Giá dầu thế giới giảm tác động thế nào đến TTCK Việt Nam?

LAM ANH| 13/01/2016 01:42

Nhiều nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng của việc Mỹ gỡ bỏ rào cản xuất khẩu dầu thô tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giá dầu thế giới giảm tác động thế nào đến TTCK Việt Nam?

Nhiều nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng của việc Mỹ gỡ bỏ rào cản xuất khẩu dầu thô tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Đọc E-paper

Tháng 12/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông qua luật xóa bỏ rào cản xuất khẩu dầu thô Mỹ vốn đã tồn tại gần 40 năm qua. Điều này mở đường cho các nhà sản xuất dầu thô tại Mỹ tìm kiếm đối tác và xuất khẩu không giới hạn trong thời gian tới.

Theo đó, giá dầu trong hợp đồng tương lai WTI (dầu ngọt nhẹ Mỹ) đã vượt qua Brent lần đầu tiên kể từ năm 2010. Điều này cho thấy tác động tức thời của luật trên đối với diễn biến giá dầu thế giới.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây không phải là yếu tố đáng quan ngại đối với triển vọng giá dầu thô trong ngắn hạn.

Lý do đầu tiên cho việc xuất khẩu dầu thô đến từ việc kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ. Theo nghiên cứu từ IHS, xuất khẩu dầu thô có thể đóng góp trung bình 86 - 170 tỷ USD cho GDP hằng năm của nền kinh tế này (2016 -2030), gồm tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư và thương mại trong lĩnh vực dầu khí.

Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu thô cũng sẽ giúp cho các nhà sản xuất dầu thô tại Mỹ tiếp cận các khu vực có nguồn tiêu thụ năng lượng lớn như châu Á, bao gồm các nước đang phát triển nhằm có những ảnh hưởng địa - chính trị nhất định thay vì chỉ tập trung xuất khẩu sang

Mexico hay Canada như trước đây. Cuối cùng, với sự phát triển khoa học - công nghệ của kỹ thuật khai thác dầu đá phiến, khả năng tăng trưởng về sản lượng trong thời gian tới cần có nguồn tiêu thụ đối ứng.

Trước hết, cần nhìn rõ hơn về tình hình sản xuất cũng như xuất nhập khẩu dầu thô hiện tại của Mỹ. Mặc dù đã trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới vào năm nay (vượt qua Ả rập Xê út và Nga), Mỹ tiếp tục phải nhập khẩu dầu thô số lượng lớn.

Theo số liệu gần nhất từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), vào tuần giữa tháng 12/2015, Mỹ nhập khẩu 7,33 triệu thùng/ngày và sản xuất 9,18 triệu thùng/ngày.

Điều này tưởng chừng như khá bất hợp lý nhưng có hai lý do chính dẫn đến tình trạng nhập khẩu rất lớn từ Mỹ. Lý do đầu tiên là nhu cầu dầu thô Mỹ lớn nhất thế giới với số lượng dầu ước tính vào tháng 12/2015 xấp xỉ 14,64 triệu thùng/ngày.

Dầu đá phiến (shale-oil) chỉ sản xuất ra loại dầu ngọt nhẹ (light sweet oil), trong khi đó, cơ sở hạ tầng thuộc lĩnh vực năng lượng từ Mỹ tập trung chủ yếu sử dụng loại dầu nặng (heavy sour oil) từ Trung Đông.

Mặc dù vậy, có thể thấy xu hưởng giảm nhập khẩu và tăng sản lượng nội địa đã hình thành từ cuối năm 2012, năm kỹ thuật khai thác dầu đá phiến bắt đầu có sự nhảy vọt.

Theo thống kê, Mỹ chỉ còn phụ thuộc 30 - 40% nhu cầu dầu thô từ nhập khẩu so với con số 60% vào năm 2005. Bên cạnh đó, lượng dầu lưu kho của Mỹ cũng đang ở mức cao kỉ lục trong mấy năm qua, đạt 1,18 tỷ thùng trong tháng 12/2015. Gỡ bỏ hàng rào xuất khẩu giúp Mỹ xử lý số lượng lớn dầu thô trên và cũng là một rủi ro đối với giá dầu trong dài hạn.

Mặc dù vậy, theo nhận định từ Công ty Rongviet Research, trong tình trạng giá dầu ở mức thấp và sản lượng sản xuất dầu thô tại Mỹ đang giảm dần, sẽ là không hiệu quả về mặt lợi nhuận cho Mỹ khi đẩy mạnh xuất khẩu.

Mặt khác, khi giá dầu WTI và dầu Brent tiệm cận, dầu thô Mỹ sẽ phải chịu thêm phí như vận chuyển, quản lý... dẫn đến gia tăng giá thành và xuất khẩu sẽ không còn là phương án khả thi về tài chính.

Ngoài ra, dầu thô Mỹ cần tìm kiếm khách hàng tiêu thụ loại dầu ngọt nhẹ cũng như cải thiện hạ tầng vận chuyển trong thời gian tới (dầu ngọt nhẹ sẽ có một số yêu cầu nhất định để tồn trữ và vận chuyển cũng như quá trình lọc hóa phức tạp hơn).

Với các lý do trên, trong năm 2016 sẽ khó thấy những tác động từ luật cho phép xuất khẩu dầu của Mỹ.

Nhìn về dài hạn, ảnh hưởng từ chính sách trên của Mỹ sẽ tác động mạnh nhất đến những nước cũng sản xuất loại dầu nặng như Nga, Nigeria... hay khu vực Đông Nam Á.

Sau khi phát triển được hạ tầng cũng như cải tiến hệ thống vận chuyển, Mỹ sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nguồn dầu thô các nước.

Theo đánh giá từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá các mặt hàng thành phẩm từ dầu thô, đặc biệt là xăng dầu nội địa Mỹ có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Điều này hàm ý việc xuất khẩu dầu thô sẽ khiến các hợp đồng dầu khí khác như Brent phải giảm giá thành, dẫn đến một lượng đầu vào cho sản phẩm lọc hóa rẻ hơn.

Mặt khác, khi Mỹ phát triển hạ tầng lọc hóa dầu tốt hơn, xu hướng giảm nhập khẩu sẽ càng trở nên rõ rệt và ảnh hưởng đến nguồn tiêu thụ dầu nặng (dầu Brent).

Từ những lập luận trên cho thấy tác động từ việc gỡ bỏ hàng rào xuất khẩu dầu thô Mỹ sẽ chưa có nhiều ảnh hưởng lên thị trường dầu thô thế giới trong thời điểm hiện tại.

Nhìn về dài hạn, Mỹ sẽ là một đối trọng “có thế lực” và sẽ trở thành một nước xuất khẩu dầu thô cạnh tranh trực tiếp với Nga và xa hơn là các quốc gia trong khối OPEC.

Do đó, với áp lực cạnh tranh, giá dầu thô có thể sẽ duy trì ở vùng giá thấp nhưng phù hợp với chi phí sản xuất dầu đá phiến. Theo đó, TTCK Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh ngành dầu khí niêm yết trên sàn nói riêng cũng không bị tác động quá lớn.

>Ngành nào được lợi nhất từ giá dầu giảm?

>Giá dầu thế giới - "cơn ác mộng" tồi tệ nhất 12 năm qua

>Giá dầu sắp qua cơn "bĩ cực"

>Vì sao giá dầu thô giảm 40%, giá xăng chỉ giảm 12%?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá dầu thế giới giảm tác động thế nào đến TTCK Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO