Lãi suất hợp lý, nhu cầu vay vốn vẫn khó tăng

LINH CHI| 25/02/2016 02:57

Các ngân hàng đã nới rất rộng cửa cho vay vốn tiêu dùng trước và sau Tết Nguyên đán với lãi suất thấp, song tín dụng tiêu dùng chưa đạt kỳ vọng.

Lãi suất hợp lý, nhu cầu vay vốn vẫn khó tăng

Ngân hàng (NH) đã nới rất rộng cửa cho vay vốn tiêu dùng trước và sau Tết Nguyên đán với lãi suất thấp, song tín dụng tiêu dùng chưa đạt kỳ vọng.  

Đọc E-paper

Ồ ạt kích vốn rẻ

Vài năm trở lại đây, tài chính cho khách hàng cá nhân càng nở rộ và sôi động với đa dạng các gói tín dụng tiêu dùng, từ dịch vụ cho vay mua xe trả góp, mua sắm đồ điện tử gia dụng, đến cho vay tiền mặt tại quầy, cho vay sửa chữa, xây dựng nhà cửa... Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam năm 2015 đã tăng trưởng xấp xỉ 20%.

Không chỉ phía NH, nhiều người dân cũng bắt đầu ý thức được rằng tín dụng tiêu dùng cá nhân đã và đang giúp họ giải tỏa được "cơn khát" về nhu cầu mua sắm đáp ứng cho cuộc sống hiện đại. Đặc biệt với khách hàng trẻ, những người có thu nhập thấp, không thể đợi cho đến già mới tiết kiệm đủ tiền để mua nhà, mua ô tô và các đồ dùng gia đình khác.

Riêng dịp Tết vừa qua, theo khảo sát niềm tin người tiêu dùng của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam, trung bình người tiêu dùng chi tiêu khoảng 14,2 triệu đồng, cao hơn 4 triệu đồng so với Tết năm 2015.

Trong đó, một số khoản chi tiêu tăng như đi lại (tăng 283.000 đồng), thực phẩm (tăng 261.000 đồng), chi tiêu, hỗ trợ ngoài bản thân, gia đình (tăng 502.000 đồng)...

Với những điểm tích cực về tiêu dùng, dự kiến, con số chi tiêu này sẽ không dừng lại khi các NH liên tục triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất.

Thậm chí, nhiều NH sẽ tham gia sâu vào cuộc đua kích cầu với nhiều gói tín dụng tiêu dùng chất lượng cao cùng lãi suất và khuyến mại hấp dẫn, đáp ứng mọi nhu cầu của người vay.

Ví dụ, gói tín dụng "Tiếp vốn khởi động, tiếp sức thành công" của NH TMCP Nam Á lên đến 2.500 tỷ đồng cùng lãi suất cạnh tranh, chỉ từ 6,5 - 7%/năm. Khi tham gia gói tín dụng này, người vay không chỉ được vay lãi suất ưu đãi mà còn được vay vốn và trả nợ bằng nhiều phương thức.

Hay cùng nhiều ưu đãi khác như giảm 50% phí khi sử dụng các loại dịch vụ bảo lãnh tại Nam A Bank, được ký quỹ 0% khi tham gia dịch vụ bảo lãnh dự thầu.

Với VPBank, khách hàng có thể lựa chọn hai mức lãi suất khi vay tín chấp không tài sản đảm bảo, từ 9,99% và 14,99% một năm, tùy vào thời gian cố định lãi suất. VietinBank cho biết, sẵn sàng tặng ngay quà nội thất nhà hoặc xe cho khách hàng vay mua ôtô, mua nhà trong dịp sát Tết...

Nhìn chung, lãi suất cho vay tiêu dùng của nhiều NH tính đến thời điểm này chỉ còn 6 - 7%/năm. Đối với một số loại hình đặc biệt, hay lĩnh vực vay phục vụ kinh doanh có nhu cầu vốn ngắn hạn, lãi suất còn giảm hơn cả mức này.

Không chỉ giảm lãi suất về mức thấp nhất, các NH còn cộng thêm nhiều dịch vụ tiện ích cho người vay để giảm giá vốn.

Chưa đạt kỳ vọng

Tuy nhiên, những chương trình tín dụng mà các NH triển khai gần đây dù rất hấp dẫn nhưng kết quả không được như kỳ vọng. Tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng của các NH không cao.

Xét theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế ngân hàng nhà nước (NHNN), đến 20/1, tín dụng nền kinh tế giảm 0,21% so với cuối năm 2015.

 Về lý thuyết, tín dụng giảm là do yếu tố mùa vụ thường thấy, tuy nhiên một số lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) cũng thừa nhận việc kinh doanh trong năm 2016 chưa thực sự dễ dàng.

Nói như một Phó tổng giám đốc Techcombank, các chương trình khuyến mãi cho vay ưu đãi từ tháng 12/2015 đến nay phản ánh rất sát tình hình thị trường.

Đơn cử, tại Techcombank, chương trình cho vay lãi suất rẻ được triển khai từ đầu tháng 12/2015 đến nay, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt được khoảng 0,2% so với chỉ tiêu NH đưa ra ban đầu là tăng 1%.

Động thái của nhiều NH cũng cho thấy, nguồn vốn khả dụng đang ứ đọng là rất lớn và kỳ vọng đẩy được tín dụng tăng trưởng trong mùa kinh doanh của doanh nghiệp trước Tết Nguyên đán.

Một lãnh đạo NH cho biết, so với các năm trước, nhu cầu vốn của người dân không cao bằng. Nguyên nhân kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn.

"Nhu cầu về đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với các năm, việc tính toán lựa chọn triển khai dự án cũng rất thận trọng. Từ thực tế khó khăn cũng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế sức tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp", vị này chia sẻ.

Thực tế, từ thời điểm cuối năm, sau khi cơ cấu lại nợ, nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn không cao, kể cả khi mùa vụ kinh doanh cuối năm cận kề. Theo đó, việc tăng trưởng tín dụng không cao như kỳ vọng mà các NHTM đặt ra.

Với nhiều người, thị trường phản ánh không còn mang tính mùa vụ như những năm trước và lãi suất không phải là yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp trong vay vốn, bởi lãi suất đã và đang giảm rất nhanh, giảm mạnh.

Cụ thể, năm nhóm lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay không quá 9%/năm. Thậm chí, trong một số chương trình cho vay nhà ở, tiêu dùng..., lãi suất đã về mức hợp lý nhất của thời kỳ trước suy thoái 2008.

>9 tháng đầu năm, tín dụng tiêu dùng tăng đột biến

>Năm 2016, lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại?

>Hạ lãi suất USD: Khó kỳ vọng lãi suất cho vay giảm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất hợp lý, nhu cầu vay vốn vẫn khó tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO