Nếu FED tăng lãi suất trong tháng 3/2017...

LÊ PHAN| 08/03/2017 08:33

Kinh tế Mỹ ngày càng ổn định và tốt hơn trong 3 tháng qua, nền kinh tế toàn cầu cũng sáng sủa hơn, việc FED tăng lãi suất sẽ không gây ra quá nhiều rủi ro cho thị trường tài chính quốc tế.

Nếu FED tăng lãi suất trong tháng 3/2017...

Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) sẽ nhóm họp vào ngày 14 và 15/3 tới đây và sau đó sẽ công bố mức lãi suất cơ bản vào 1 giờ sáng ngày 16/3 theo giờ Việt Nam. Nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng đã tăng vọt, cho thấy thị trường kỳ vọng vào một đợt tăng lãi suất sớm trong tháng 3. 

Đọc E-paper

Các yếu tố đều ủng hộ một đợt tăng lãi suất sớm

Những ghi chép lại từ cuộc họp của FED trước đó từ 31/1 - 1/2 cũng cho thấy ý định nâng lãi suất khá sớm. Với mục tiêu 3 lần nâng lãi suất trong năm nay thì đợt tăng vào kỳ họp tháng 3 tới là có khả năng. Hiện tại những dữ liệu kinh tế Mỹ tiếp tục tốt lên càng ủng hộ cho khả năng tăng lãi suất đợt này.

Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất của Viện ISM công bố hôm 1/3 đã tăng vọt lên 57,7, vượt xa mức dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2015 trở lại đây, cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ tiếp tục mở rộng. Đến 3/3, chỉ số PMI phi sản xuất của Viện ISM công bố cũng ở mức cao 57,6, vượt mức dự báo. Trước đó số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp công bố mới nhất tuần 25/2 cho thấy là 223 nghìn, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Chỉ số CPI tháng 1 công bố hôm 15/2 cũng ở mức 0,6%, cao hơn nhiều so với mức dự báo và đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 2/2013 trở lại đây, cho thấy lạm phát tại Mỹ đang tăng nhanh trở lại. Lạm phát là chỉ số rất quan trọng vì việc giá cả tăng nhanh sẽ thúc đẩy ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, Chủ tịch FED New York William Dudley cho rằng nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 2% và tỏ dấu hiệu sẵn sàng tăng lãi suất sớm.

Trong năm 2016, FED đã dự định tăng lãi suất 4 lần tuy nhiên những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu cùng với sự hỗn loạn thị trường từ Trung Quốc và việc Anh rời Liên minh Châu Âu đã khiến FED phải trì hoãn và chỉ tăng đúng một lần vào cuộc họp cuối năm 2016. Trong thời điểm hiện tại với các dữ liệu kinh tế Mỹ ngày càng ổn định và tốt hơn trong 3 tháng qua, trong khi nền kinh tế toàn cầu cũng sáng sủa hơn thì việc FED tăng lãi suất sẽ không gây ra quá nhiều rủi ro cho thị trường tài chính quốc tế như những lo ngại trước đó.

Ảnh hưởng đến Việt Nam?

Tỷ giá USD/VNĐ là nhân tố đầu tiên chịu áp lực lớn từ việc FED tăng lãi suất. Tuy nhiên, hiện tại tỷ giá trung tâm được tham chiếu từ một rổ 8 ngoại tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ và đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam để làm cơ sở (USD, EUR, CNY, JPY, SGD, KRW, TWD và THB).

Do đó tỷ giá USD/VNĐ sẽ không chỉ quá phụ thuộc vào sự tăng mạnh của đồng USD. Thực tế cho thấy trong những thời điểm FED tăng lãi suất trong 2 lần gần đây vào cuối năm 2015 và 2016 thì tỷ giá USD/VNĐ vẫn được kiểm soát khá ổn định.

Ngoài ra, tỷ giá trung tâm từ đầu năm tới nay NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng nhanh. Tỷ giá trung tâm đến ngày 6/3 là 22.246đ/USD, tăng 87 đồng, tương đương tăng 0,39% so với đầu năm. Chỉ số USD Index hiện đang giao dịch quanh 101,4, sau khi đã rớt mạnh hôm 4/3.

Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là việc Trung Quốc có thể phá giá mạnh đồng CNY nếu FED tăng lãi suất, và do đó có thể gây áp lực lớn lên VNĐ vì Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Nếu VNĐ không điều chỉnh kịp với mức độ phá giá của CNY thì nhập siêu càng nghiêm trọng. Theo thống kê năm 2016, nhập siêu từ Trung Quốc là 28 tỷ USD.

>>Thị trường châu Á khủng hoảng vì đồng USD trong năm 2017

Thứ hai là nếu FED tăng lãi suất, đồng USD tiếp tục mạnh lên thì áp lực hoàn trả các khoản vay bằng đồng USD của Chính phủ sẽ tăng lên. Việc phát hành trái phiếu bằng USD của Chính phủ Việt Nam thời gian tới có thể khó khăn hơn do chi phí phát hành sẽ phải cao hơn.

Chính phủ Việt Nam trong năm 2016 đã có kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế nhằm cơ cấu lại kỳ hạn nợ, tuy nhiên sau đó đã phải hoãn lại. Trước đó Việt Nam cũng đã có 4 đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế vào các năm 2005, 2007, 2010 và 2014 với lãi suất chỉ xoay quanh 7% hoặc thấp hơn.

Trong khi đó, với những doanh nghiệp đang vay USD thì rủi ro tỷ giá sẽ cao hơn. Thống kê gần đây nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong tháng 1 bất ngờ tăng mạnh 3,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung là 2,17% và tín dụng VNĐ là 2,07%. Việc NHNN gia hạn hoạt động cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đến hết năm 2017 qua việc ban hành Thông tư 31/TT-NHNN đã kích thích hoạt động vay ngoại tệ của các doanh nghiệp ngay từ đầu năm.

Nguồn kiều hối cũng có thể tiếp tục bị ảnh hưởng, do chênh lệch lãi suất USD tại Việt Nam và Mỹ tiếp tục được nới rộng ra nếu FED tăng lãi suất. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư có thể chạy về thị trường Mỹ và hạn chế rót vào những thị trường mới nổi như Việt Nam.

Dù vậy, nếu đồng USD mạnh lên thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào nước này có nhiều lợi thế hơn. Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2016 là 38,1 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước và do đó Việt Nam đạt mức xuất siêu vào Mỹ 29,4 tỷ USD.

>>7 sự kiện chấn động thị trường tài chính thế giới năm 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nếu FED tăng lãi suất trong tháng 3/2017...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO