Kết quả kinh doanh quý I/2018: Cảnh báo tình trạng "vẽ" lợi nhuận

GIA LÊ| 16/05/2018 03:37

Kết quả kinh doanh quý I/2018 cho thấy nhiều doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2017, cá biệt có những công ty ghi nhận con số tăng trưởng "gấp nhiều lần". Kết quả này đã giúp giá cổ phiếu của nhiều công ty tăng vọt trên sàn.

Kết quả kinh doanh quý I/2018: Cảnh báo tình trạng

Ảnh: QH

Tuy nhiên mức lợi nhuận công bố có thực chất "đẹp" như vậy hay không thì cần phải soi xét kỹ.

Có khá nhiều cách để doanh nghiệp "vẽ" lợi nhuận theo mong muốn của ban lãnh đạo, như hoãn ghi nhận chi phí trong kỳ, đặc biệt là các chi phí dự phòng khoản phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trích lập các khoản lương, thưởng; chi phí khấu hao cũng có thể bị lờ đi hoặc trích không đủ.

Các khoản như chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang thì bị để lại, chi phí trả trước có thể bị sử dụng để gác lỗ, để ghi lại các khoản chi phí đáng lẽ phải ghi nhận vào kết quả kinh doanh trong kỳ, chi phí lãi vay có thể ghi nhận thiếu hoặc bị vốn hóa không đúng quy định. Khoản mục giá vốn hàng bán cũng có thể bị cố tình ghi nhận sai lệch, ghi nhận không đầy đủ hoặc không phù hợp với doanh thu, không có phương pháp xác định rõ ràng, nhất quán.

Ngược lại, doanh thu thì cố thổi phồng bằng cách tăng thu lập lờ các giao dịch với bên liên quan, đặc biệt thường nằm ở những khoản mục như lãi bán hàng trả chậm, lãi phát sinh từ giao dịch mua rẻ, chiết khấu thanh toán, trong khi những hợp đồng mua bán nội bộ giữa các bên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về chuyển giá cũng như chuyển lợi nhuận chứ khó có thể là hiệu quả thực chất.

Link bài viết

Doanh nghiệp cũng có thể tận dụng điều khoản bán và giữ, tức bán trước nhưng chưa giao hàng, nhằm đẩy doanh thu của kỳ sau lên kỳ trước để nâng giá trị trong thời điểm hiện tại.

Thời gian qua, một số công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã lợi dụng triệt để lỗ hổng trong quy định của chuẩn mực kế toán để ghi toàn bộ lợi nhuận có thể thu được trong tương lai vào năm hiện tại.

Trong nhiều trường hợp các khoản doanh thu đang bị khách hàng chiếm dụng vốn hoặc có thể đã trở thành khoản phải thu khó đòi nhưng công ty vẫn ghi nhận vào thu nhập. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý đến sự biến động của khoản mục các khoản phải thu khách hàng và dòng tiền thực tế thu được từ khoản phải thu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Thậm chí có những công ty còn ghi nhận doanh thu ảo hoặc ghi nhận doanh thu khi chưa đủ điều kiện hạch toán, áp dụng sai chuẩn mực kế toán.

Một chiêu thức nữa để báo cáo gia tăng lợi nhuận mà gần đây được nhiều doanh nghiệp sử dụng là nâng tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên kết để biến thành công ty con, từ đó có cơ hội ghi tăng lợi nhuận của các công ty con vào kết quả hợp nhất. Điều này thường xảy ra khi công ty mẹ nhận thấy các công ty liên kết có lợi nhuận khả quan, tăng trưởng mạnh.

Việc tăng sở hữu công ty do chính mình kiểm soát cũng để đánh giá lại phần sở hữu trước khi mua tăng thêm và ghi vào thu nhập tài chính, dù giao dịch đánh giá lại này không mang lại dòng tiền nào cho công ty.

Cần biết rằng, các báo cáo tài chính quý I và quý III không được kiểm tra, giám sát độc lập từ các công ty kiểm toán, nên doanh nghiệp nếu muốn "xào nấu" số liệu thì họ thường thực hiện vào 2 quý này để tác động đến diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường tài chính.

Rõ ràng trong bối cảnh thị trường đang chịu áp lực giảm tại vùng đỉnh, trong khi nhiều doanh nghiệp đã đặt kế hoạch tăng vốn khủng trong năm nay, thì việc công bố kết quả lợi nhuận tăng trưởng mạnh được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn nếu muốn giữ giá hoặc tiếp tục đẩy giá cổ phiếu nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia các phiên phát hành tăng vốn.

Tuy nhiên, với những gì đã phân tích, nhà đầu tư cần cân nhắc, xem xét kỹ thực chất doanh nghiệp cũng như tiềm năng để định giá chính xác, tránh bị thiệt hại một khi kết quả thực chất được phản ánh chính xác và có thể đẩy giá cổ phiếu rớt thảm hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kết quả kinh doanh quý I/2018: Cảnh báo tình trạng "vẽ" lợi nhuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO