Hạ lãi suất USD: DN mạnh tay bán ngoại tệ

LINH CHI thực hiện| 07/10/2015 02:36

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này...

Hạ lãi suất USD: DN mạnh tay bán ngoại tệ

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết doanh số mua ngoại tệ của hệ thống ngân hàng (NH) trên địa bàn trong ngày đầu tiên (28/9/2015) áp dụng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã tăng gần 3 lần so với bình quân các ngày trước đó.

Đọc E-paper

* Theo ông, việc giảm lãi suất lần này của NHNN có gây bất lợi đối với thanh khoản của NH và quyền lợi của người dân?

- Tiền gửi ngoại tệ của tổ chức kinh tế vào hệ thống NH trên địa bàn trong tháng 8/2015 tăng 9,1% so với tháng 7/2015. Tiết kiệm dân cư bằng ngoại tệ có mức tăng 5,06% cùng thời gian này.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng ngoại tệ tháng 8 lại giảm 2,2% so với tháng trước đó, đưa mức giảm tín dụng ngoại tệ lên 3,6% trong 8 tháng đầu năm 2015.

Đối với NH, tăng trưởng huy động tiết kiệm ngoại tệ tăng cao trong khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ giảm là bất lợi. Theo đó, việc NHNN hạ trần lãi suất huy động ngoại tệ có hiệu ứng tích cực đến thanh khoản của NH.

Còn đối với người dân, theo tôi, những người có ngoại tệ kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng trong thời gian tới đã giữ ngoại tệ để hưởng chênh lệch giá thì việc mất đi nguồn tiền lãi không gây thiệt hại gì đối với tài sản của họ.

Ngược lại, việc găm giữ ngoại tệ làm bất lợi cho lộ trình chống đô la hóa, ảnh hưởng sự phát triển chung của nền kinh tế.

Như vậy, động thái của NHNN nhìn chung sẽ tác động tích cực đến hành vi của doanh nghiệp (DN) và người dân, buộc họ phải cân nhắc giữa việc giữ VND và USD. Đặc biệt đối với DN sẽ phải tính toán kỹ hơn vì họ buộc phải tối ưu hóa trong sử dụng vốn.

Đồng thời, việc này chắc chắn sẽ nâng cao vị thế tiền đồng, nên người có ngoại tệ có thể mạnh dạn chuyển đổi sang tiền đồng để gửi NH hoặc đầu tư chứng khoán, bất động sản (BĐS)...

* Vậy ông dự báo khi nào người dân sẽ mạnh dạn chuyển tiền USD sang VND để hưởng lợi?

- Chỉ trong ngày đầu áp dụng chính sách đã có sự chuyển dịch rất lớn về hành vi người gửi tiền. Theo báo cáo nhanh của các NH, hiện đã giải quyết được tình trạng găm giữ ngoại tệ của những tổ chức lớn.

Cụ thể, lượng bán ngoại tệ của DN cho NH cao gấp 3 lần so với bình quân những ngày trước đó. Trong đó, các NH mua USD của tổ chức chiếm hơn 70%. Doanh số bán chủ yếu là DN có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu.

Việc gửi tiết kiệm cũng đã thay đổi, nhiều DN và cá nhân có lượng USD lớn đã thông báo bán cho NH để chuyển qua gửi tiết kiệm bằng VND.

Theo thống kê, với đà mua USD hiện tại mà NH đang thực hiện, thì cung ngoại tệ đang rất cao. Chúng tôi hy vọng doanh số sẽ tăng 3 - 4 lần trong tuần đầu tháng 10.

* Điều gì đã thúc đẩy người dân bán USD ngay cho NH vậy, thưa ông?

- Với biểu lãi suất mới này, chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD càng lớn, đặc biệt ở các kỳ hạn dài. Cụ thể, cùng kỳ hạn 1 tháng gửi VND lãi suất 4,4%/năm, trong khi gửi USD chỉ được 0,25%/năm.

Tương tự, gửi VND kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng được 5,4%/năm và 6,2%/năm nhưng gửi USD chỉ được 0,25%/năm. Sau khi so sánh mức lãi suất VND và USD, người dân có thể tính toán được lợi ích của từng kênh gửi tiền để lựa chọn.

* Theo ông, lãi suất cho vay ngoại tệ thời gian tới có giảm thêm sau khi huy động ngoại tệ đã giảm?

- Lãi suất huy động USD giảm tạo chênh lệch lãi suất giữa huy động ngoại tệ và VND. Tới đây nguồn ngoại tệ thương mại sẽ tăng lên do DN và người dân chuyển dịch từ USD sang VND kéo theo huy động vốn ngoại tệ từ DN, người dân sẽ giảm.

Lãi suất đầu vào giảm sẽ tạo điều kiện để NH giảm lãi suất cho vay ngoại tệ. Theo tôi, lãi suất cho vay không giảm nhiều cũng giảm ít, có điều cũng cần có thời gian và mức độ giảm sẽ tùy thuộc vào chiến lược từng NH.

* Ông có cho rằng việc giảm lãi suất ngoại tệ của NHNN sẽ khó thu hút lượng kiều hối trong những tháng cuối năm không?

- Theo số liệu đến cuối quý II/2015, kiều hối đưa vào kênh tiết kiệm không bao nhiêu, chủ yếu vào sản xuất, kinh doanh (70,6%), vào BĐS (20,7%), còn lại là hỗ trợ cho người thân (6 - 7%).

Như vậy, lãi suất huy động USD giảm không ảnh hưởng đến nguồn kiều hối. Theo tôi, tỷ giá điều chỉnh ở mức hấp dẫn mới là lý do thu hút kiều bào gửi về cho người thân hoặc đầu tư.

Cơ chế kiều hối tại Việt Nam đang rất thông thoáng, người nhận kiều hối có thể nhận bằng nhiều hình thức mà không phải chịu thuế. Phí tại các NH cũng rất cạnh tranh, dao động khoảng 0,2%.

Một điểm cũng khá quan trọng trong việc thu hút lượng kiều hối đó là sự hồi phục của thị trường BĐS tạo điều kiện thu hút kiều hối nhiều hơn trong thời gian tới.

* Theo ông thanh khoản tiền gửi ngoại tệ có đáng lo sau khi có trần mới cho lãi suất tiền gửi ngoại tệ?

- Sử dụng vốn trên huy động ngoại tệ chỉ 60,2%, thấp so với quy định chung (tối đa 80%).

Do vậy, thanh khoản về ngoại tệ không đáng lo. Đáng lo nhất là giảm dư nợ cho vay bằng ngoại tệ, đầu năm đến nay giảm hơn 3% (trong 7 tháng giảm 1%, riêng tháng 8 giảm 2%). Lý do là DN lo vay ngoại tệ chịu rủi ro tỷ giá nên mua ngoại tệ trả nợ trước hạn.

Thế nhưng, với quyết định mới này của NHNN, dư nợ ngoại tệ sẽ phục hồi. Hai là dòng vốn cho vay ngoại tệ tới đây sẽ đi đúng đối tượng được vay. Dự kiến, năm nay NHNN có thể giảm dần hình thức thanh toán bằng ngoại tệ xuống còn khoảng 10%.

* Cám ơn ông!

>Từ ngày 5/10, giao dịch ngoại tệ phải tuân theo số ngày quy định

>Hạ lãi suất USD: Những góc nhìn khác

>NHNN bất ngờ hạ trần lãi suất USD xuống 0%

>Chủ tịch FED: Vẫn tăng lãi suất trong năm nay

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạ lãi suất USD: DN mạnh tay bán ngoại tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO