Lại là cổ phiếu ngân hàng

SONG HÀ| 03/03/2012 09:44

Kể từ đợt tăng điểm ngày 9/1, các cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá mạnh bất luận lớn nhỏ. Sau một thời gian dài mất ngai, cổ phiếu “vua” một thời lại trở thành điểm nóng. Nhóm lên ngọn lửa chính là các thông tin khá lùm xùm xoay quanh việc Eximbank (mã cổ phiếu EIB) gom cổ phần của Sacombank (mã cổ phiếu STB).

Lại là cổ phiếu ngân hàng

Kể từ đợt tăng điểm ngày 9/1, các cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá mạnh bất luận lớn nhỏ. Sau một thời gian dài mất ngai, cổ phiếu “vua” một thời lại trở thành điểm nóng. Nhóm lên ngọn lửa chính là các thông tin khá lùm xùm xoay quanh việc Eximbank (mã cổ phiếu EIB) gom cổ phần của Sacombank (mã cổ phiếu STB).

Dù thị trường đi lên trong sự ngờ vực, dù nền kinh tế còn đang nhiều khó khăn, dù nhiều vấn đề còn chưa có câu trả lời cho rõ, thì diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang… rất ổn.

Từ trạng thái “lâm bệnh” với giao dịch èo uột, kể từ khi lập đáy vào tuần đầu tháng 1-2012, đến nay thị trường đã có bước tăng trưởng ngoài sự kỳ vọng. Quan trọng hơn cả là thanh khoản đã có thay đổi đột biến - yếu tố quan trọng xác nhận sự thay đổi xu hướng của thị trường.

Sắc diện mới của thanh khoản

Mức thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã lên đến con số trong mơ “nghìn tỉ”. Thậm chí có những phiên giao dịch lên đến 1.800 tỉ đồng trên cả hai sàn, vượt xa con số 400-500 tỉ đồng trong giai đoạn cuối năm 2011.

Từ trạng thái thẫn thờ, không có lấy một tia hy vọng về sự hồi sinh, sự phục hồi bất ngờ của thị trường chứng khoán một lần nữa nhắc lại rằng thị trường này luôn song hành cùng sự bất ngờ, bất ngờ đến vô lý.

Trong một thời gian dài, các phương tiện thông tin đại chúng đã nhắc đi nhắc lại rằng cổ phiếu đã quá rẻ khi mất tới 70 - 80% giá trị thị trường nhưng giới đầu tư không hề phản ứng.

Thế mà, sau khi kết thúc tuần đầu tiên giao dịch của năm Nhâm Thìn, xu hướng tăng của thị trường ngày càng được khẳng định trong bối cảnh thông tin hỗ trợ còn khá mờ mịt.

Tuần cuối tháng 2, thị trường được chứng kiến sự phấn khởi của dòng tiền. Thanh khoản đã tăng rất mạnh trong tuần, bình quân giá trị giao dịch mỗi ngày đạt khoảng 1.300 tỉ đồng trên cả hai sàn.

Dòng tiền trở lại với thị trường một phần là đầu cơ, nhưng bên cạnh đó cũng phải kể đến sự thức tỉnh của dòng vốn đầu tư khi nhiều dấu hiệu cho thấy niềm tin đang quay trở lại.

Vấn đề đặt ra là liệu khi một mặt bằng giá mới được hình thành thì thanh khoản còn tiếp tục được duy trì và tăng lên để tiếp “bơm máu” cho nhịp đập thị trường hay không.

Khối lượng giao dịch tăng mạnh (đặc biệt trong phiên giao dịch 24/2 với hơn 1.800 tỉ đồng trên cả hai sàn) đã khiến cho một bộ phận nhà đầu tư cảm thấy lo lắng về áp lực chốt lời tại các phiên điều chỉnh.

Vì vậy giá trị giao dịch trên HoSE cần được tiếp tục duy trì ở mức trên 1.000 tỉ đồng, khi đó thị trường mới có đủ lực để hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức và những nhà đầu tư cá nhân có quan điểm thận trọng quay trở lại với chứng khoán.

Về thông tin hỗ trợ, đáng chú ý hơn cả là động thái giảm lãi suất của các ngân hàng lớn. Ngoài BIDV, Vietcombank đã công bố giảm lãi suất cho vay xuống thấp nhất 14,5%/năm vào đầu năm, gần đây Vietinbank, Agribank cũng công bố giảm lãi suất cho vay…

Cộng thêm hai yếu tố quan trọng, một là, sự thành công liên tiếp trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ; hai là, so với mức tăng của tháng 2/2011 thì CPI cùng kỳ năm nay thấp hơn, xu hướng giảm của lãi suất đang dần được khẳng định trên thực tế.

“Ngân hàng” nổi sóng

Kể từ đợt tăng điểm ngày 9/1, các cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá mạnh bất luận lớn nhỏ. Sau một thời gian dài mất ngai, cổ phiếu “vua” một thời lại trở thành điểm nóng.

Nhóm lên ngọn lửa chính là các thông tin khá lùm xùm xoay quanh việc Eximbank (mã cổ phiếu EIB) gom cổ phần của Sacombank (mã cổ phiếu STB).

Câu chuyện này đang chưa rõ thực hư nhưng khiến cho giới đầu tư “phát sốt” khi bất ngờ Eximbank phát đi thông báo rằng, mặc dù nắm 9,37% cổ phần của Sacombank nhưng Eximbank đã được ủy quyền 51% quyền biểu quyết và Eximbank đưa ra yêu cầu bầu lại toàn bộ hội đồng quản trị của ngân hàng “bạn” là Sacombank.

Những thông tin này không khiến cho giới đầu tư tránh xa như thường lệ đối với những sự việc rắc rối, ngược lại còn khiến cổ phiếu STB trở thành điểm nóng với giá trị giao dịch bình quân tăng cao, giá cổ phiếu STB cũng vì thế liên tục tăng.

Ở “đầu cầu” Hà Nội, khối lượng giao dịch cũng tăng đột biến chủ yếu do cổ phiếu Ngân hàng Habubank (HBB). Một số liệu thống kê cho thấy, bình quân trong 10 phiên gần đây HBB giao dịch 7,3 triệu cổ phiếu/phiên.

Riêng trong tuần từ 19 đến 24/2, khối lượng giao dịch bình quân của HBB lên đến hơn 12 triệu cổ phiếu/phiên.

Để trấn an dư luận trước thông tin về vụ thâu tóm STB, ngày 22/2/2012, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo khẳng định, tất cả những thông tin về vụ thâu tóm Sacombank là chưa có cơ sở và không chính thức.

Cơ quan quản lý còn cho biết, sẽ khẩn trương làm rõ các nguồn tin để có biện pháp xử lý thích hợp. Trong lúc chờ những thông tin chính thức làm sáng tỏ sự việc, cổ phiếu STB tiếp tục hành trình “màu tím”.

Những tin đồn càng làm giới đầu tư quan tâm hơn tới cổ phiếu ngân hàng. Và với mức ảnh hưởng không nhỏ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường chứng khoán đang tiếp tục sự hào hứng.

Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 27/2, mặc dù hàng loạt cổ phiếu tăng giá nhưng VN-Index vẫn khó chạm ngưỡng 430 điểm. Chỉ số này buộc phải dừng lại ở mức 428,41 điểm khi đóng cửa thị trường do tác động xấu từ hai cổ phiếu lớn BVH và VIC. Khối lượng, giá trị giao dịch vẫn duy trì ở mức khá cao với 63,78 triệu cổ phiếu trao tay, đạt giá trị 895 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lại là cổ phiếu ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO