Hạ lãi suất, nâng xuất khẩu

HÀ LINH| 17/09/2013 07:26

Các ngân hàng đồng loạt dành nhiều ưu đãi giúp doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu mở rộng thị trường.

Hạ lãi suất, nâng xuất khẩu

Các ngân hàng đồng loạt dành nhiều ưu đãi giúp doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu mở rộng thị trường.

Đọc E-paper

Giảm giá bán USD

Suốt tuần qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khá mạnh giá USD trên biểu niêm yết. Diễn biến này cũng thể hiện trên thị trường liên ngân hàng (NH), dù lãi suất VND xuống thấp và thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD.

Theo biểu niêm yết của Vietcombank, giá USD bán ra trong tuần qua dao động ở mức 21.150 đồng, giảm 40 đồng so với cuối tuần trước đó; giá mua vào lùi về 21.080 đồng. Đó cũng là mức niêm yết phổ biến tại các NHTM khác. Điểm chung, chênh lệch giữa giá mua vào, bán ra được giữ ổn định từ 60 - 70 đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, mức giá USD mua vào của các NH đã xuống thấp hơn so với mức giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Một lãnh đạo chuyên trách của NHNN cho biết, nguồn cung ngoại tệ từ DN mạnh lên trong ngày tuần qua là tác động chính đối với diễn biến điều chỉnh trên.

Trên thị trường liên NH, lấy giao dịch trong ngày 9/9 làm ví dụ, khá trầm lắng và tỷ giá USD/VND cũng giảm khá mạnh so với phiên trước. Đáng chú ý là diễn biến này đi cùng với sự co hẹp chênh lệch lãi suất các kỳ hạn ngắn của VND so với USD.

Cụ thể, cuối ngày 9/9, giá USD giao dịch trên thị trường liên NH đã lùi về từ 21.110 - 21.115 đồng, giảm khoảng 20 điểm so với phiên liền trước. Trong khi đó, lãi suất VND các kỳ hạn ngắn tiếp tục giảm, lãi suất qua đêm chỉ chào quanh 2,5%/năm, kỳ hạn 1 tuần chỉ từ 2,5 - 2,7%/năm, 2 tuần từ 3,2 - 3,5%/năm; lãi suất USD tương ứng chỉ từ 0,3 - 0,6%/năm.

Theo lãnh đạo Vietcombank, mức giá USD giảm hỗ trợ được rất nhiều cho DN xuất nhập khẩu. Đồng thời, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013 là 127-128 tỷ USD, ngoài nỗ lực của Bộ Công Thương, vai trò của các NHTM cũng rất quan trọng.

Bên cạnh việc giảm giá bán USD, giảm lãi suất cho vay USD để thực hiện mục tiêu giải tỏa áp lực vốn giá rẻ cho DN xuất khẩu, các NH đẩy mạnh tín dụng cho xuất khẩu với rất nhiều ưu đãi. Đơn cử, ACB triển khai chương trình "Tín dụng ưu đãi dành cho DN xuất nhập khẩu" với quy mô 70 suất chỉ 3%/năm. Tổng hạn mức gói ưu đãi của HDBank lên đến 20 triệu USD...

Cơ hội tăng trưởng

Nhìn vào nền kinh tế trong thời gian qua có thể thấy, DN hoạt động xuất, nhập khẩu luôn đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh các ngành sản xuất trong nước còn chưa thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu sản xuất, tiêu dùng, việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu là không thể thiếu.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 11,8 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Nếu so sánh với tổng kim ngạch xuất khẩu, trong tháng 8, cả nước nhập siêu ước khoảng 300 triệu USD, bằng 2,6% kim ngạch xuất khẩu. Còn tính chung 8 tháng, nhập siêu khoảng 577 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu.

Nhìn chung, nhập siêu đã quay trở lại nhưng tỷ trọng xuất khẩu một số mặt hàng đã thể hiện tính tích cực, cho thấy sản xuất, kinh doanh trong nước đang phục hồi.

Cụ thể, riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 76,2% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 17,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng 42,2%; giày dép đạt 5,5 tỷ USD, tăng 16,1%...

Xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) tháng 8 ước đạt 7,53 tỷ USD và 8 tháng đạt 56,1 tỷ USD, tăng tương ứng là 14,4% và 21,7% so với cùng kỳ năm 2012...

5,21%

Tín dụng trên địa bàn TP.HCM 8 tháng qua tăng 5,21%. Trong đó, tín dụng cho năm lĩnh vực ưu tiên tăng nhanh, khối các DN nhỏ và vừa thu hút một lượng vốn lớn từ NH, cho vay tiêu dùng tăng chậm lại.

Từ số liệu công bố, việc các NH tham gia hỗ trợ ưu đãi khối DN này là không quá ngạc nhiên. Song, ngoài ý nghĩa hỗ trợ, một chuyên gia tài chính cho rằng, các NH cũng đang rất trông chờ vào việc tăng trưởng tín dụng từ khối DN này.

Thừa nhận điều này, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank nói rằng, ngay khi có cơ hội giảm lãi suất, các NH thường chọn ưu đãi với các DN xuất nhập khẩu hơn.

"Các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tập trung vào việc sản xuất, mở rộng thị trường, tiết kiệm được chi phí lãi vay và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Đây là giải pháp tài chính cần thiết mà không chỉ HDBank, các NH khác cũng muốn tăng trưởng mạnh các DN hoạt động trong lĩnh vực này", ông Trung nói.

Tương tự, đại diện OceanBank cũng cho biết, NH này công bố cho vay lãi suất rẻ, khoảng 9% và phát triển sản phẩm "Chiết khấu bộ chứng từ có truy đòi".

Đây là dịch vụ tài chính OceanBank tài trợ sau khi giao hàng cho DN thông qua việc chiết khấu có truy đòi bộ chứng từ xuất khẩu có kèm theo hối phiếu của khách hàng.

Cũng theo vị đại diện NH này, cái khó trước đây của NH là chưa thể cắt giảm mạnh lãi suất đầu vào, trong khi DN muốn được vay với chi phí thấp nhất. Số lượng DN tiếp cận được nguồn vốn này thực sự chưa nhiều.

Một phần do quy mô gói tín dụng của các chương trình này vẫn còn hạn chế, mặt khác môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nên DN cũng hạn chế vay. Nhưng hiện nay tình hình đã khác, khi lãi suất có điều kiện giảm đến vài phần trăm thì cả NH và DN không thể mãi ngồi ngoài nhìn thị trường.

"Giúp DN xuất khẩu tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ góp phần không nhỏ trong việc chủ động nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm, tăng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đồng thời, các NH kỳ vọng những sản phẩm tín dụng ưu đãi trên sẽ nhanh chóng đi vào DN. Bởi nhu cầu vốn trong những tháng cuối năm thường cao hơn đầu năm, nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NH từ đây có thể đạt được", vị đại diện trên chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạ lãi suất, nâng xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO