Mở rộng đối tượng có tài khoản thanh toán

GIA LÊ| 26/03/2019 00:18

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thông tư số 32/2016 và Thông tư số 02/2018 cũng sẽ bị bãi bỏ theo quy định này.

Mở rộng đối tượng có tài khoản thanh toán

Theo Thông tư số 02/2019, tổ chức được mở tài khoản thanh toán không còn giới hạn ở pháp nhân, mà vẫn gồm các loại hình tổ chức khác không phải là pháp nhân như từng quy định tại Thông tư 23/2014. Điều đáng nói là quy định gần nhất đã xóa bỏ những đối tượng này.

Cụ thể, trước đó, Thông tư  32 năm 2016 xác định kể từ ngày 1/3/2018, đối tượng được phép mở tài khoản thanh toán chỉ gồm cá nhân và tổ chức có tư cách pháp nhân, tức là doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hộ gia đình và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ không được giao dịch tài khoản tại ngân hàng. Quy định này nhằm phù hợp với quy định về chủ thể tham gia giao dịch dân sự tại Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Thật ra không chỉ ở việc mở tài khoản, mà Thông tư 39 quy định khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ gồm pháp nhân và cá nhân, theo đó đối với tổ chức không có tư cách pháp nhân thì TCTD xem xét cho vay đối với cá nhân (một hoặc một số cá nhân) phù hợp với các quy định. Riêng về mở tài khoản, Bộ Tài chính sau đó có công văn chấp nhận việc sử dụng tài khoản cá nhân thay cho tài khoản của các tổ chức này.

Tiếp đó Thông tư 02 năm 2018, TCTD phải phối hợp với khách hàng hoàn thành việc ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân, tài khoản thanh toán của pháp nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản.

Theo đó, ngày 1/3/2019 là hạn cuối để các ngân hàng phối hợp với khách hàng là tổ chức không phải pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư... hoàn tất ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán.

Dù vậy, có vẻ như quy định hạn chế trên có nhiều bất cập. Thực tế, từ tháng 2/2018, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, quy định đối tượng được mở tài khoản chỉ gồm cá nhân và pháp nhân là trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức không có tư cách pháp nhân (đã được thừa nhận tại Luật Thương mại năm 2005, Luật Luật sư năm 2006, Luật Doanh nghiệp năm 2014), gây khó khăn lớn, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho các tổ chức này trong hoạt động, nhất là thực hiện pháp luật về thuế, giao kết hợp đồng, gây xáo trộn không đáng có trong xã hội, tốn kém về thời gian, chi phí.

Bản thân các ngân hàng cũng khó có thể đơn phương xóa bỏ những tài khoản này, nên NHNN đã tiếp tục cho phép các đối tượng trên vẫn được mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Việc thông tư ban hành ngày 28/2 nhưng có hiệu lực ngay sau đó một ngày là 1/3 đủ cho thấy sự gấp gáp để tránh việc các ngân hàng vi phạm quy định không đáng có.

Tuy nhiên, chủ tài khoản thanh toán của tổ chức theo quy định tại Thông tư 02 phải là tổ chức thay vì là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức như trước đây. Chủ tài khoản thanh toán (tổ chức) được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán. Do đó, ngân hàng sẽ phối hợp với tổ chức không là pháp nhân mở tài khoản trước thời điểm Thông tư số 32/2016 có hiệu lực thay đổi chủ tài khoản.

Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự thì toàn bộ thành viên là chủ thể tham gia. Do đó, nếu các tổ chức không có tư cách pháp nhân này không muốn cả các thành viên cùng phải tham gia giao dịch tài khoản nói riêng, giao dịch dân sự nói chung, thì có thể ủy quyền cho một người đại diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở rộng đối tượng có tài khoản thanh toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO