Mở rộng quy mô ngành ngân hàng: Mừng nhiều hơn lo

LINH CHI| 26/03/2016 01:55

Bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nhiều ngân hàng đã tích cực mở rộng quy mô, chất lượng các điểm giao dịch để đưa sản phẩm gần hơn đến người tiêu dùng

Mở rộng quy mô ngành ngân hàng: Mừng nhiều hơn lo

Bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nhiều ngân hàng (NH) đã tích cực mở rộng quy mô, chất lượng các điểm giao dịch để đưa sản phẩm gần hơn đến người tiêu dùng. Đây là tín hiệu đáng mừng hơn là đáng lo.

Đọc E-paper 

Mạnh tay đầu tư

Nhiều người cho rằng, các NH tiếp tục mở rộng quy mô lúc này là dư thừa và không hợp lý. Thậm chí, bỏ ra quá nhiều chi phí để mở rộng mạng lưới là tốn kém, không mang lại hiệu quả cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, khẳng định, NHNN vẫn khuyến khích các NH mở rộng quy mô vì mạng lưới hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân.

Bời vì, chỉ riêng TP.HCM đã có khoảng 2.010 điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng (TCTD), cho thấy sự tập trung của TCTD tại các thành phố lớn. Ngược lại, khu vực nông thôn vẫn thiếu NH nên tín dụng đen có cơ hội phát triển mạnh. Do đó, NHNN khuyến khích NHTM mở rộng quy mô để đưa dịch vụ tài chính chính thống đến với nhiều người dân hơn.

Thừa nhận điều này, ông Trần Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc Nam A Bank, nói rằng, trong những năm gần đây, thị trường tài chính Việt Nam bắt nhịp hội nhập kinh tế thế giới thông qua phát triển mạnh dịch vụ bán lẻ.

Để phát triển được dịch vụ bán lẻ, nhiều NH đang đi theo hai xu hướng. Một là mở rộng các kênh phân phối đối với các hệ thống chi nhánh mậu dịch. Hai là phát triển NH điện tử, nghĩa là đa kênh, không cần nhiều chi nhánh.

Theo thống kê, năm 2015, 25% dân số của Việt Nam mới sử dụng các dịch vụ và NH đây là một con số rất khiêm tốn. Điều đó lý giải thời gian qua, dù nhiều NH đầu tư công nghệ nhưng kết quả chưa khả quan.

“Nói chung, NH trực tuyến chưa phải là kênh giao dịch mang tính mở rộng hoặc để đa dạng hóa dịch vụ. Đó là lý do các NH vẫn phải chọn hình thức mở rộng quy mô vì đây là hình thức được người dân chọn giao dịch nhiều nhất”, ông Hoàn chia sẻ.

Một góc nhìn khác cho thấy, 2/3 dân số của Việt Nam ở nông thôn và đang ở ngưỡng “dân số vàng” khi nhóm dưới 30 tuổi chiếm 60% dân số. Dù tiếp cận công nghệ nhanh nhưng độ tuổi này chưa có thu nhập ổn định, chủ yếu hoạt động trong các ngành nghề cha truyền con nối.

Do đó, việc sử dụng dịch vụ của NH của họ chưa đa dạng hoặc bị ảnh hưởng từ gia đình là phải sử dụng các kênh ngân hàng truyền thống.

Nâng tầm chất lượng

Theo nhận định chung, người Việt vẫn coi trọng “tính an toàn” khi giao dịch trực tiếp với các NH, yên tâm hơn hơn các giao dịch trực tuyến.

Theo thống kê, khi chọn sản phẩm dịch vụ tiền gửi, có tới 28% khách hàng lựa chọn dựa trên chất lượng dịch vụ tốt; 23% dựa trên mạng lưới phòng, chi nhánh và quản trị; còn lại dựa trên yếu tố về con người, không gian, khuyến mãi...

Đối với sản phẩm tiền vay, 33% khách hàng chọn NH dựa trên yếu tố liên quan về giá; 33% liên quan nhân viên tư vấn; 6% liên quan tới chi nhánh và phòng giao dịch.

Theo ông Hoàn, xu thế sắp tới là không gian chi nhánh và phòng giao dịch được khách hàng chú ý nhiều hơn. Khác với truyền thống, không gian của chi nhánh và phòng giao dịch hiện đại sẽ “mở hơn”, giúp khách hàng thư giãn và được tư vấn, chứ không phải là nơi để kinh doanh.

Không chỉ Nam A Bank, nhiều lãnh đạo NHTM khác cũng cho biết, đang tự cải thiện dịch vụ để thay đổi và phát triển tốt hơn. Một trong những nỗ lực quan trọng là lành mạnh hóa hoạt động, mạnh tay xử lý nợ xấu để được NHNN cấp phép cho mở rộng mạng lưới.

Theo đó, nếu năng lực không đủ, họ chấp nhận chọn cách sáp nhập để mở rộng hệ thống một cách nhanh nhất. Rõ ràng, mở rộng mạng lưới vẫn luôn là vấn đề quan trọng của bất cứ NH nào hiện nay.

Hiện nay, dù NHNN đưa ra các quy định để siết chặt hệ thống, nhưng đó không phải là cách cơ quan quản lý chặn các NH, mà hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống, coi trọng chất lượng hơn số lượng.

Theo ông Minh, việc siết chặt mạng lưới là cần thiết, nhưng hệ thống NH cũng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo hoạt động mở rộng mạng lưới không phải hình thức, mà đi vào thực chất để NH nào thực sự vững mạnh mới có thể gia tăng độ phủ thương hiệu.  

>Hai thách thức lớn của ngành ngân hàng trong 2016

>Tái cấu trúc ngành ngân hàng: Chiến lược hay giải pháp hành chính?

>Ngành ngân hàng không còn sức hấp dẫn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở rộng quy mô ngành ngân hàng: Mừng nhiều hơn lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO