Năm 2016, lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại?

LINH CHI| 14/01/2016 01:44

Một trong các yếu tố hỗ trợ cho việc tăng lãi suất vào năm 2016 chính là lạm phát...

Năm 2016, lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại?

Bước sang năm 2016 có nhiều yếu tố hỗ trợ cho chính sách tăng lãi suất được hình thành.

Đọc E-paper

Năm 2015 khép lại với nhiều điểm sáng về tăng trưởng tích cực, lạm phát thấp cũng như các chính sách điều hành tiền tệ kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Diễn biến lãi suất trên thị trường nhờ đó cũng có xu hướng giảm so với đầu năm và thị trường tiền tệ ổn định với thanh khoản dồi dào.

Tuy nhiên, mới đây, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin dự báo lãi suất sẽ tăng trong năm 2016. Một trong các yếu tố hỗ trợ cho việc tăng lãi suất vào năm 2016 chính là lạm phát.

Theo một số ý kiến, lạm phát trong 2016 dự kiến sẽ tăng trở lại do tác động của sự sụt giảm của giá dầu thô đã phản ánh toàn bộ vào năm 2015.

Báo cáo Triển vọng giá hàng hóa (quý IV/2015) của Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá diễn biến giá của phần lớn các loại hàng hóa chính sẽ tăng nhẹ, đặc biệt là giá dầu trong năm 2016.

Và theo lộ trình, chi phí cho điện, nước, học phí, viện phí đều dự kiến từ đó cũng điều chỉnh tăng. Điều này trở thành lực đẩy lên chỉ số giá tiêu dùng.

Còn theo dự báo của Goldman Sachs, mức lạm phát năm 2016 của các nền kinh tế khu vực châu Á kỳ vọng tăng từ 1-2% so với năm 2015.

Nguyên nhân thứ hai khiến nhiều chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng vì hiện nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh lãi suất huy động tăng.

Đơn cử, biểu lãi suất mới nhất mà Viet Capital Bank áp dụng tăng thêm 0,05% - 0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Trước đó, Sacombank cũng tăng lãi suất huy động VND thêm từ 0,2% - 0,3%/năm; VPBank điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng khoảng 0,5%/năm.

Những NH lớn như BIDV, VietinBank cũng tăng lãi suất cao hơn từ 0,2 - 0,4%/năm... Dự đoán, khi lãi suất huy động tăng, các NHTM sẽ tính đến việc cân đối mối quan hệ giữa lợi ích, chi phí và rủi ro nên tăng lãi suất cho vay là tất yếu.

Chưa kể, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, NHNN cho biết tăng trưởng nhu cầu vốn cho nền kinh tế ước tính sẽ cao hơn năm 2015, quanh mức 18 - 20%.

Như vậy, đặt trong bối cảnh tăng trưởng mạnh cho vay, nhu cầu huy động vốn cũng sẽ tăng tốc trong năm 2016. Cuối cùng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất được xem là nhân tố bên ngoài tác động đến việc các NHTM phải tăng lãi suất...

Tuy nhiên, nhận định xu hướng dài hạn của lãi suất không dễ vì nó luôn chịu tác động của nhiều chỉ báo như lạm phát, thanh khoản thị trường, cung cầu vốn,...

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho rằng, người dân và doanh nghiệp cần cân nhắc những yếu tố quan trọng có khả năng tác động đến diễn biến lãi suất.

Nhưng quan trọng hơn là NHNN vẫn đang có những chính sách điều hành tiền tệ rất thận trọng.

Chẳng hạn, liên quan đến lạm phát, một yếu tố được quan tâm là tác động của chi phí đẩy, tức là nhân tố chính sẽ kéo lạm phát tăng vào năm 2016. Đối với Việt Nam, giả thiết lạm phát tăng trở lại là do tác động từ chi phí đẩy và cầu kéo.

Thế nhưng, thời điểm này, không như giai đoạn trước khi yếu tố lạm phát có tác động lớn đến xu hướng lãi suất, dự báo mức tăng không đột biến (khoảng 5% cho cả năm 2016), thấp hơn mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm hiện nay.

Rõ ràng mức ảnh hưởng của yếu tố lạm phát lên lãi suất sẽ không mạnh như giai đoạn 2010 - 2011.

Còn đặt trong bối cảnh tăng trưởng mạnh trong cho vay, không phủ nhận những cơn sóng ngầm điều chỉnh lãi suất huy động gần đây là dấu hiệu đầu tiên về sự gia tăng cạnh tranh thông qua công cụ lãi suất giữa các NH.

Nếu các NH không cân đối được chi phí đầu vào và đầu ra, sự điều chỉnh về lãi suất cho vay có thể diễn ra. Tuy nhiên, NHNN vẫn đang giữ cam kết đối với mức trần lãi suất cho vay của các lĩnh vực ưu tiên.

Đây là yếu tố quan trọng để thị trường thấy được lãi suất vẫn đang rất ổn định. Điều này cũng được thể hiện khá rõ trong báo cáo của NHNN 11 tháng năm 2015, thanh khoản trên các thị trường tiền tệ vẫn duy trì khá dồi dào và ổn định.

Lãi suất trên thị trường liên NH dao động trong vùng 2 - 4% suốt cả năm với doanh số giao dịch bình quân khoảng 7.600 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2014.

Và tại các thời điểm thị trường “râm ran” thông tin điều chỉnh tỷ giá, lãi suất cũng như thanh khoản trên thị trường liên NH cũng biến động theo nhưng mức độ không lớn.

Bên cạnh đó, nếu quan sát giao dịch trên thị trường mở (OMO) giai đoạn này, công cụ bơm và hút ròng của NHNN cũng được vận hành hết công suất giúp cho thị trường ổn định và lãi suất trên thị trường liên NH giảm trở lại sau giai đoạn biến động.

Như vậy, nếu dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính của nhóm NHTM đang niêm yết, có thể nhận thấy mức độ an toàn về thanh khoản có sự phân hóa ở các NH.

Cụ thể, có sự lệch pha về tốc độ tăng trưởng huy động và cho vay ở mức cao ở nhóm NH ACB, CTG và MBB. Trong khi đó, ở nhóm NH lớn như BID và VCB, rủi ro về việc mất thanh khoản không lớn khi tăng trưởng huy động tương đương tín dụng.

Đây được ngầm hiểu là nguyên nhân cho sự phân hóa của chính sách lãi suất huy động trên thị trường của các NH gần đây.

Đồng thời, khi trao đổi với các lãnh đạo NHTM, có thể ghi nhận việc cho vay hiện tại của các NH được kiểm soát chặt chẽ hơn trên nền tảng tăng trưởng chắc chắn hơn. Như vậy, tăng lãi suất 2016 có xảy ra hay không, vẫn là ẩn số.

>Tăng lãi suất cho vay: Cần tiếng nói chung giữa NH và DN

>Hạ lãi suất USD: Khó kỳ vọng lãi suất cho vay giảm

> DN than khó vì lãi suất cho vay trung và dài hạn cao

>Giảm lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2016, lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO