ số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, năm 2012 các tổ chức tín dụng đã trả lãi tiền gửi, tiền vay khoảng 408 ngàn tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng thu lãi cho vay từ nền kinh tế với khoảng 420 ngàn tỷ đồng.

Cơ quan này chỉ ra, chênh lệch thu chi toàn ngành ngân hàng trong năm 2012 ước chỉ đạt hơn 20 ngàn tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2008 và cũng chỉ gần tương đương mức chênh lệch thu, chi của năm 2008 hay chỉ bằng khoảng 40% mức của năm 2011 chủ yếu do chênh lệch lãi suất đầu ra, đầu vào giảm, chi phí dự phòng rủi ro gia tăng, tín dụng tăng trưởng thấp.

Các chỉ số hiệu quả kinh doanh (ROA, ROE) cũng chỉ bằng khoảng 40% so với mức của năm 2011. Vì vậy, nhiều tổ chức tín dụng không chia cổ tức hoặc có tỷ lệ chia cổ tức thấp (dưới 10%).

Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng cho rằng, trong điều kiện kinh doanh khó khăn chung, cơ hội đạt được siêu lợi nhuận là rất khó ở bất cứ ngành, lĩnh vực nào và chỉ có thể có được ở một hoặc một vài thành viên thị trường cụ thể có sự sáng tạo và năng lực vượt trội.

"Nếu tình hình kinh tế không có sự cải thiện trong năm 2013 thì hoạt động ngân hàng sẽ còn gặp nhiều khó khăn do nợ xấu và chi phí hoạt động gia tăng. Vì vậy, việc cải thiện hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2013 vẫn là một thách thức lớn," cơ quan này cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng đã trả lãi tiền gửi khoảng 408 ngàn tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO