Gửi tiền tiết kiệm - kênh đầu tư thông minh

GIA LÊ| 07/09/2017 03:14

Dòng tiền thông minh luôn chạy vào những kênh đầu tư có suất sinh lời cao trong thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Gửi tiền tiết kiệm - kênh đầu tư thông minh

Dòng tiền thông minh luôn chạy vào những kênh đầu tư có suất sinh lời cao trong thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Đọc E-paper

Với kiến thức đầu tư trên thị trường chứng khoán còn nhiều hạn chế, trong khi đầu tư vào thị trường bất động sản buộc phải chấp nhận có thể chôn vốn và thị trường vàng ngày càng nhiều rủi ro hơn trong thời gian qua, thì đại bộ phận người dân vẫn chọn kênh gửi tiền ngân hàng (NH) như là một giải pháp đầu tư chính, hoặc thỉnh thoảng lựa chọn thị trường ngoại tệ như là một kênh đầu tư lướt sóng thứ hai.

Lướt sóng tỷ giá USD/VND thường được nhiều người lựa chọn do tính thanh khoản cao và cũng có sự biến động nhất định. Kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm USD/VND của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ mới tăng 1,3%, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do thậm chí còn giảm so với đầu năm. Trong khi đó, thị trường ngoại hối theo dự báo sẽ chịu nhiều áp lực trong thời gian còn lại của năm nay, trong bối cảnh thâm hụt thương mại ở mức cao và đồng USD trên thị trường quốc tế có thể sớm phục hồi trở lại.

Nếu thị trường ngoại hối chịu áp lực thì tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên là điều tất yếu. Theo dự kiến, tiền đồng có thể mất giá 2% trong năm nay, tuy nhiên khả năng nhà điều hành vẫn có thể lựa chọn giải pháp cho mất giá nhiều hơn để hỗ trợ xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại. Đáng lưu ý là mỗi khi cung cầu ngoại tệ chịu áp lực, tỷ giá trên thị trường tự do thường biến động mạnh hơn rất nhiều. Với thực tế đồng USD trên thị trường tự do đã giảm giá trong những tháng đầu năm nay thì nếu tăng trở lại sẽ tăng với tốc độ mạnh hơn so với thị trường chính thức.

Với lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng bình quân từ 5 - 5,5%/năm, tương ứng với lãi suất tiền gửi mỗi tháng từ 0,4 - 0,5%, thì nếu gửi tiền ở kỳ hạn một tháng trong 3 tháng cuối năm với số tiền 1 tỷ đồng thì tiền lãi nhận được là 12,5 - 13,7 triệu đồng. Nếu gửi ở kỳ hạn một năm với lãi suất bình quân 7,5% thì tiền lãi nhận được trong 3 tháng là 18,7 triệu đồng. Trong trường hợp nếu lướt sóng trên thị trường ngoại hối và tỷ giá USD/VND có thể tăng thêm 2 - 4% thì lợi nhuận có thể đạt được từ 20 - 40 triệu đồng.

Về tổng thể, mức tỷ giá điều chỉnh trong cả quý IV có thể chỉ từ 1 - 2%, tuy nhiên trong những thời điểm biến động mạnh, mức điều chỉnh trên thị trường tự do có thể lên đến 4 - 5% là vẫn có thể xảy ra, trước khi giảm trở lại về mức cân bằng khi thị trường có thể được can thiệp. Do đó, nhà đầu tư nào nếu chọn được thời điểm lướt sóng tốt vẫn có thể đạt được mức sinh lời khả quan trong thời gian ngắn. Về rủi ro thì thực tế cho thấy đồng đô la Mỹ luôn có xu hướng đi lên so với tiền đồng trong suốt thời gian từ đó đến nay.

Dù vậy, với những nhà đầu tư nếu không thể tự tin với việc lướt sóng trên thị trường ngoại tệ mà vẫn lựa chọn kênh tiền gửi NH thì có lẽ nên cân nhắc lựa chọn NH có mức lãi suất huy động cao. Khác với giai đoạn trước đây, lãi suất tiền gửi của các NH hiện nay đã có sự phân hóa cao thấp rõ rệt theo từng loại kỳ hạn.

Cụ thể với kỳ hạn dưới 6 tháng đang chịu quy định trần lãi suất tiền gửi thì nhóm ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết khá thấp, quanh 4,4% trong khi một số NH như DongA Bank, HDBank, Gpbank niêm yết mức trần 5,5%. Trong khi đó, hàng loạt NH khác cũng đang niêm yết cận trần tại 5,4%, như Bản Việt, Phương Đông, Xây dựng, Bắc Á, Việt A, Nam Á, Sài Gòn.

Ở kỳ hạn 6 - 11 tháng, Ngân hàng Bản Việt, Sài Gòn, Bắc Á, Quốc Dân đang niêm yết cao nhất từ 7 - 7,4%. Ở kỳ hạn 12 tháng, Ngân hàng Quốc Dân, Việt Á và Tienphong đang có mức cao nhất tại 7,6%. Ở kỳ hạn dài hơn như 19 tháng thì Bản Việt đang cao nhất tại mức kỷ lục 8,2%, theo sau là Quốc Dân và Bắc Á lần lượt là 7,8% và 7,75%. Do đó, nếu quan sát và so sánh khung lãi suất tiền gửi của các NH thì chênh lệch giữa các NH cùng kỳ hạn có thể lên đến 0,5 - 1%, tương ứng với mức tiền lãi có thể từ 5- 10 triệu với số tiền gửi là 1 tỷ đồng.

Còn nếu tính luôn chênh lệch giữa các kỳ hạn gửi thì số tiền lãi chênh lệch có thể lên đến 30 - 40 triệu đồng cũng với số tiền gửi là 1 tỷ đồng. Cụ thể, nếu gửi 1 tỷ đồng kỳ hạn một tháng tại mức lãi suất thấp nhất hiện này là 4,4% thì tiền lãi nhận được trong suốt 12 tháng với giả định tiền gửi tái tục là 44 triệu đồng. Trong khi đó, nếu chọn gửi ở kỳ hạn 12 tháng với lãi suất cao nhất hiện nay là 7,6% thì tiền lãi nhận được trong một năm là 76 triệu đồng, cao hơn 32 triệu đồng so với khi gửi một tháng tại NH có lãi suất 4,4%.

Còn nếu gửi tại mức lãi suất 8,2% cao nhất hiện nay ở kỳ hạn 18 tháng thì tiền lãi nhận được sau một năm là 82 triệu, cao hơn 38 triệu đồng. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn trong xu thế ổn định, Chính phủ và NHNN triển khai nhiều giải pháp nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ cho ngành NH với mong muốn mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm hoặc ít nhất phải tiếp tục ổn định, thì việc chọn gửi kỳ hạn dài số tiền nhàn rỗi trong thời gian tới vẫn là chiến lược tốt để lựa chọn.

>>Chứng chỉ tiền gửi - "Bến đỗ" mới cho nguồn tiền tiết kiệm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gửi tiền tiết kiệm - kênh đầu tư thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO