M&A giảm sở hữu chéo

LINH CHI| 06/06/2014 09:45

Chủ trương sáp nhập, hợp nhất (M&A) nhiều ngân hàng (NH) nhỏ, hoạt động yếu kém cũng là giải pháp để giảm tỷ lệ sở hữu chéo trong ngành NH.

M&A giảm sở hữu chéo

Chủ trương sáp nhập, hợp nhất (M&A) nhiều ngân hàng (NH) nhỏ, hoạt động yếu kém cũng là giải pháp để giảm tỷ lệ sở hữu chéo trong ngành NH.

Đọc E-paper

Vốn điều lệ các ngân hàng

Ngoài các NH quy mô vừa có kế hoạch sáp nhập (M&A), thì cũng không ít NH lớn trong ngành như: Vietcombank, VietinBank... cũng có ý định sẽ sáp nhập thêm một NH nhỏ để mở rộng quy mô. Theo lãnh đạo các NH này "chủ trương tái cấu trúc đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh chính là cơ hội để M&A".

> M&A Ngân hàng: Sóng không "ngầm"
> M&A ngân hàng: Chớ "ép duyên"
> M&A ngân hàng: Chuyện bàn tới năm sau
> M&A ngân hàng : Cộng và trừ
> M&A ngân hàng: To hơn chưa chắc tốt hơn

NHNN đang tiếp tục tiến hành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), sau khi đã triển khai đối với 9 đơn vị trong đợt 1. Sắp tới sẽ tiếp tục tái cơ cấu một số TCTD, trong đó sẽ xử lý từ 6 - 7 NH thông qua M&A. Trong số 9 TCTD tái cơ cấu đợt 1, chỉ còn GP Bank đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài vì họ sẽ mua lại 100% cổ phần của NH này.

Còn các NH khác cơ bản đã được khắc phục, tình hình tín dụng đã cải thiện, thoát đổ vỡ. Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết, đến nay 14/14, NHTMCP có trụ sở chính trên địa bàn TP.HCM đã xây dựng phương án cơ cấu lại giai đoạn 2013 - 2015 và trình Thống đốc NHNN phê duyệt.

Trên thực tế, Thống đốc NHNN đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 11 NH. Theo đó, 2 NH đã thực hiện phương án tái cơ cấu từ năm 2012 và được phê duyệt, gồm: SCB (hợp nhất từ Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Sài Gòn) và Navibank. Bên cạnh đó, có 9 NH đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại trong năm 2013 và quý I/2014 gồm Eximbank, ABBank, SaigonBank, NamAbank, VietcapitalBank, OCB, ACB, DongAbank, VietABank.

Ba NH còn lại chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu, gồm Sacombank, HDBank và SouthernBank. Trong đó, HDBank đã mua lại Công ty Tài chính SGVF và sáp nhập DaiAbank, Southernbank được NHNN chấp thuận về chủ trương sáp nhập vào Sacombank. Vì thế, khả năng thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank cũng sớm được thông qua đề án trong năm nay.

MaritimeBank và MeKong Bank đang gấp rút hoàn tất đề án sáp nhập và khả năng thương vụ này cũng sẽ sớm hoàn tất. Điều đáng chú ý là cổ đông chiến lược nước ngoài của MeKong Bank (FFH) sẽ bán lại 20% cổ phần cho Maritime Bank.

Tuy nhiên, theo phân tích, các thương vụ sáp nhập NH trên đều mang dáng dấp một vụ "cứu hộ” và gom về một mối để giảm tỷ lệ sở hữu chéo, thay vì có tự nguyện của 2 bên. Với thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, các đánh giá đưa ra cho rằng, Sacombank không cần thiết phải "ôm" thêm Southern Bank.

Bởi Southern Bank là một NH nhỏ yếu kém, tỷ lệ nợ xấu tăng trên 4% và chủ yếu nợ có khả năng mất vốn. Thế nhưng, do dáng dấp của hai NH này cùng chung một chủ sở hữu (cá nhân ông Trầm Bê và người thân trong gia đình sở hữu tỷ lệ vượt 20% cổ phần Southern Bank và trên 6% cổ phần tại Sacombank).

Vì thế, thương vụ Southern Bank sớm sáp nhập vào Sacombank đã được ấn định để chống sở hữu chéo. Maritime Bank chuẩn bị sáp nhập thêm MeKong Bank cũng có lý do tương tự với thương vụ trên khi tỷ lệ chi phối của Maritime Bank tại MeKong Bank trên 10%, đồng thời Maritime Bank sẽ mua lại 20% cổ phần của FFH tại MeKong Bank.

Qua đó, có thể thấy M&A trong lĩnh vực NH đang được đẩy mạnh là để giảm bớt những NH yếu kém, giảm tỷ lệ sở hữu chéo. Từ đó, ngành NH có thể nhanh chóng giải quyết được khó khăn về thanh khoản, xử lý nợ xấu... Theo kế hoạch triển khai và thực hiện đề án tái cấu trúc ngành, nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, đến cuối năm 2015, số NHTM từ 45 sẽ xuống còn trên dưới 20 NH.

Tuy nhiên, một lãnh đạo cấp cao trong ngành NH cho rằng, việc sắp xếp lại những NH yếu kém chỉ mới là một yếu tố trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, không đủ giải quyết vấn đề cơ cấu của ngành NH. Bởi vì, nếu tái cơ cấu hệ thống NH mà chỉ là sáp nhập, mua bán giữa các NH với nhau thôi là không đủ.

Đồng thời, nếu NH quá yếu sáp nhập vào NH lớn cũng chưa hẳn giải quyết được vấn đề, ngược lại sẽ kéo lùi NH này trong một thời gian đầu. Điều đó cũng phần nào cho thấy, M&A được xem là cơ hội để qua đó mở rộng quy mô hoạt động, tăng năng lực tài chính, song không phải tất cả các thương vụ M&A sẽ đạt được mục tiêu nói trên.

Theo ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi của Korea Investment & Securities, nếu xét về tỷ lệ nợ xấu thì đối với NH đã M&A, nợ xấu của NH mới sẽ nhiều hơn khi cộng lại từ hai tổ chức tín dụng trước đó.

Thực tế, theo thống kê về kết quả kinh doanh cũng như báo cáo tài chính của các NH đã M&A trong thời gian qua cho thấy, đã có phần được cải thiện hơn về nợ xấu. Nhưng ông Jin cho rằng, chưa thể nói là "sức khỏe" của các NH này đã cải thiện mạnh mẽ và hoàn toàn thoát khỏi tình trạng mất thanh khoản hay suy yếu về tài chính.

Để có thể "gánh" được một NH nhỏ trước bối cảnh khó khăn hiện nay, các chuyên gia tài chính cho rằng, cần thiết phải có một NH mạnh mới kỳ vọng giải quyết được những khó khăn nội tại của NH nhỏ. Vì thế, cùng với chủ trương đẩy mạnh sáp nhập và khuyến khích các NH nhỏ M&A trên tinh thần tự nguyện (như trường hợp DaiA Bank sáp nhập vào HDBank), cần thông qua các NHTM quốc doanh đẩy mạnh hơn sáp nhập.

Vì đây là "cánh tay" nối dài của NHNN. Đồng thời, các NH quốc doanh cũng có đủ tiềm lực vốn, có nghiệp vụ nên sáp nhập sẽ nhanh hơn khi Vietcombank, VietinBank sẽ tiến hành sáp nhập thêm một NH nhỏ khác. Hiện có nhiều NH muốn thông qua M&A mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh (BDI), cho rằng, để có thể "ôm" được một NH yếu trong lúc này đòi hỏi đơn vị sáp nhập phải vững mạnh mới có thể vượt qua khó khăn. Còn các NH nhỏ, yếu kém hợp nhất lại với nhau cũng cần phải mất một thời gian ít nhất 5 năm mới có thể hồi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A giảm sở hữu chéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO