Lãi khủng vẫn trả cổ tức bèo

02/05/2013 09:29

Chưa năm nào chuyện cổ đông và ban lãnh đạo cò kè nhau từng đồng cổ tức phổ biến như mùa đại hội năm nay.

Lãi khủng vẫn trả cổ tức bèo

Chưa năm nào chuyện cổ đông và ban lãnh đạo cò kè nhau từng đồng cổ tức phổ biến như mùa đại hội năm nay.

Mùa đại hội năm nay không yên ả khi xuất hiện những cuộc tranh luận nóng bỏng xoay quanh mục tiêu kinh doanh, lương thưởng của ban lãnh đạo và tỷ lệ chi trả cổ tức.

Mùa đại hội cổ đông năm nay nóng chuyện chia cổ tức .

Đại hội cổ đông của Công ty Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã HBC) sôi nổi hẳn lên khi nhiều ý kiến đề xuất Hội đồng quản trị trích một phần lợi nhuận để nâng cổ tức lên 20% thay vì 10%. Theo cổ đông, 10% là quá thấp vì 2012 doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 132 tỷ đồng, bằng 88,6% so với 2011.

Có cổ đông còn đề xuất Hội đồng quản trị trích quỹ dự phòng và một phần lợi nhuận để tăng gấp đôi mức chia cổ tức mà không ảnh hưởng gì đến chỉ số an toàn tài chính.

Chủ tịch Hòa Bình phân trần, chia cổ tức đồng nghĩa với vốn của công ty sẽ giảm. Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp phải tập trung vốn để theo đuổi nhiều cơ hội đầu tư, thậm chí phải dùng đòn bẩy tài chính ở tỷ lệ cao nhất có thể. Vì vậy, việc chia cổ tức không nên trở thành gánh nặng quá mức đối với dòng vốn chủ sở hữu trong thời điểm này.

Xếp thứ hạng cao trong lĩnh vực chứng khoán và luôn hoàn thành kế hoạch kinh doanh, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (mã SSI) tiếp tục chia cổ tức 2012 chỉ 10%. Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận trước thuế năm 2012 đạt 487,3 tỷ đồng, tăng 285% so với 2011. Do vậy, cổ đông đã đề xuất Hội đồng quản trị xem xét tăng cổ tức trong năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp nhận.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI cho hay, lợi nhuận lớn mới chia cổ tức cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu đẩy kế hoạch lợi nhuận lên cao sẽ rất rủi ro, khi đó kết quả đạt được có thể không như mong đợi, thậm chí lỗ hoặc mất vốn.

Do vậy, năm 2013, SSI đưa ra kế hoạch thận trọng để duy trì sự tồn tại và phát triển bền vững. Khi kinh tế phục hồi, lợi nhuận cao, cổ phiếu SSI sẽ hấp dẫn hơn nhiều, khi ấy cổ tức sẽ được điều chỉnh.

Năm qua, Công ty cổ phần chứng khoán Vietinbank (VietinbankSC) vượt kế hoạch với mức lãi 72,7 tỷ đồng. Công ty dự tính chia cổ tức 2012 là 8% nhưng đến khi trình đại hội thường niên 2013 rút xuống còn 6%. Cổ đông liên tục thắc mắc nhưng Chủ tịch Đỗ Thị Thủy nhận định cổ tức 6% cho năm 2012 và dự kiến 8% cho 2013 là hoàn toàn hợp lý.

Bà Thủy lý giải, hiện đã hết quý I, nhưng nền kinh tế vẫn chưa thể hiện tín hiệu khởi sắc. Nếu năm nay thực sự đạt chỉ tiêu tăng trưởng 20%, thị trường diễn biến thuận lợi, công ty sẽ xem xét nâng tỷ lệ cổ tức.

Nổi bật trong ngành sản xuất, lợi nhuận sau thuế 2012 vượt kế hoạch tới 64 tỷ đồng, Công ty cổ phần cơ điện lạnh (mã REE) chia cổ tức 16% khiến cổ đông không mấy hài lòng và đề nghị tăng lên 20%.

Để thuyết phục cổ đông, ông Dominic Scriven, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị giải thích, tính ra tỷ lệ cổ tức của REE cao hơn hẳn lãi suất trái phiếu chính phủ (chỉ trên 7%). Mặt khác, phần lãi của doanh nghiệp có được một phần nhờ lợi nhuận bất thường. Trong chính sách cổ tức, những khoản bất thường không nên chia và tạm giao lại cho công ty để đầu tư, tạo vốn bền vững.

Tình trạng trốn cổ tức cũng xảy ra phổ biến hơn trong mùa đại hội năm nay. Những tên tuổi lớn như Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Tập đoàn Masan (mã MSN); Công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vitaco (VTO)... cũng không định trả cổ tức.

Đánh giá về tình hình trên, ông Trương Duy Khiêm - Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát - Công ty chứng khoán ABCS cho rằng, việc chia cổ tức ở mức thấp hay cao còn phụ thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nhận thấy sức đề kháng trong 2013 bị suy giảm chắc chắn sẽ phải phòng thủ. Do vậy, cổ đông nên chia sẻ với doanh nghiệp, có như vậy doanh nghiệp mới phát triển bền vững và thẳng tiến trong tình hình kinh tế khó khăn.

Theo ông, doanh nghiệp chia cổ tức ít đều có lý do. Nhiều công ty dùng khoản tiền đó đầu tư vào những hạng mục mới. Họ trích dự phòng, đảm bảo chỉ số an toàn tài chính, tránh rủi ro khi nền kinh tế suy yếu… Những lý do chính đáng này đáng để nhà đầu tư ở lại với doanh nghiệp.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính Đại học Kinh tế TP HCM cho hay, theo Luật doanh nghiệp, công ty chỉ được chia cổ tức khi có lợi nhuận, nhưng không bắt buộc tất cả doanh nghiệp có lãi phải trả cổ tức. Trường hợp thua lỗ, các đơn vị không phải thanh toán.

Như vậy, khi làm ăn có lãi, việc chia cổ tức hay không, tỷ lệ bao nhiêu là sự thỏa thuận của cổ đông và ban lãnh đạo. Mức chia có thể bằng 0 hoặc vài chục phần trăm.

Theo ông Chí, hiện tình trạng doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng chia cổ tức thấp hoặc không trả là điều bình thường. Người điều hành nắm rõ tiềm lực tài chính, sức khỏe của công ty hơn ai hết nên họ đề xuất mức chi trả cổ tức thích hợp với bối cảnh kinh doanh.

Ngoài ra, những biến động trên thị trường tài chính vừa qua đã khiến nhiều ông chủ ngộ ra nhiều điều như: rủi ro về lãi suất, tín dụng đe dọa đến hoạt động của công ty. Vì vậy, doanh nghiệp cần giữ lại lợi nhuận nhiều hơn so với việc chi trả để kiểm soát mức độ vay nợ. Việc giữ lại lợi nhuận để dự phòng cho những khoản như: bán chịu, trả chậm, tồn kho, mở rộng thị trường… cho nên hạn chế khoản chi trả cổ tức.

"Nhà đầu tư nên nhìn vào giá trị công ty tăng trưởng như thế nào, định hướng trong tương lai của họ ra sao, ban lãnh đạo là ai, điều hành công ty như thế nào hơn là chỉ nhăm nhe tỷ lệ cổ tức cao hay thấp", ông Chí chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi khủng vẫn trả cổ tức bèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO