Ngân hàng chật vật tìm khách vay tiền

22/05/2013 05:58

Các gói tín dụng ưu đãi lãi suất liên tục được tung ra, có nơi chỉ 7,5% một năm, nhưng vẫn rất khó giải ngân trong bối cảnh người vay chưa mặn mà.

Ngân hàng chật vật tìm khách vay tiền

Các gói tín dụng ưu đãi lãi suất liên tục được tung ra, có nơi chỉ 7,5% một năm, nhưng vẫn rất khó giải ngân trong bối cảnh người vay chưa mặn mà.

Ngân hàng tung nhiều chương trình ưu đãi lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chậm

Ngoài việc hạ mặt bằng lãi suất theo lời hiệu triệu của Thống đốc, các ngân hàng cũng đang tự thiết kế những gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho khách hàng tốt, dự án hiệu quả. Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường chỉ còn khoảng 10,5% một năm.

Lãi suất cho vay trung dài hạn đối với các doanh nghiệp thấp nhất khoảng 11,6% mỗi năm. Nhà băng này còn triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn với hạn mức lên tới 30.000 tỷ đồng và 700 triệu USD, lãi suất cho vay thấp nhất là 7,5% mỗi năm (VNĐ) và 2% một năm (USD).

Không chịu kém cạnh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo giảm thêm 2% mỗi năm đối với lãi suất cho vay, dành cho các đối tượng khách hàng thuộc 7 lĩnh vực ưu tiên về mức lãi suất tối đa 10% mỗi năm. Đồng thời, nhà băng này kéo lãi suất khoản vay cũ về 13% một năm từ 13/5.

Một số nhà băng cổ phần cũng tham gia vào cuộc đua giảm lãi suất, tìm kiếm khách hàng. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có gói tín dụng lên tới 4.200 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân trong năm 2013 với lãi suất 9%

Khách hàng có nhu cầu vay vốn từ 300 triệu đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh, mua nhà ở, tiêu dùng, xây dựng hoặc sửa chữa nhà tại ACB sẽ được hưởng lãi suất thấp nhất là 9,99% một năm.

Hay như VietBank từ 21/5 áp dụng mức lãi suất ưu đãi 12% cho các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để bổ sung vốn kinh doanh hay đầu tư tài sản.

Nhiều chương trình ưu đãi lãi suất được các nhà băng liên tục đưa ra nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa khả quan. Sau hơn hai tháng âm, tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại từ giữa tháng ba và đến cuối tháng tư đã đạt 2,14%.

Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận đây là tín hiệu khả quan bởi năm ngoái, tới giữa tháng sáu tín dụng mới "lên mặt đất" trở lại. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng này, không dễ để ngành ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu 12% của cả năm nay.

Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lý giải tín dụng tăng chậm chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp quá thấp.

"Có những doanh nghiệp đủ điều kiện thì họ không vay vì tồn kho cao, tiêu thụ hàng hóa kém, nên không biết vay để mở rộng sản xuất thế nào trong điều kiện đầu ra đang khó khăn. Trong khi đó các doanh nghiệp khác tình hình tài chính kém, không đáp ứng điều kiện vay ngân hàng", bà nói.

Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng khẳng định ngân hàng không thiếu vốn, đã giảm mạnh lãi suất mà tín dụng vẫn tăng trưởng âm.

"Công việc chính của ngân hàng là huy động để cho vay vì thế không có lý do gì để không cho vay. Chúng tôi cũng đang làm mọi cách để mở rộng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nhưng thiết nghĩ đây không chỉ là vấn đề của ngân hàng nữa mà của cả nền kinh tế", ông nói.

Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang cho rằng, khó khăn lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là doanh số giải ngân cũng như chất lượng tín dụng quá thấp. Vì vậy, giảm lãi suất chưa hẳn đã giải quyết được bài toán tín dụng tắc nghẽn, khơi thông dòng vốn ngân hàng.

"Khó khăn nằm ở chỗ không phải ngân hàng không muốn cho vay mà do rủi ro quá lớn khi chất lượng kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay khá thấp", ông nói.

Một Phó tổng giám đốc BIDV nhìn nhận, trong điều kiện thị trường hiện nay, khi sức mua suy yếu, doanh nghiệp chưa muốn sử dụng vốn vay. Khách hàng cá nhân muốn vay mua nhà thì còn chần chừ vì đợi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước.

Từ trước khi Ngân hàng Nhà nước hạ các mức lãi suất chủ chốt, BIDV đã chủ động giảm dần lãi suất cho vay của mình nhưng tình hình không khả quan. Gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng với lãi suất 10% triển khai từ đầu tháng tư, sau hơn nửa tháng giải ngân chưa tới 100 tỷ đồng.

Tăng trưởng chung của nhà băng này từ đầu năm đến gần cuối tháng Tư dù cao hơn mặt bằng chung nhưng cũng chỉ khoảng 2,7%, giá trị tuyệt đối tương đương hơn 8.600 tỷ đồng.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng giảm lãi suất đang được các ngân hàng công bố rộng rãi, nhưng để vay vốn với mức thấp như niêm yết không dễ. Giám đốc một công ty may mặc tại quận Tân Bình, TP HCM cho biết, nhiều khi niêm yết là 10% một năm, nhưng thực tế có thể cao hơn.

"Mức lãi suất công bố tối đa, tối thiểu của các ngân hàng chỉ là con số tương đối, có tính linh hoạt. Vì khi xét duyệt thực tế, nhà băng tùy vào đối tượng khách hàng, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo... mà có mức lãi suất khác nhau, thậm chí cao hơn rất nhiều", ông nói.

Thừa nhận thực tế này, một lãnh đạo Eximbank cho biết, trước xu hướng nợ xấu tăng, đòi hỏi ngân hàng phải thận trọng hơn khi cấp tín dụng.

"Nếu là doanh nghiệp tốt, nhà băng sẵn sàng mời gọi vay vốn với lãi suất khá thấp 7-8%, nhưng để tìm kiếm được khách hàng này trong bối cảnh hiện nay tương đối khó. Còn với đối tượng khách hàng độ tín nhiệm thấp thì lãi suất cao cũng không dám giải ngân", ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng chật vật tìm khách vay tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO