Kỳ vọng gì cho lãi suất?

LÊ PHAN| 17/05/2017 08:39

Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã trở lại trạng thái khá ổn định kể từ đầu tháng 4 đến nay.

Kỳ vọng gì cho lãi suất?

Sau áp lực từ lạm phát và tỷ giá cũng như động thái đẩy lãi suất phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn lên cao của một số ngân hàng trong quý I, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã trở lại trạng thái khá ổn định kể từ đầu tháng 4 đến nay.  

Đọc E-paper

Ngoại trừ một số ngân hàng nhỏ như Bản Việt, GPBank, Nam Á tăng nhẹ lãi suất trung hạn từ 12 tháng trở lên, hầu hết các ngân hàng đều ổn định mặt bằng lãi suất như hiện tại, nhất là ở các kỳ hạn ngắn, thậm chí có ngân hàng còn giảm lãi suất đầu vào để giảm chi phí huy động vốn trong bối cảnh đầu ra chưa tăng trưởng tốt như mục tiêu đề ra.

Thanh khoản ổn định

Không phải ngẫu nhiên mà mặt bằng lãi suất hiện nay ổn định trở lại sau giai đoạn chịu nhiều áp lực kể từ cuối năm trước cho đến đầu quý I vừa rồi.

Thứ nhất, áp lực thanh khoản trong giai đoạn đầu năm chỉ diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng, nhất là một số ngân hàng cận kề tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm từ 60% xuống còn 50% từ đầu năm 2017, còn nhìn chung thanh khoản của đa số ngân hàng vẫn khá ổn định.

Thứ hai, việc bơm hút nhịp nhàng trên thị trường mở (OMO) và tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để hỗ trợ thanh khoản cũng giúp các ngân hàng không phải chịu quá nhiều áp lực đẩy lãi suất huy động trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức). Thậm chí một số ngân hàng có nguồn vốn dồi dào tiếp tục rót vốn mạnh vào thị trường trái phiếu.

Thống kê cho thấy tính từ đầu năm đến ngày 12/5 đã có hơn 102.000 tỷ đồng đổ vào thị trường trái phiếu chính phủ, tỷ lệ giá trị trúng thầu trên giá trị gọi thầu ở mức tương đối cao là 76%. Đáng chú ý là tỷ lệ giá trị đăng ký trên giá trị gọi thầu lên đến 235%, riêng kể từ đầu tháng 4 đến nay, tỷ lệ này đến 250%, cho thấy nguồn vốn các ngân hàng gần đây đã dồi dào trở lại, do đó mới mạnh dạn đổ tiền vào thị trường trái phiếu.

>>Doanh nghiệp dễ tìm vốn hơn từ trái phiếu?

Một số dự báo trước đây cho rằng lạm phát và tỷ giá sẽ là 2 yếu tố gây áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất trong năm 2017, tuy nhiên với những gì đang diễn ra cho thấy 2 yếu tố này vẫn trong tầm kiểm soát. Lạm phát dù tăng nhanh trong tháng đầu năm nhưng kể từ đó đã giảm dần và ngày càng cho thấy tín hiệu ổn định.

Cụ thể, nếu như tháng 1 chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước tăng đến 0,46%, thì tháng 2 và 3 chỉ còn tăng lần lượt là 0,23% và 0,21%, đến tháng 4 vừa rồi không tăng so với tháng 3.

Về tỷ giá USD/VND, dù theo xu hướng đi lên nhưng vẫn tăng chậm và trong tầm kiểm soát của NHNN. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng gần 1%, trong khi tỷ giá mua bán tại các ngân hàng thương mại (NHTM) và trên thị trường tự do thậm chí còn giảm so với đầu năm nay.

Cụ thể như tại Vietcombank, tỷ giá mua vào và bán ra vào đầu ngày 15/5 giảm 65 đồng, tương ứng mức giảm 0,33%, trong khi tỷ giá thị trường tự do giảm đến 1,5% so với thời điểm đầu năm nay.

Kỳ vọng lãi suất

Lãi suất đã vượt qua "sóng gió" trong giai đoạn đầu năm, thường là giai đoạn căng thẳng về nguồn vốn kinh doanh và thanh khoản của các ngân hàng cũng chịu nhiều áp lực, thì kỳ vọng lãi suất trong thời gian tới tiếp tục ổn định hoặc thậm chí giảm thêm là không phải không có cơ sở, nhất là khi nguồn vốn huy động trong quý II và quý III của các ngân hàng thường tăng trưởng nhanh hơn so với giai đoạn đầu năm.

Nếu như lạm phát và tỷ giá tiếp tục ổn định và nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành thì các ngân hàng càng có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng nguồn tiền gửi VND. Cần lưu ý là lãi suất huy động trên thị trường 1 của nhóm 4 NHTM nhà nước Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank vẫn duy trì ổn định ở mức thấp kể từ tháng 9 đến nay, thời điểm các ngân hàng này điều chỉnh giảm lãi suất huy động, dù vậy huy động vốn vẫn có sự tăng trưởng.

Thống kê báo cáo tài chính quý I cho thấy tiền gửi khách hàng của BIDV tăng 5%, Vietinbank tăng 1,8%, Vietcombank tăng 3,2%. Việc 3 ngân hàng này duy trì lãi suất ổn định ở mức thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường là rất quan trọng, vì nguồn tiền gửi từ khách hàng ở những ngân hàng này khi đó có thể chảy sang những ngân hàng nhỏ với lãi suất cao hơn một ít, do đó giúp các ngân hàng nhỏ đảm bảo được thanh khoản mà không cần tăng lãi suất lên cao hơn nữa.

Thực tế thời gian qua cho thấy lãi suất của các NHTM nhà nước gần như là công cụ được sử dụng để định hướng lãi suất thị trường.

>>Kinh doanh khi “lãi suất cao nhất thế giới”

Nếu lãi suất huy động đầu vào ổn định thì sẽ là cơ sở để lãi suất cho vay ổn định theo hoặc thậm chí là giảm thêm theo định hướng của cơ quan điều hành. Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, mục tiêu phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay tiếp tục được đặt ra, theo đó Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Rõ ràng với tăng trưởng GDP quý I ở mức quá thấp, thì áp lực tăng trưởng sẽ đè nặng lên 3 quý còn lại. Trong bối cảnh chính sách tài khóa đang bị hạn chế, chính sách tiền tệ có thể cần phải tiếp tục được nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng là điều cần thiết. Theo đó các ngân hàng phải phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong điều kiện lãi suất ổn định. Có như thế mới kích thích được doanh nghiệp vay vốn, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ vọng gì cho lãi suất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO