Hết cảnh xếp hàng, đến thời mua chui

HOÀNG CHI - MỘC MIÊN| 24/12/2009 09:26

Các ngân hàng thương mại đều hứa hẹn tạo điều kiện tiếp cận nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp có nhu cầu, song theo ghi nhận, đấy mới chỉ là sự bình ổn bề nổi.

Hết cảnh xếp hàng, đến thời mua chui

Các ngân hàng thương mại (NHTM) đều hứa hẹn tạo điều kiện tiếp cận nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp có nhu cầu, song theo ghi nhận, đấy mới chỉ là sự bình ổn bề nổi. Thực tế, nhiều doanh nghiệp gần như không thể tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ theo giá ngân hàng (NH) công bố và chấp nhận mua USD với mức giá cao hơn cũng không được.

Thời gian qua, các NHTM cho biết, doanh số bán ra trong ngày đầu tiên thực hiện cam kết bình ổn thị trường có tăng hơn so với trước. Đó là nhờ vào nguồn USD cung ứng cho NHTM từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, các NHTM cũng cung ứng một nguồn vốn lớn ra bên ngoài như Maritime Bank, Eximbank, ACB...

Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong tiếp cận với nguồn ngoại tệ từ các ngân hàng - Ảnh: Quý Hòa

Tổng giám đốc Trương Văn Phước của Eximbank cho biết, nguồn ngoại tệ của NH này hiện chủ yếu có được từ các hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu, hiện khá dồi dào. Ông Phạm Thanh Hà, Trưởng Phòng Kinh doanh ngoại tệ NHTMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, thời gian qua, Vietcombank và các NH thương mại khác luôn tạo mọi điều kiện cũng như thực hiện nhanh chóng các thủ tục giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn ngoại tệ một cách thuận lợi nhất. Từ đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đã mua được ngoại tệ từ NH với giá niêm yết sau động thái hỗ trợ ngoại tệ của NHNN.

Theo khối kinh doanh ngoại tệ Vietcombank, trong tuần trước, NHTM đã được NHNN “tiếp sức” khoảng 150 triệu USD và đây là thời điểm Vietcombank tiến hành việc “phân phối lại” nhu cầu USD cho các doanh nghiệp đang nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ, bởi các NHTM đều khoanh vùng đối tượng cho vay. Do vậy, không ít doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất có nhu cầu than thở gặp phải tình trạng khó mua ngoại tệ.
Một số chủ doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cho biết, để nhập khẩu, họ không được đáp ứng nguồn USD với mức giá “bằng giá NH niêm yết”, khiến nhiều khoản nợ trên hóa đơn thanh toán bằng ngoại tệ của họ vẫn chưa được giải quyết và ngày càng chồng chất.

Thậm chí, để thoát cảnh “xếp hàng”, nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chênh lệch, mua cao hơn 600 - 700 đồng/USD so với tỷ giá niêm yết. Trung bình, để mua được 2 triệu USD đáp ứng nhu cầu nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp mất 1 tỷ đồng mà không có bất cứ chứng từ, hóa đơn nào (trên giấy tờ chỉ thể hiện tỷ giá 17.867 đồng/USD).

Ông Lê Sơn, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, máy móc ngành công nghiệp nặng tại TP.HCM cho biết, công ty ông vẫn bị NH từ chối bán USD với lý do sản phẩm nhập khẩu không có tên trong danh mục ưu tiên. Gần đây nhất, để nhập hơn 20 đầu kéo từ Mỹ về, ông Sơn phải nhờ công ty bạn (chuyên xuất khẩu thủy sản tại quận 2, TP.HCM) bán USD cho mình thông qua NH. Cụ thể, ông Sơn mua USD từ công ty này với giá 18.800 đồng/USD, cao hơn giá niêm yết tại NH khoảng 300 - 500 đồng. Ông Sơn sẽ thanh toán trực tiếp với NH mức chênh lệch đó bằng tiền đồng.

Tương tự, ông Lê Thành Trung, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ mạng và Truyền thông chuyên nhập các thiết bị về viễn thông, cho biết, hiện nhiều hóa đơn thanh toán bằng ngoại tệ vẫn chưa được giải quyết vì Công ty chưa mua được USD. Ông Trung hy vọng, thời gian tới, NHNN sẽ bổ sung nguồn cung để các NHTMCP có thể đáp ứng nhu cầu mua USD của những doanh nghiệp như Công ty ông.

Mua bán “ngầm” USD đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thời điểm cuối năm, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp đang tăng cao vì phải thanh lý hợp đồng, mà vẫn phải mua USD ở mức giá trần (18.500 đồng/USD) ngay cả khi Nhà nước đã có chính sách mua theo tỷ giá niêm yết.

“Nói NH thiếu ngoại tệ cung cấp cho doanh nghiệp là đúng, nói doanh nghiệp phải mua USD của NH với giá cao là không sai, song việc người dân thiếu niềm tin vào chính sách tiền tệ mới là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình hình cung ít, cầu nhiều hiện nay", ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam đặt vấn đề.

Còn theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, NHNN cần thực hiện đồng bộ bốn biện pháp để có thể giải quyết vấn đề căng thẳng ngoại tệ hiện nay. Thứ nhất, tỷ giá cần phải linh hoạt hơn, tất nhiên là không để biến động quá lớn. Thứ hai, Nhà nước cũng cần can thiệp bằng cách bán ngoại tệ, nhưng không phải là bán một cách ồ ạt. Thứ ba, phải giữ nghiêm kỷ luật thị trường như quản lý việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do. Cuối cùng là cách thức cam kết, giải trình với thị trường, làm sao để doanh nghiệp có thể yên tâm về tỷ giá và tính toán trước được các chi phí cho hoạt động kinh doanh của mình.

Vừa qua, NHNN đã ban hành thông tư bổ sung quy định về việc cho vay ngoại tệ. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sau một thời gian không được phép vay USD để nhập hàng, đến nay đã được phép vay trở lại. Mục đích là để góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường, hài hòa lợi ích giữa bên vay và cho vay để phù hợp với chủ trương của Chính phủ về ổn định thị trường ngoại hối. Thông tư mới đã bổ sung nhu cầu được vay ngoại tệ là để thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu.

Trường hợp cho vay bằng ngoại tệ để sử dụng trong nước thì khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng đã cho vay. Tuy nhiên, phó tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết, trước đây các NH đã cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ thông qua hình thức cho vay tiền đồng với lãi suất USD.

Thực tế là NH lấy một lượng ngoại tệ tương đương với số lượng khách hàng muốn vay đem đi bán lấy tiền đồng cho khách hàng vay. Nay có thông tư mới thì cũng chỉ là hợp thức hóa việc cho vay ngoại tệ này. Vì thế, theo vị này, việc này cũng sẽ không cải thiện đáng kể tình trạng khan hiếm USD tại các NH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hết cảnh xếp hàng, đến thời mua chui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO