Mở đường huy động vàng trong dân

ANH KHOA| 14/12/2017 03:33

Chính phủ vừa ban hành Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó nội dung đáng chú ý nhất là từ nay trở đi, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng tài khoản do Nhà nước độc quyền.

Mở đường huy động vàng trong dân

Với Dự thảo Sửa đổi Nghị định 24 vừa được ban hành, Chính phủ khẳng định chỉ có NHNN mới được phép huy động vàng trong nền kinh tế và kinh doanh vàng tài khoản. Ảnh: QH

Rủi ro từ huy động vàng

Trước đây các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tích cực huy động vàng từ tổ chức, cá nhân với hàng trăm nghìn lượng. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh việc NHTM huy động vàng đã gây ra rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. Do khi đã huy động thì các ngân hàng buộc phải cho vay để tối ưu hóa đồng vốn, nhất là khi nhiều khách hàng đặc biệt ưa thích vay vàng do lãi suất thấp. Nhưng khi giá vàng tăng mạnh đã gây thiệt hại không nhỏ cho người vay, dẫn đến mất khả năng trả nợ và nợ xấu của ngân hàng.

Thậm chí khi không thể cho vay hết số vàng đã huy động, hầu hết các ngân hàng đã bán vàng và chuyển thành VND đem cho vay để có được biên độ lãi suất cao, do lãi suất huy động vàng thấp hơn rất nhiều lãi suất cho vay VND. Và khi giá vàng tăng nhanh thì ngân hàng gặp phải rủi ro tỷ giá với những khoản lỗ lớn. Nhiều ngân hàng cho đến nay vẫn phải gánh thiệt hại từ những khoản lỗ do kinh doanh vàng trước đây.

Chính vì những bất ổn như thế, năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/NĐ-CP để siết chặt sản xuất, kinh doanh vàng miếng cũng như yêu cầu các NHTM phải tất toán trạng thái vàng theo đúng quy định. Vào thời điểm các NHTM buộc phải tất toán trạng thái vàng theo quy định vào cuối tháng 6/2013, hàng loạt khách hàng vay vàng đã buộc phải chuyển thành các khoản vay VND tại mức đỉnh của giá vàng và thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, chính các ngân hàng cũng phải mua lại số vàng đã bán ra trước đây để trả lại cho khách hàng gửi vàng. Nhu cầu tăng đột biến này đã dẫn đến giá vàng vọt lên nhanh và luôn duy trì ở mức cao hơn so với giá vàng thế giới 4 - 5 triệu đồng/lượng suốt một thời gian dài.

Kể từ đó đến nay, không còn NHTM nào được phép huy động vàng, bản thân các ngân hàng cũng không còn mặn mà với cách kinh doanh này vì đã trải nghiệm được những rủi ro tỷ giá. Chỉ còn một số ít ngân hàng được phép giữ hộ vàng cho khách hàng, tuy nhiên lợi nhuận từ hoạt động này không đáng kể do mức phí ở mức rất thấp.

Chính phủ không những muốn NHNN nắm thế độc quyền trong huy động vàng nhằm hạn chế những rủi ro mà có lẽ còn muốn mở đường cho các giải pháp huy động vàng từ tổ chức và dân cư mà đã được nghiên cứu, bàn luận trong suốt thời gian qua.

Trong khi đó, có lẽ nhiều tổ chức tín dụng "thấm thía" những khoản lỗ trước đây với kinh doanh vàng tài khoản. Khi thị trường vàng luôn biến động khó lường cùng sự xuất hiện của nhiều "tay chơi" tổ chức đầy kinh nghiệm trên thế giới, có hệ thống giao dịch hiện đại và luôn cải tiến thì những "người chơi non trẻ” luôn là miếng mồi ngon. Vì vậy, vào năm 2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các NHTM phải tất toán trạng thái kinh doanh vàng tài khoản.

Chỉ có Ngân hàng Nhà nước được huy động vàng

Với Dự thảo Sửa đổi Nghị định 24 vừa được ban hành, Chính phủ khẳng định chỉ có NHNN mới được phép huy động vàng trong nền kinh tế và kinh doanh vàng tài khoản. Với quy định bổ sung này, Chính phủ không những muốn NHNN nắm thế độc quyền trong huy động vàng nhằm hạn chế những rủi ro mà có lẽ còn muốn mở đường cho các giải pháp huy động vàng từ tổ chức và dân cư đã được nghiên cứu, bàn luận trong suốt thời gian qua.

Số liệu được chấp nhận rộng rãi gần đây nhất là vẫn còn đến 500 tấn vàng trong dân, thậm chí có thể lên tới 1.100 tấn như đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Từ lâu Nhà nước mong muốn có những giải pháp huy động được nguồn lực này để phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là trong bối cảnh nguồn thu ngân sách và các chính sách tài khóa đang gặp nhiều hạn chế như hiện nay.

Rõ ràng với kênh phân phối bị giới hạn, NHNN không thể nào huy động vàng hiệu quả. Hiện tại NHNN chỉ có 63 chi nhánh nằm tại 63 tỉnh - thành. Vì vậy, một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua là Chính phủ hoặc NHNN có thể phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ vàng để chứng nhận quyền sở hữu số lượng vàng của tổ chức và cá nhân đã gửi theo một kỳ hạn xác định với mức lãi suất phù hợp.

Và khi cần thì người gửi có thể đem giấy tờ có giá tới NHNN để rút lại lượng vàng đã gửi, tất nhiên khi rút trước hạn sẽ không được hưởng mức lãi suất đầy đủ theo như các quy định về tiền gửi hiện nay.

Với cách thức này, người gửi vừa có thể hưởng lãi vừa không sợ lạm phát do hình thái tài sản gửi vào và rút ra đều giữ nguyên dưới dạng vàng miếng. Đứng về phía NHNN, rủi ro tỷ giá có thể được hóa giải bằng cách mở những trạng thái vàng tài khoản để cân đối với lượng vàng đã huy động được và chuyển sang các nguồn lực khác dưới dạng ngoại tệ hay VND. Đây có lẽ cùng là lý do quy định cho phép NHNN có thể kinh doanh vàng tài khoản.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của việc NHNN có thể huy động vàng là làm tăng hiện tượng vàng hóa trong nền kinh tế, vốn đã giảm dần trong suốt thời gian qua. Việc giữ vàng và có thể hưởng lãi suất thông qua các giải pháp huy động của Nhà nước có thể càng kích thích người dân tăng sở hữu vàng, khi đó nhu cầu nắm giữ vàng có thể quay trở lại và tác động mạnh lên giá của loại tài sản này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở đường huy động vàng trong dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO