Hiệu ứng "Sell in May" và tâm lý đám đông

MAI LINH| 27/04/2017 08:34

Không chỉ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, câu châm ngôn "Sell in May and go away" đã trở nên phổ biến ở các thị trường tài chính quốc tế.

Hiệu ứng

Không chỉ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, câu châm ngôn "Sell in May and go away" đã trở nên phổ biến ở các thị trường tài chính quốc tế, hàm ý cảnh báo thị trường sẽ vào chu kỳ suy giảm và nên bán chứng khoán, rời xa thị trường cho đến khi tình hình khả quan hơn.

Đọc E-paper

"Sell in May" trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Thực tế cho thấy, câu nói trên mô tả khá đúng tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 5 hằng năm. Từ năm 2008 đến nay, khi bước vào tháng 5, thị trường chứng khoán thường giảm điểm, thanh khoản sụt giảm so với mức trung bình hằng năm (trừ tháng 5 năm 2016).

Vào tháng 5, đà tăng của các mã cổ phiếu chững lại, thị trường trở nên phân hóa, biên độ giao động của các mã cổ phiếu thu hẹp tạo nên thanh khoản èo uột, tâm lý chung trở nên ảm đạm. Cơ hội lướt sóng và giao dịch ngắn hạn cũng ít đi khi số mã giảm nhiều hơn số mã tăng, thị trường thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt, thiếu dòng tiền lớn để thúc đẩy cổ phiếu tăng giá.

Đội ngũ môi giới chứng khoán và tư vấn chứng khoán của các công ty chứng khoán thường khuyến nghị khách hàng giao dịch ngắn hạn bán chứng khoán hoặc giảm tỷ trọng danh mục khi thị trường bước vào chu kỳ điều chỉnh giảm giá vào tháng 5 hằng năm.

Câu hỏi đặt ra là tại sao thị trường lại thường giảm điểm vào tháng 5 hằng năm? Theo thống kê của Investopedia, từ năm 1950 đến nay, chỉ số Dow Jones Industrial Average chỉ tăng trung bình 0,3% trong chu kỳ từ tháng 5 đến tháng 10, trong khi so sánh với chu kỳ từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm, chỉ số này tăng trung bình 7,5%.

Còn trên các thị trường chứng khoán còn non trẻ như ở Việt Nam, có thể lý giải điều này bằng tâm lý đám đông e ngại rủi ro khi xu hướng tăng trước đó của thị trường bắt đầu từ đầu năm và các tháng trước đó cần những nhịp điều chỉnh để củng cố cho xu hướng. Bên cạnh đó, tháng 5 cũng có ít thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp để tạo động lực tăng cho giá cổ phiếu, các thông tin về kết quả kinh doanh năm trước đó và kế hoạch kinh doanh, chi trả cổ tức cũng đã được công bố.

Có nên "Sell in May"?

Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp bước vào chu kỳ của tháng 5, tuy nhiên xu hướng giảm giá hay tăng giá trong ngắn hạn cần được xem xét và đánh giá lại. Bởi vì theo xu hướng trung và dài hạn, VN-index vẫn nằm trong một kênh giá tăng.

Có thể tâm lý đám đông sẽ xảy ra khi thị trường bước vào xu hướng giá giảm, tình trạng bán tháo cổ phiếu sẽ diễn ra khi thị trường giảm mạnh, đối với những nhà đầu cơ giao dịch ngắn hạn có thể sẽ xảy ra hiện tượng Margin Call (gọi ký quỹ) nếu dùng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao.

Tất cả chỉ là tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn chạy theo hiện tượng, nhà đầu tư nên bình tĩnh theo dõi, đánh giá thị trường và định giá giá trị doanh nghiệp vì đây là cơ hội để tích lũy cổ phiếu. Có rất nhiều cổ phiếu có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt, kế hoạch kinh doanh khả thi, trả cổ tức đều đặn và đang trong đà tăng trưởng cũng sẽ bị cuốn theo thị trường giá giảm do tâm lý bán tháo.

Như vậy sẽ là cơ hội tốt đối với trường phái đầu tư giá trị, với chiến lược mua được cổ phiếu tốt với giá "rẻ" và nắm giữ lâu dài, nhà đầu tư nên tách ra khỏi đám đông và đi ngược đám đông để nhìn thấy cơ hội khi thị trường trở nên hỗn loạn.

>Bàn về đầu tư theo đám đông

>Trí tuệ của đám đông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệu ứng "Sell in May" và tâm lý đám đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO