Một quý chứng khoán "đáng buồn "

THU HOA| 24/07/2013 06:00

Dù còn nhiều công ty chứng khoán chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2013 nhưng bức tranh kinh doanh ở ngành chứng khoán đã rõ phần nào.

Một quý chứng khoán

Dù còn nhiều công ty chứng khoán chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2013 nhưng bức tranh kinh doanh ở ngành chứng khoán đã rõ phần nào.

Đọc E-paper

Sụt giảm hàng loạt

Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) mới đây đã công bố báo cáo tài chính của công ty mẹ. Theo đó, trong quý II/2013, SSI đạt 187 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23,7%, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 60,3 tỷ đồng, giảm 40,9% so với cùng kỳ 2012. Tính chung 6 tháng, SSI giảm 10,8% về doanh thu và 28,7% về LNTT.

SSI không phải là công ty chứng khoán (CTCK) đầu tiên cho kết quả kinh doanh sụt giảm. Trước đó, trong thông báo gởi đi, CTCK Agribank (AGR) cũng cho biết, AGR vừa có quý làm ăn khá ảm đạm khi doanh thu sụt giảm 61%.

Trong đó, quý II, doanh thu môi giới chỉ đạt 5,5 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ. Bởi sụt giảm mạnh về doanh thu nên lợi nhuận sau thuế quý II của AGR chỉ đạt hơn 7,5 tỷ đồng, giảm 24%. Tính chung 6 tháng 2013, AGR chỉ lãi gần 19 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ.

Tương tự, CTCK Kim Long (KLS), CTCK FPT(FPTS), Âu Việt (AVS), CTCK MB (MBS), CTCK BIDV (BSC)... cũng đưa con số sa sút. Chẳng hạn, doanh thu môi giới ở FPTS trong quý II/2013 giảm gần 50% so với cùng kỳ, FPTS cũng gần như mất đi nguồn thu từ hoạt động tư vấn. So với kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2013, FPTS chỉ mới đặt 1/3 chỉ tiêu.

Theo giải thích từ lãnh đạo CTCK FPT, nguyên nhân sụt giảm doanh thu và lợi nhuận trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm do ở thời điểm này, ít doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết.

Dịch vụ tư vấn tài chính của FPTS vì vậy cũng khó triển khai và doanh thu dịch vụ tư vấn giảm. FPTS cũng giảm mạnh khoản lãi từ tiền gởi ngân hàng do các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất. Đặc biệt, FPTS cho biết nguyên nhân giảm doanh thu môi giới là do công ty thực hiện chính sách giảm phí môi giới cho mọi khách hàng giao dịch qua internet kể từ 13/7/2012.

BSC cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách như giảm lãi suất, triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp vay mua nhà, thành lập VAMC... nhưng thị trường chứng khoán vẫn giao dịch thận trọng, thanh khoản thị trường 6 tháng 2013 giảm 12% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, trong điều kiện tín dụng tăng trưởng chậm, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, giới đầu tư nói chung và các công ty nói riêng đều thận trọng trong các quyết định đầu tư. Chính những điều này đã ảnh hưởng tới kinh doanh của ngành chứng khoán.

Trên thực tế, các CTCK thường không sống nhờ vào phí môi giới hay tư vấn mà tự doanh, doanh thu khác mới là nguồn đóng góp chính vào kết quả kinh doanh. Ở SSI, lĩnh vực kinh doanh khác góp 77%, tự doanh góp 18% trong cơ cấu doanh thu.

Với BSC, tự doanh góp gần 40%, doanh thu khác góp gần 27% trong tổng doanh thu của Công ty. Vì thế, dù hoạt động môi giới của BSC có phần khởi sắc so với cùng kỳ thì những ảnh hưởng từ tự doanh, doanh thu khác sụt giảm đã kéo tổng doanh thu quý II/2013 của BSC giảm 27%.

Ở chiều ngược lại, CTCK VNDS về cán đích kế hoạch lợi nhuận năm nhờ gia tăng mạnh khoản tự doanh. Riêng một số công ty như CTCK Kim Long (KLS) "chuyển bại thành thắng" nhờ vào những khoản hoàn nhập dự phòng. KLS được hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán gần 3 tỷ đồng trong quý II/2013.

Cộng chung 6 tháng đầu năm nay, KLS được hoàn nhập 127 tỷ đồng dự phòng giảm giá trong khi cùng kỳ phải trích lập 45 tỷ đồng. Nhờ "nút thắt" dự phòng được gỡ, quý II/2013, KLS báo lãi sau thuế 26,47 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, công ty báo lãi 77,46 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức lãi 50 tỷ đồng cùng kỳ.

Phòng thủ nợ xấu

Mặc dù các mảng hoạt động ở CTCK đều giảm và diễn biến kinh doanh vẫn chưa thật sáng sủa cho tất cả các CTCK nhưng một điều an ủi nhà đầu tư là tình hình tài chính ở nhiều CTCK đã lành mạnh hơn. Ở AGR là giảm mạnh các đầu tư tài chính từ ngắn hạn đến dài hạn.

Tính đến cuối quý II/2013, khoản đầu tư ngắn hạn ở AGR đã giảm mạnh từ 1.555 tỷ đồng xuống dưới 50 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn cũng giảm từ 1.343 tỷ đồng còn 1.124 tỷ đồng. Song song đó, AGR cũng giảm khoản phải thu khách hàng từ 2.365 tỷ đồng đầu năm còn 906 tỷ đồng.

Với VNDS, dư tiền mặt của Công ty tăng vọt từ 644 tỷ đồng đầu năm lên 804 tỷ đồng cuối tháng 6, trong đó tiền gửi ngân hàng của VNDS tăng mạnh từ 151 tỷ đồng lên 373 tỷ đồng. Ở BSC, số dư tiền mặt cũng tăng mạnh từ 470 tỷ đồng đầu năm lên 975 tỷ đồng cuối tháng 6. Đáng nói mức tăng này là tăng từ nguồn tiền Công ty.

Tuy nhiên, sự phòng bị của các CTCK lại phần nào phản ánh những rủi ro của ngành chứng khoán. Trong thuyết minh báo cáo tài chính quý này ở một số CTCK đã xuất hiện thêm khoản "dự phòng phải thu khó đòi".

Đơn cử, khoản tăng thêm trong chi phí quản lý ở MBS chủ yếu là do phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 19 tỷ đồng trong khi cùng kỳ hoàn nhập hơn 16 tỷ đồng. Vì thế, dù giảm được một nửa chi phí hoạt động giúp lãi gộp của MBS tăng vọt nhưng bức tranh kinh doanh ở MBS vẫn "đáng buồn".

Tại BSC, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 11 tỷ đồng, góp phần khiến lãi giảm 93% so với cùng kỳ. Tương tự, 6 tháng đầu năm nay, CTCK Phương Nam (PNS) cũng phải trích lập 1,72 tỷ đồng cho khoản mục này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một quý chứng khoán "đáng buồn "
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO