Lãi suất tăng trở lại?

KHÁNH PHƯƠNG| 12/01/2017 08:32

Một số ngân hàng đã tăng lãi suất ngay từ đầu năm 2017, như Eximbank, Sacombank, với mức tăng từ 0,1 - 0,2% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Lãi suất tăng trở lại?

Đến ngày 29/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,88%, huy động vốn tăng 18,38%, trong khi tín dụng tăng đến 18,71% so với năm 2015. Với tín dụng tăng trưởng cao hơn vốn huy động, rõ ràng mức độ thanh khoản của các ngân hàng đã giảm bớt so với giai đoạn trước đây. 

Đọc E-paper

Tăng ngay từ đầu năm

Một số ngân hàng đã tăng lãi suất ngay từ đầu năm 2017, như Eximbank, Sacombank, với mức tăng từ 0,1 - 0,2% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Cụ thể, Eximbank từ ngày 5/1 đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng lên 4,6%, 3 tháng lên 5% và 6 tháng lên 5,6%.

Sacombank cũng tăng lãi suất 0,2% ở kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng, cụ thể lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,9% lên 5,1%/năm, kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng tăng từ 5,9% lên 6%/năm. Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp của Sacombank từ giữa tháng 11 đến nay.

Trước đó, trong nửa cuối tháng 12 cũng đã có một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, như DongA Bank, VIB, VPBank, Tienphongbank. Hiện lãi suất bình quân kỳ hạn dưới 12 tháng nằm ở mức từ 4,8 - 6,3%, trong khi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức từ 6,9 - 7,4%.

Việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống còn 50% kể từ ngày 1/1/2017 được xem là nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng gần đây. Với nhu cầu rút vốn chi lương, thưởng và chi tiêu, mua sắm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút vốn.

Việc chủ động tăng lãi suất ngay từ đầu năm có thể cũng nhằm đón đầu dòng vốn đã rút ra kinh doanh sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết Đinh Dậu. Theo đó, ngân hàng nào có lãi suất tiền gửi càng cao sẽ càng dễ thu hút lượng vốn đầy tiềm năng này. Lịch sử cũng cho thấy dòng tiền gửi tại các ngân hàng thường tăng rất mạnh sau Tết.

>>Với người gửi tiền, lãi suất không là tất cả?

Một số thông tin gần đây về định hướng xử lý 5 ngân hàng, trong đó có 3 ngân hàng bị mua với giá 0 đồng và 2 ngân hàng thương mại cổ phần khác trong thời gian tới cũng đã có tác động lên tâm lý người gửi tiền và có thể đã ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi tại các ngân hàng này.

Trong khi đó, với nguồn kiều hối đổ về ngày càng cao trong thời điểm giáp Tết thì việc tăng lãi suất cũng giúp ngân hàng có thể khuyến khích khách hàng nhận kiều hối bán lại ngoại tệ, chuyển sang VND gửi tại ngân hàng, nhất là khi triển vọng tăng tỷ giá hiện nay đã không còn cao như trước đây.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,88%, huy động vốn tăng 18,38%, trong khi tín dụng tăng trưởng 18,71% so với năm 2015. Với tín dụng tăng trưởng cao hơn vốn huy động, mức độ thanh khoản của các ngân hàng đã giảm so với trước đây.

Điều này xuất phát từ nhu cầu vay vốn tăng mạnh trong quý IV vừa qua, trong khi nguồn tiền gửi vào các ngân hàng bị chững lại. Việc huy động tăng trưởng thấp hơn tín dụng cũng phần nào tác động đến lãi suất huy động của các ngân hàng, nhất là những ngân hàng đã đẩy mạnh tín dụng quá lớn trong năm qua.

Các ngân hàng cũng đang tích cực chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh năm nay, nhất là nguồn vốn kỳ hạn từ một năm trở lên để có thể chủ động nguồn vốn ổn định nhằm tăng trưởng tín dụng. Với lãi suất liên ngân hàng vẫn đang duy trì ở mức cao, thì việc tăng lãi suất để huy động vốn trên thị trường 1 vẫn có lợi và giúp ngân hàng có được nguồn vốn bền vững hơn.

Áp lực trong năm 2017

Dù lãi suất huy động có tăng trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn khá ổn định. Nhưng áp lực lên mặt bằng lãi suất trong năm 2017 là khá lớn, do lạm phát có thể tăng khi giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đã bắt đầu tăng trở lại từ năm 2016 đến nay. Lạm phát năm 2016 đã ở mức 4,74%, sau khi ổn định ở mức thấp trong 2 năm qua.

Tỷ giá tăng trước sự mạnh lên của đồng USD và triển vọng tăng lãi suất của FED dự báo cũng sẽ gây áp lực đáng kể lên lãi suất trong năm 2017, nhất là khi mức điều chỉnh tỷ giá trong năm 2016 chỉ 1,2%.

>>Kỳ vọng lãi suất của FED và tác động tới đồng USD

Trong khi đó, nhu cầu tăng lãi suất huy động của các ngân hàng để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn theo Thông tư 06, cụ thể tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tiếp tục giảm về 40% kể từ đầu năm 2018, thì với mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2017 có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu đảm bảo ổn định lãi suất cơ bản và phấn đấu giảm lãi suất trung và dài hạn như Chính phủ chỉ đạo.

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tốc độ tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ổn định lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, điều hành tỷ giá nhạy bén, ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất tăng trở lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO