M&A: Bi kịch của những tham vọng

BÌNH MINH| 21/06/2012 03:24

Toàn cảnh thị trường M&A thời gian qua không hiếm những thương vụ thâu tóm bị đổ vỡ giữa chừng, kéo theo đó là những khoản mất mát tiền tỷ.

M&A: Bi kịch của những tham vọng

Toàn cảnh thị trường M&A thời gian qua không hiếm những thương vụ thâu tóm bị đổ vỡ giữa chừng, kéo theo đó là những khoản mất mát tiền tỷ.

>> Nhận mặt các chiến thuật M&A

Đọc E-paper

Sự không thành công xuất phát từ những lý do khá phổ biến như: đánh giá không đúng mức về rủi ro pháp lý; động cơ của bên mua không thực sự rõ ràng; chiến lược hành động không được bảo mật kỹ lưỡng..., đẩy cả hai vào tình huống bi kịch. Vậy mới thấy thất bại cũng được xem là bài học đắt giá không kém gì những câu chuyện thành công.

Mới nhất, liên quan đến vụ thâu tóm Ngân hàng Sacombank (STB), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa ra quyết định xử phạt chính với 3 tổ chức và cá nhân do vi phạm chế độ báo cáo và công bố thông tin liên quan đến việc giao dịch cổ phiếu STB. Các cổ đông này nhận án vì trở thành cổ đông lớn Sacombank nhưng không công bố thông tin giao dịch.

Nhưng so với kết thúc mang tính bi kịch của Dược Viễn Đông (DVD), án phạt này mang tính giơ cao đánh khẽ, hoàn toàn không có tính răn đe do được công bố lúc cục diện vụ thâu tóm “khủng” đã ngã ngũ.

Xét về phương diện cá nhân, tình huống bi kịch nhất đã đến với ông Lê Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Dược Viễn Đông (DVD). Vào cuối năm 2010, ông Dũng bị tạm giam để điều tra. Sự kiện gây rúng động thị trường chứng khoán thời điểm đó. Không lâu sau việc điều tra hoàn tất.

Lúc này, nhiều tình tiết hậu trường liên quan đến vụ thâu tóm ồn ào mới được phơi bày ra ánh sáng. Cụ thể, theo cơ quan chức năng, giữa năm 2010, nhóm ông Dũng đã mở 11 tài khoản nhằm thực hiện việc mua đi bán lại cổ phiếu DHT lòng vòng.

Có lúc riêng nhóm ông Dũng đã chiếm tới 84% khối lượng mua và 64% khối lượng bán của cổ phiếu DHT trên thị trường. Chưa hết, dò theo mắt xích DHT, cơ quan điều tra tiếp tục khui ra nhiều thông tin động trời tại chính DVD. Đó là việc sau khi lên sàn vào cuối năm 2009, nhóm ông Dũng đã tiến hành nhiều giao dịch nội khối, tạo cung cầu ảo, tăng thanh khoản giả và nâng giá chính cổ phiếu công ty mình.

Cuối năm 2011, ông Dũng phải nhận bản án 4 năm tù vì tội danh thao túng giá chứng khoán.

Gieo gió, gặt bão

Thâu tóm bằng cách mua gom cổ phiếu trên sàn luôn tiềm ẩn các rắc rối về pháp lý như vụ DVD - DHT. Đồng thời, con đường này cũng khá mạo hiểm vì công ty mục tiêu dễ dàng phát hiện, thực hiện các biện pháp phòng vệ hiệu quả, đẩy người đi thâu tóm vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.

Trường hợp một nhóm nhà đầu tư (NĐT) định thâu tóm Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (VMG) và bị Ban điều hành tìm cách ngăn chặn là một minh chứng. Các thông tin trái chiều xung quanh đại hội cổ đông của VMG liên tục được tung ra khiến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội buộc phải ngưng giao dịch cổ phiếu này từ tháng 6 năm ngoái.

Không chỉ mất thanh khoản cổ phiếu một năm qua, trong năm 2011, VMG còn thua lỗ 13,4 tỷ đồng. Trong thương vụ thâu tóm này, bên mua sa lầy với khoản đầu tư của mình xét trên nhiều phương diện: cổ phiếu không còn thanh khoản để tìm đường thoái vốn rút lui, đầu tư hưởng cổ tức cũng không xong vì công ty ngày càng làm ăn bết bát, thua lỗ...

Lại có những trường hợp thâu tóm thành công, bên mua kiểm soát được mục tiêu nhưng mắc kẹt một cách chẳng giống ai. Trong cơn sốt cổ phiếu khoáng sản vài năm trước đây, tin tưởng công ty mục tiêu sở hữu các mỏ vàng lớn nên một nhóm NĐT tài chính ở TP.HCM không tiếc tiền bạc, vung tay mua gom, thâu tóm thành công một công ty khai khoáng ở Đà Nẵng bằng đòn “quyền phủ quyết”.

Đặt chân vào công ty niêm yết này ngót năm trời, các NĐT tài chính này mới lơ mơ hiểu thêm chút ít về ngành khai khoáng và nhận ra mỏ vàng chỉ tồn tại trên giấy. Đâm lao thì phải theo lao, hiện nhóm NĐT này vẫn sống ở TP.HCM điều hành công ty thai thác đá, cát, sỏi... cách đó 700km chủ yếu bằng điện thoại. Không biết bao giờ bên mua mới thu hồi vốn?

Nhà đầu tư cũng khóc

Đầu cơ ăn theo cổ phiếu thâu tóm là “mốt” trên thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2012. Trào lưu này gắn với cơ hội xuất hiện trong các thương vụ M&A đình đám như Eximbank - Sacombank, Ngân hàng Sài gòn - Hà Nội (SHB) - Habubank (HBB)...

Chính vì vậy, các tình huống dở khóc dở cười vốn dĩ chỉ xuất hiện với những người đi săn và kẻ bị săn đuổi lại xảy ra cả với các NĐT nhỏ lẻ. Đơn cử mới đây cổ phiếu VPK của Công ty CP Bao bì Thực vật tăng trần gắn với tin đồn bị Vinamilk thâu tóm. Khi nhiều NĐT nhỏ lẻ còn đang mải mê đua lệnh thì chính Vinamilk đã nhanh tay thoái hơn 14% cổ phần trong một buổi. 1,4 triệu cổ phiếu VPK bán ra của Vinamilk gấp vài chục lần so với mức giao dịch trung bình vài phiên trước đó!

Tương tự, khi thông tin HBB sáp nhập vào SHB chưa được công bố chính thức, nhiều phiên liền cổ phiếu HBB tăng trần và được sang tên với tốc độ chóng mặt tới vài chục triệu đơn vị/phiên. Khi tin được công bố chính thức, hiện HBB mất giá tới 30%. Số NĐT ăn theo ôm cổ phiếu giá trên đỉnh chắc hẳn không ít.

Tuy nhiên, họ còn may mắn có thể cắt lỗ, khác hẳn với cổ đông nhỏ trung thành với Descon (DCC). Không lâu sau khi nhóm Bình Thiên An giành thắng lợi tuyệt đối, DCC bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM hủy niêm yết bắt buộc do lỗi không công bố thông tin (bị nghi là cố tình). DCC trở thành cổ phiếu mất tích trên thị trường khiến các cổ đông một năm trước ủng hộ các nhân tố mới phải ngậm ngùi nuối tiếc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A: Bi kịch của những tham vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO