"Mặc cả" lãi suất ?!

LÊ XUÂN| 07/01/2015 09:12

Chuyện mặc cả lãi suất không còn là một hiện tượng lạ trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM) suốt thời gian qua.

Chuyện mặc cả lãi suất không còn là một hiện tượng lạ trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM) suốt thời gian qua.

Đọc E-paper

Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay được niêm yết ở mức thấp, phổ biến 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,8 - 7,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,8 - 7,5%/năm.

Tổng giám đốc một NHTM nhận được câu hỏi "Vì sao lãi suất huy động của ngân hàng (NH) đang ở mặt bằng ổn định, nhưng có người vẫn có thể gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn niêm yết?". Ông này đã trả lời: "Là vì có NH tăng cao hơn để hút vốn, để giữ khách hàng".

Câu trả lời đã cho thấy một nguyên nhân của hiện tượng cạnh tranh xé rào, dù kín tiếng nhưng có thể bẻ ngược cả "đường cong lãi suất", gây nhiều rủi ro và bất ổn cho hệ thống NH.

Trong quá trình tái cấu trúc hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn nhắc nhở về "ngưỡng cạnh tranh", như một động lực văn hóa kinh doanh, nhằm lập lại thế ổn định tăng trưởng của ngành NH.

Tuy nhiên, câu trả lời của vị tổng giám đốc kia cho thấy cạnh tranh đã được nhìn nhận như là một động lực mang tính bản năng của doanh nghiệp (DN) kinh doanh tiền tệ. Nhưng lợi ích của những người làm NH lại không sòng phẳng đối với nhiều khách hàng.

Thực tế, hơn ai hết, vị tổng giám đốc kia biết rất rõ NHTM là một DN đặc biệt, không phải chỉ được quyền "đi vay" (huy động vốn tiền gửi), để cho vay (kinh doanh tín dụng), mà còn có nghĩa vụ tập trung vốn (tạm thời nhàn rỗi) của nền kinh tế để điều tiết lại (bằng cho vay) cho nền kinh tế.

Chính đây mới là đặc trưng gốc, lý do của mọi lý do khiến NHTM ra đời. Nên riêng về lãi suất, với tư cách là giá vốn, nó phải là kết quả của sự xác định điểm gặp gỡ cung - cầu về vốn một cách khoa học, phù hợp với lợi ích của cả ba đối tượng: người gửi tiền, NH và DN.

Hiện tại, nếu NH duy trì mặt bằng lãi suất cao, để cạnh tranh hút vốn, người gửi tiền có thể sẽ được lợi nhất. NH có thể có lợi trước mắt là tăng được vốn, giữ được khách hàng. Nhưng do phải cho vay ra với lãi suất cao nên gây bất lợi cho DN.

NHTM cũng sẽ chịu ảnh hưởng rủi ro khi do chi phí vốn vay đẩy giá thành sản phẩm lên quá cao, khiến hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho gia tăng, sản xuất của DN bị đình đốn...

Cho nên, các NHTM áp dụng mặt bằng lãi suất huy động hiện tại chỉ có các đối tượng gửi tiền nhỏ lẻ, cá nhân chịu thiệt, còn lại một số đối tượng vẫn có thể "trả giá” với NH. Thậm chí, một số cán bộ làm tín dụng cũng thừa nhận họ đang được chỉ đạo chiều theo khách hàng để giữ vốn cho NH, giống như một "kẻ tòng phạm" bất đắc dĩ!

Về lý thuyết, các NH luôn cho phép có sự thỏa thuận ngoài đối với những khách hàng tiềm năng. Chẳng hạn, một số DN sản xuất chia sẻ, dù lãi suất huy động giảm mạnh song DN này vẫn gửi trên 10 "chấm" tại một NH có thế mạnh về xuất nhập khẩu. Cũng theo vị giám đốc này, phần lớn DN đều được hưởng lãi suất tốt hơn so với những người gửi tiền bình thường.

Về điều hành công cụ lãi suất, NHNN phụ thuộc nhiều vào kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát. Dự báo chung năm 2015, lạm phát khoảng 2%, thậm chí có dự báo thấp hơn. Như vậy, NHNN điều hành bám sát mức lạm phát trung bình nên điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu 5% về cơ bản sẽ ổn định. NHNN sẽ bám sát diễn biến từng tháng, từng quý để có những điều hành chính sách phù hợp và về tăng trưởng tín dụng năm 2015 - dự tính trong khoảng 13 - 15%...

Tuy nhiên, kinh doanh dịch vụ tín dụng là một loại hình kinh doanh dịch vụ có chất lượng chuyên nghiệp đặc thù cao nhất nên đòi hỏi phải minh bạch nhất. Lãi suất là cốt yếu của kinh doanh dịch vụ tín dụng, nên hơn hết lãi suất phải minh bạch.

Và nhiệm vụ của NH là phải xây dựng được bộ giá vốn tín dụng một cách khoa học và đưa nó ra thị trường một cách hợp lý, bảo đảm tính khách quan và xác tín. Bởi đối với người dân bình thường, dù không có được lãi suất gửi tiết kiệm cao như kỳ vọng, nhưng cũng cần được công bằng với những khoản tiền gửi khác.

Sự minh bạch, như một nguyên tắc vận hành thị trường tín dụng có chất lượng chuyên nghiệp, đòi hỏi NH còn phải đứng về lợi ích của khách hàng, để giúp khách hàng lựa chọn đúng sản phẩm tiền gửi. Sự hiện diện của việc mặc cả lãi suất như là một lời tự thú về sự bất minh.

Theo một số chuyên gia, nếu nhìn nhận thấu đáo hiện tượng mặc cả lãi suất, có thể thấy những vấn đề lớn hơn là sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động tín dụng, tình trạng bất ổn của thị trường trong hệ thống NHTM...

Riêng trong tín dụng huy động vốn, sự thiếu chuyên nghiệp là nguyên nhân dẫn đến những lẫn lộn, thiếu niềm tin, cả ở phía khách hàng tiền gửi, đến nhân viên NH, khi đàm phán thỏa thuận hợp đồng tín dụng. Sự đàm phán thỏa thuận minh bạch về lợi ích, do thiếu niềm tin lẫn nhau, đã biến thành sự mặc cả may rủi.

Đến đây có thể đưa ra kết luận: Mặc cả lãi suất là một hiện tượng tiêu cực và đây là trách nhiệm của các NH. Thiết nghĩ, đối với một thị trường đang trong thời kỳ chuyển đổi như kinh tế thị trường Việt Nam, tính chuyên nghiệp và hiện đại của kinh doanh dịch vụ tín dụng càng phải minh bạch và đặc biệt coi trọng tính phù hợp mà không áp đặt.

Đặc biệt, trong những ngày cuối cùng của năm cũ, việc đáo hạn sổ tiết tiệm sẽ diễn ra đồng loạt, để đảm bảo lợi ích, người gửi tiền kỳ vọng các NHTM sẽ không còn để tình trạng người được mặc cả, người không đối với những khoản tiền gửi trong năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Mặc cả" lãi suất ?!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO