Kiều hối sụt giảm là nhất thời?

HỒ LÊ| 15/12/2016 01:15

Nguồn kiều hối đổ về để kiếm chênh lệch lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục chậm lại hoặc suy giảm về lâu dài. Còn nguồn kiều hối bị ảnh hưởng từ chính trường Mỹ thì khó thể dự báo vì tùy thuộc vào hành động của tân Tổng thống Mỹ.

Kiều hối sụt giảm là nhất thời?

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thường xuyên nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối cao nhất. Từ 2012 - 2015, lượng kiều hối đổ vào Việt Nam luôn duy trì trên 10 tỷ USD/năm, riêng năm nay, dự báo chỉ đạt 9 tỷ USD. 

Đọc E-paper

Mức sụt giảm kiều hối năm 2016 so với 2015 theo ước tính đến 26,5%, được xem là khá lớn. Đáng chú ý là tại TP.HCM - địa bàn nhận từ 50 - 55% tổng kiều hối hằng năm của cả nước thì đến hết tháng 11/2016 chỉ mới đạt khoảng 4,3 tỷ USD và dự kiến cả năm khoảng 5 tỷ USD, thấp hơn 10% so với mức dự ước 5,5 tỷ USD.

Lỗi tại lãi suất giảm và... ông Trump?

Theo một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có 30% lượng kiều hối được gửi vào ngân hàng để lấy lãi, 20% mua vàng để tích trữ, hơn 16% đổ vào bất động sản, 30% được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, 5 - 7% dành cho tiêu dùng.

Thống kê của các công ty kiều hối cũng cho thấy hầu hết lượng kiều hối chuyển về nước thường nằm lại ngân hàng dưới dạng tài khoản tiền gửi, tiền tiết kiệm bằng USD hoặc VND.

Trước đây chênh lệch lãi suất USD giữa Việt Nam và Mỹ thường rất cao, nên đã kích thích dòng vốn từ Hoa Kỳ đổ vào Việt Nam dưới dạng kiều hối để gửi ngân hàng. Thống kê cho thấy, nếu như đầu năm 2008, thời điểm lãi suất cơ bản đồng USD tại Mỹ ở mức 3%, thì mức chênh lệch lãi suất USD giữa Việt Nam và Mỹ chỉ ở mức 1 - 2%. Mức chênh lệch này đạt đỉnh tại mức 5% ở Việt Nam vào cuối năm 2008, cũng là lúc Mỹ giảm lãi suất về mức thấp kỷ lục 0 - 0,25%.

Mức chênh lệc kỷ lục này đã duy trì cho đến năm 2011 và sau đó hạ dần đều theo mức điều chỉnh trần lãi suất huy động USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể từ 3% xuống 2%, 1,25%, 1%, 0,75%, 0,25% và cuối cùng về 0% kể từ 18/12/2015.

Giờ đây với việc lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam là 0%, lãi suất cơ bản đồng USD tại Mỹ đã tăng lên 0,5% kể từ tháng 12 năm ngoái thì dĩ nhiên sẽ hạn chế lượng kiều hối với mục đích gửi tiền ăn chênh lệch lãi suất.

>>Hai mặt của kiều hối

Còn đối với lượng kiều hối rót vào Việt Nam và chuyển sang tiền gửi VND thì mặc dù lãi suất tiền gửi VND cao nhưng với lạm phát khoảng trên dưới 5% và áp lực phá giá tiền đồng sẽ gần như bào mòn hết phần lợi nhuận từ lãi tiền gửi, do đó kênh đầu tư này cũng không còn hấp dẫn đối với nguồn kiều hối. Chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cấu trúc mạnh ngành ngân hàng khiến người gửi tiền trở nên e dè hơn.

Trong khi đó, giá vàng tại Việt Nam và thế giới tiếp tục chênh lệch ở mức cao, thì nguồn kiều hối rót vào để mua vàng tích trữ xem ra quá thiệt hại.

Năm 2016, lượng kiều hối còn bị ảnh hưởng từ diễn biến trên chính trường nước Mỹ, vì ảnh hưởng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với sự kiện Donald Trump đắc cử. Ông Trump với chính sách bảo hộ nền kinh tế trong nước và mở rộng tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ không những sẽ thu hút dòng vốn từ các quốc gia khác đổ về mà sẽ còn thu hút nguồn vốn nội tại của nước Mỹ.

Theo chiều hướng ngược lại, nếu lo ngại những bất ổn và khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra trong thời kỳ cầm quyền của ông Trump, thì Việt kiều tại Mỹ có thể phải tăng cường tích lũy nguồn thu nhập để đề phòng bất trắc.

Quá khứ cũng cho thấy thời điểm khủng hoảng kinh tế thì lượng kiều hối bị sụt giảm. Một nguyên nhân nữa là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự không tham gia của Mỹ khiến nguồn kiều hối đổ về Việt Nam đón đầu TPP gần như không còn.

Khó dự báo

Nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam chủ yếu đến từ 4 nguồn chính là kiều hối, vốn FDI, kim ngạch xuất khẩu và vốn ODA, trong đó nguồn vốn kiều hối chiếm tỷ trọng đáng kể. Với lượng kiều hối sụt giảm, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam và về lầu dài nếu không được cải thiện sẽ phần nào làm hạn chế các chính sách tỷ giá.

Với những doanh nghiệp, hộ gia đình từ trước đến giờ vẫn nhận được nguồn ngoại tệ hỗ trợ từ kiều hối thì khi nguồn vốn này giảm hẳn, buộc phải tìm đến các khoản vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính dĩ nhiên sẽ tăng lên.

Với 16% lượng kiều hối đổ vào nhà và đất thì nếu nguồn vốn này suy yếu sẽ tác động lên thị trường bất động sản vốn vừa mới hồi phục.
Với những hệ quả như trên, câu hỏi đặt ra là liệu sự sụt giảm này chỉ là trước mắt hay có thể tiếp tục trong thời gian tới?

Rõ ràng với nguồn kiều hối đổ về để kiếm chênh lệch lãi suất tiền gửi thì có thể tiếp tục chậm lại hoặc suy giảm về lâu dài. Còn với nguồn kiều hối bị ảnh hưởng từ chính trường Mỹ thì khó có thể dự báo vì còn tùy thuộc vào hành động của tân Tổng thống Mỹ cũng như hiệu quả từ những chính sách kinh tế của ông liệu có làm nước Mỹ "vĩ đại trở lại"?

>>Năm 2017: Giới doanh nhân gặp khó vì Brexit và Donald Trump

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiều hối sụt giảm là nhất thời?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO