Mở rộng cửa tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa

05/04/2019 08:29

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam gặp thách thức trong việc  tiếp cận nguồn vốn. Các gói vay ưu đãi từ các Ngân hàng đang nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp.

Mở rộng cửa tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa

Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2017, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 98% trên tổng số doanh nghiệp của cả nước, đóng góp 40% vào GDP quốc gia và sử dụng 50% lực lượng lao động. Trong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt kỷ lục về tăng trưởng doanh nghiệp. Đây là kết quả của điều kiện thuận lợi khi Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế sâu rộng, doanh. Dù giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 70% DNNVV vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, hơn 30% DNNVV không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng và 30% DN khác cho biết rất khó tiếp cận nguồn vốn này.

Đại diện một DN cho biết, các DN nhỏ tài sản để thế chấp cho các khoản vay không nhiều, không đủ nhu cầu vốn hoặc hệ thống kế toán, tài chính chưa chuẩn mực như các DN lớn, cộng thêm nhiều ngân hàng chưa mặn mà với phân khúc khách hàng DNNVV cũng là một điểm khó để các DN tiếp cận được vốn vay.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức tín dụng hiện đang hỗ trợ cho các công ty nhỏ và vừa với các gói vay ưu đãi hồ sơ đơn giản, thời gian xử lý nhanh, các phương án vay và trả nợ linh hoạt. Các DNNVV có thể vay vốn lưu động dưới hình thức tín chấp (lãi suất 1%/tháng) hoặc có tài sản đảm bảo (tỉ lệ 200%). Đơn cử, Công ty TNHH TM Thép không rỉ Hiệp Lực thành lập năm 2008 ở Hóc Môn với ngành nghề chính là hoạt động thương mại sản phẩm từ thép không rỉ. Doanh thu công ty đã tăng lên 1-2 tỷ mỗi tháng sau khi vay ngân hàng. Trong năm nay, công ty dự kiến tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2019, công ty tiếp tục tham gia gói vay “Đồng hành cùng Bạn phát triển bền vững” có quy mô 1.000 tỷ đồng, với lãi suất chỉ từ 8,5%/ năm của Ngân hàng Bản Việt để tăng hạn mức cho vay vốn lưu động từ 5 tỷ lên 8,2 tỷ đồng.Công ty TNHH Mr & Mrs Clean với ngành nghề chính là cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà cửa, công nghiệp được thành lập từ 2014. Để mở rộng hoạt động, Mr & Mrs Clean vừa gõ cửa Ngân hàng Bản Việt với khoản vay 5,9 tỷ đồng vào tháng 11 năm ngoái để mở rộng hoạt động kinh doanh, dịch vụ ước doanh thu đạt 20 tỷ đồng/năm. Một DN khác hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các loại máy bơm, van, ống công nghiệp thành lập từ năm 2007 cũng vừa tiếp cận được vốn vay tín chấp đến 2 tỷ đồng từ đó tăng doanh thu từ 40 đến hơn 47,5 tỷ đồng trong năm 2018 vừa qua .

Cùng đồng hành cùng với nhóm khách hàng  DNNVV trong việc cung cấp các giải pháp tài chính, các gói vay với lãi suất ưu đãi,t ừ ngày 01/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) triển khai gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng dành riêng cho DNNVV hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng, với mức lãi suất dao động 7%/năm, được đánh giá là mức khá cạnh tranh trong các ngân hàng TMCP hiện nay. Ngoài mức lãi suất tốt, khách hàng còn được trải nghiệm thêm nhiều ưu đãi về phí dịch vụ ngân hàng trong thanh toán quốc tế, bảo lãnh và các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền khác. Dự kiến, gói vay này sẽ được giải ngân trong vòng 3 tháng (từ 1/4 - 30/6/2019) với thời gian ưu đãi lên tới 12 tháng.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc, Ngân hàng OCB nhận định: “Việc cung cấp vốn cho DNNVV theo chuỗi giá trị là giải pháp cải thiện năng lựcDN , mở rộng quy mô theo hướng hiện đại để tiếp tục gia nhập sâu hơn vào hệ thống kinh tế toàn cầu. Trong đó, quy trình cho vay và cung cấp dịch vụ tự động dựa trên công nghệ sẽ là nguồn sống để giúp các DNNVV phát triển.”

Theo ông Tùng, hiện chỉ có khoảng 21% DNNVV Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở một số nước trong khối ASEAN tỷ lệ này cao hơn nhiều, điển hình tại Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%. OCB nhận thấy nhu cầu thưc tế về vốn lưu động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng hiện rất lớn và việc thúc đẩy tài trợ vốn cho các DNNVV của Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, gia tăng giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi thị trường tài chính được toàn cầu hóa ngày càng nhiều, những giao dịch dựa trên chuỗi cung ứng liên tục được mở rộng. Với gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ từ IFC ngoài gói tín dụng 100 triệu USD ưu tiên cho các DNNVV có phụ nữ làm chủ, IFC còn cung cấp cho OCB "Chương trình tư vấn phát triển tài trợ chuỗi cung ứng" (SCF - Supply Chain Finance). Chương trình gồm 3 giai đoạn: xây dựng mô hình vận hành chuỗi, lựa chọn và tích hợp nền tảng công nghệ kết nối, xây dựng sản phẩm và phát triển kinh doanh. OCB tham gia tài trợ chuỗi, trong đó OCB sẽ giữ vai trò là Ngân hàng cung cấp giải pháp hợp tác cho người mua và người bán, cho phép các bên tiếp cận được nguồn tài trợ vốn lưu động mà không cần tài sản thế chấp, tiếp cận nguồn tài chính chi phí thấp dựa trên nền tảng tín nhiệm tín dụng của người mua. Gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng này còn nhằm hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển DNNVV tại Việt Nam, trong bối cảnh Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách hỗ trợ, phát triển DNNVV trong đó có việc giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp xuống 15-17%. Cùng thời điểm này, theo Thông tư số 42/2018/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước về việc hạn chế cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước, chính vì vậy nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi này sẽ là giải pháp thay thế hữu hiệu.

Để giúp nhu cầu vốn lưu động thường xuyên của DN trong cả một chu kỳ kinh doanh, từ đó giúp ổn định nguồn tài chính và tăng tính chủ động trong việc lập kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Bản Việt cũng đã và đang triển khai các chương trình cho vay ưu đãi khác từng nhu cầu của khách hàng như: Vay tín chấp tiểu thương kinh doanh trên các tuyến phố, sạp chợ, vay tín chấp dành cho nhóm khách hàng thu nhập từ lương. Cụ thể, từ nay đến 31/12/2019, Ngân hàng Bản Việt triển khai gói vay ưu đãi dưới hình thức cấp hạn mức tín dụng bổ sung vốn lưu động. Khách hàng chỉ cần nộp hồ sơ vay 1 lần, trong thời gian 12 tháng được rút/trả vốn nhiều lần mà không mất phí trả nợ trước hạn. tTong thời gian này, các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh sẽ được tham gia “Vay cá nhân sản xuất kinh doanh” với hạn mức vay lên đến 1 tỷ đồng và ưu đãi lãi suất chỉ từ 9.5%/ năm cố định trong suốt thời gian vay.

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 hai phía, doanh nghiệp dễ dàng vay vốn mở rộng kinh doanh, còn các nhà băng cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở rộng cửa tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO