Giảm lãi suất cần có độ trễ

LINH CHI| 18/04/2014 04:14

Khi lãi suất cho vay kỳ ngắn hạn 6 tháng trở lại giảm 0,5%, lãi suất trung, dài hạn được giữ nguyên, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng đang bị thiệt thòi ở những khoản vay dài hạn.

Giảm lãi suất cần có độ trễ

Khi lãi suất cho vay kỳ ngắn hạn 6 tháng trở lại giảm 0,5%, lãi suất trung, dài hạn được giữ nguyên, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng đang bị thiệt thòi ở những khoản vay dài hạn.

Đọc E_paper

Ông Đinh Văn Phương, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở TP.HCM, cho biết: "Hiện chưa có kế hoạch để kịp chạy theo những gói cho vay ưu đãi, nhưng nếu có cũng không vay được vì những khoản vay đều là khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất còn cao lắm!".

Theo ông Phương, một số ngân hàng (NH) đã giảm 0,5% lãi suất cho vay các kỳ ngắn hạn 6 tháng trở lại, còn lại hầu hết lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên. Chẳng hạn, NH chào giá vay lãi suất 12 tháng vẫn ở mặt bằng 13%/năm.

Thậm chí, có NH còn cho vay đến 16%/năm. Không chỉ ông Phương, nhiều DN cho biết lãi suất vẫn ở mức 12 - 13%/năm, đây là những mức cao, nhưng chưa phải là cao nhất. Theo một vài DN, có những giao dịch phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn như vậy nếu nhu cầu vốn quá cấp thiết.

Về nguyên tắc, lãi suất thường có một cơ sở quan trọng là lạm phát và nói mức 13%/năm phản ánh kỳ vọng lạm phát là không hợp lý khi các kỳ hạn còn lại mức bình quân vẫn tương đối "dễ chịu".

Lúc này, các DN đặt câu hỏi là vì sao NH vẫn duy trì mức lãi suất cao ở những kỳ hạn dài?Trong khi huy động cho kỳ hạn dài như đã nói ở trên cũng đã giảm nên bài toán chi phí đặt ra ở thời điểm này là không phù hợp.

Rõ ràng, việc duy trì lãi suất cho vay ở mức nào thì chỉ có người trong cuộc mới nắm rõ. Nhìn chung, các NH đều có một đáp án chung là lãi suất huy động mới giảm được vài tuần, để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cũ cũng như cho vay mới thì cần có độ trễ.

Cụ thể, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank, cho rằng, lãi vay hiện không còn là áp lực lớn đối với DN, mà quan trọng hơn là đầu ra của sản phẩm. Song, lãi vay vẫn là một trong những chi phí quan trọng mà khách hàng luôn phải tính toán trong hoạt động khi sử dụng vốn vay. Chính vì vậy, dù lãi suất đầu vào có giảm, nhưng NH luôn phải tính toán để đưa ra mức lãi suất hợp lý nhất.

Còn theo ông Trần Xuân Quảng, Phó tổng giám đốc Maritime Bank, nhiều NH buộc phải đánh đổi chi phí vay rất cao và kéo dài như vậy để ứng xử với tình thế khó khăn hiện nay. Vì với những khoản vay ngắn, kỳ đáo hạn nhanh, lại thêm áp lực cho vấn đề thanh khoản mà họ đang phải chống đỡ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc NH Đông Á, cho biết, mặc dù đã ra sức cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất và kể cả cho vay mới khi DN chưa trả được nợ cũ, nhưng nhu cầu vốn của DN lúc này không có. Vì thế, theo bà Vân, để kỳ vọng đẩy được tín dụng lúc này cũng là một vấn đề khó chứ không đơn giản chỉ ở lãi suất.

Ngoài những khó khăn trên, trên thực tế, các NH cũng đang phải chịu áp lực khác như cạnh tranh, nợ xấu... nên chuyện kéo giảm lãi suất kỳ hạn dài về thấp hơn chưa thể làm ngay. Một lãnh đạo NH SHB tại TP.HCM chia sẻ, các NH đều muốn tiếp cận những hợp đồng đầu tư tốt nên cạnh tranh chào giá là không tránh khỏi.

Chẳng hạn, có những DN đầu tư thủy điện, NH phải theo cả năm trời và điều chỉnh lãi suất sao cho hợp lý nhất. "Có những hợp đồng dù cạnh tranh thế nào cũng không thể thắng toàn diện, đành phải chia sẻ với nhiều NH khác. Sau quá trình cạnh tranh, chi phí đội lên. Để hạn chế rủi ro phát sinh cho những hợp đồng kỳ hạn dài (có khi kéo dài 10 năm), NH phải tính toán chi phí lãi suất an toàn nhất", vị này cho biết.

Về phần mình, một lãnh đạo của NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, vấn đề nợ xấu cũng quyết định khá nhiều đến khả năng giảm lãi suất. Thực tế, nợ xấu các NH công bố có xu hướng ngày càng giảm nhưng thực tế phần lớn là nợ xấu đã được cơ cấu lại thành nợ trong hạn.

Vậy, bản chất của nó vốn là nợ xấu, dù đã được xử lý thành nợ trong hạn thì lãi vẫn không có để thu. Vì vậy, các khoản lãi bị treo rất nhiều, khiến cho doanh thu, lợi nhuận của NH giảm. Đây có lẽ là lý do chính buộc các NH tiếp tục phải giữ lãi suất cho vay cao dù đầu vào đã giảm.

Hơn nữa, nguyên lý chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay ở mức 3% là NH đã có lãi, nhưng hiện nay nguyên lý này không còn phù hợp. Do vậy, các NH không thể cân đối lãi suất cho vay dựa trên lãi suất huy động đang áp dụng. Trên thực tế, các NH đang cân đối theo mức lãi suất bình quân của dòng tiền, nợ xấu, lượng vốn tồn đọng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm lãi suất cần có độ trễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO