FED tăng lãi suất, thị trường ngoại tệ phản ứng ra sao?

HOÀNG LONG| 24/12/2015 02:45

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất, sẽ tác động rất lớn đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ tại Việt Nam.

FED tăng lãi suất, thị trường ngoại tệ phản ứng ra sao?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất, sẽ tác động rất lớn đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ tại Việt Nam. 

Đọc E-paper

FED vừa quyết định nâng lãi suất với mức điều chỉnh 25 điểm và được đánh giá là mang tính lịch sử đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Điều quan trọng không kém sau cuộc họp của FED là những đánh giá về triển vọng sắp tới của nền kinh tế Mỹ cũng như lộ trình nâng lãi suất trong tương lai. Cụ thể, FED đưa ra những con số tích cực hơn về tăng trưởng và thị trường lao động Mỹ.

So với dự báo vào tháng 9, tăng trưởng kinh tế được nâng từ 2,3% lên 2,4%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,8% còn 4,7%.

Tuy nhiên, FED vẫn kỳ vọng lạm phát duy trì ở mức thấp, dự báo lạm phát trong năm tới là 1,6%, tăng 0,3% so với năm 2015 và phải đến năm 2018, lạm phát mới chạm mức mục tiêu 2%.

Lộ trình tăng lãi suất cũng được FED đưa ra. Theo đó, trong năm 2016, có 7/17 thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) kỳ vọng mức tăng lãi suất cơ bản sẽ vào khoảng 1,25%, tương đương với 4 lần tăng lãi suất tiếp theo và mỗi lần là 25 điểm cơ bản.

Kỳ vọng tiếp theo của thị trường là FED sẽ tăng lãi suất một cách từ từ và thận trọng và lần tăng lãi suất tiếp theo nhiều khả năng được thực hiện từ giữa cho đến cuối quý II/2016.

Đối với Việt Nam, rõ ràng việc nâng lãi suất của FED tác động rất lớn đến tỷ giá và lãi suất. Tính đến thời điểm này, tiền đồng sẽ chịu áp lực mất giá khi đồng USD ngày càng mạnh lên.

Còn về lãi suất, tác động từ chính sách của FED sẽ có độ trễ từ 6 tháng đến 1 năm và mức lãi suất điều hành kỳ vọng điều chỉnh nếu có sẽ khoảng 0,25 - 0,5%.

Ở khía cạnh đầu tư, theo các nhà phân tích, lãi suất trong năm tới đây sẽ được điều chỉnh và nhà đầu tư có thể căn cứ vào sự thay đổi này để chuyển hướng dòng tiền đầu tư. Riêng đối với tỷ giá, cần đặc biệt lưu ý nếu vẫn chọn ngoại tệ là kênh đầu tư chủ đạo.

Cụ thể, tỷ giá bán USD hiện tại của các ngân hàng thương mại hiện tại đã ở sát mức trần biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN): 22.547 đồng.

Trong khi đó, giá USD tự do đã tăng lên 22.800 đồng. Chênh lệch giữa giá USD trên thị trường tự do và NH phản ánh tình trạng căng thẳng về tỷ giá đang ở cao độ trong thời điểm gần cuối năm.

Sau tuyên bố của FED, NHNN đã đưa ra thông điệp khẳng định chưa điều chỉnh tỷ giá và cho rằng lần điều chỉnh tỷ giá vào tháng 8 đã lường trước ảnh hưởng của việc tăng lãi suất của FED đối với thị trường Việt Nam.

Dù lường trước sự kiện này nhưng NHNN vẫn không thể kiểm soát được hoàn toàn mức độ kỳ vọng về khả năng phá giá của tiền đồng. Cùng với quyết định của FED, áp lực phá giá tiền đồng về tâm lý đang cao hơn bao giờ hết.

Như vậy, trong ngắn hạn, nếu NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng ít hơn kỳ vọng của nhà đầu tư (khoảng 3-5%) cho cả năm 2016, áp lực phá giá tiền đồng vẫn cao và tâm lý lo ngại sẽ chưa chấm dứt.

Ngược lại, nếu NHNN đưa ra mức phá giá mạnh thì sẽ gây sốc cho thị trường. Nhìn chung, vào đầu năm sau, NHNN có thể sẽ đưa ra một chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nhưng thận trọng.

Trong bối cảnh các đồng tiền thị trường mới nổi tiếp tục có biến động mạnh trong năm 2016, khả năng neo đồng tiền Việt Nam vào một giỏ tiền tệ là biện pháp mà NHNN có thể xem xét.

Từ đây, nhà đầu tư phải thận trọng trong việc đầu tư ngoại tệ cũng như có những phân tích đúng đắn liên quan đến đầu tư chứng khoán, tiền tệ...

>FED tăng lãi suất, NHNN đối diện bài toán tỷ giá

>FED sẽ cân nhắc tốc độ tăng lãi suất nhằm trấn an thị trường

> FED tăng lãi suất 0,25%, chứng khoán Mỹ khởi sắc

>FED tăng lãi suất - "cơn gió ngược" cho các nền kinh tế mới nổi?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FED tăng lãi suất, thị trường ngoại tệ phản ứng ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO