Đừng bao giờ đi ngược “tay to”

Gia Lê| 26/03/2019 04:03

Trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu luôn khó lường khi có quá nhiều thế lực tham gia, từ bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân và cả những cổ đông lớn của doanh nghiệp. Trong số đó nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thuộc nhóm yếu thế nhất, do đó kinh nghiệm cho thấy đừng bao giờ đi ngược lại “tay to”.

Đừng bao giờ đi ngược “tay to”

Ngày 12/3/2019, Nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã thực hiện bán 500.000 cổ phiếu HPG để giảm tỷ lệ sở hữu của cả nhóm về dưới mức 4,99%, qua đó chính thức không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp kể từ ngày 14/3/2019, đây cũng là thời điểm công ty công bố đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 22% so với năm 2018. Hệ quả là kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu HPG đã lao dốc từ hơn 34.000 đồng/cp về dưới 32.000 đồng/ cp, thậm chí có lúc muốn xuyên thủng mốc 30.000 đồng.
Quỹ ngoại PYN Elite Fund gần đây cũng thoái bớt vốn tại HBC khi bán ra hơn 4,4 triệu cổ phiếu vào các ngày 8/3 và 11/3, theo đó tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 13%. Diễn biến cho thấy quỹ này đã bán ra đúng ngay tại mức đỉnh gần đây ở mã cổ phiếu này, khi giá HBC từ mức hơn 21.400 đồng/ cp vào ngày 7/3 hiện có lúc rớt về mức thấp 18.500 đồng/cp vào ngày 22/3, tương đương mức giảm hơn 13%.
Mới đây nhất ngày 20/3, Bloomberg đưa tin Warburg Pincus muốn bán gần 50 triệu cổ phiếu VRE ở giá 35.100 - 36.550 đồng/cp, thị trường ngay lập tức phản ứng khi giá cổ phiếu VRE rớt một mạch từ hơn 37.000 đồng/cp xuống tận 34.500 đồng/cp trong ngày 21/3. Hiện tại, Warburg Pincus đang nắm giữ gần 152 triệu cổ phiếu VRE, thông qua WP Investments III B.V (114 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 4,89%) và Credit Suisse Singapore Branch (38 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,63%).
Có thể thấy tận dụng thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ kể từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh, các quỹ đầu tư nước ngoài đã tranh thủ thoái bớt vốn. Thống kê cũng cho thấy trong giai đoạn các quỹ này bán ra, giá cổ phiếu luôn bị áp lực đè xuống, trong đó nhiều cổ phiếu sau đó thậm chí còn lao dốc nhanh hơn và không còn quay về mức cũ hoặc phải mất một thời gian khá dài để đi lên trở lại.
Thực tế cho thấy khi các quỹ quyết định thoái bớt khoản đầu tư vào một cổ phiếu nào đó không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó tốt hay xấu, mà đôi khi chỉ đơn thuần là do quỹ muốn tái cấu trúc lại danh mục đầu tư của mình. Là một quỹ đầu tư quốc tế, các quỹ này đầu tư ở nhiều thị trường, do đó khi một khoản đầu tư ở một thị trường nào đó có sự tăng trưởng tốt hơn thì các quỹ sẽ ưu tiên rót thêm tiền vào khoản đầu tư và thoái bớt vốn ở những thị trường có suất sinh lời kém hơn.
Tuy nhiên, việc bán ra của các quỹ bao giờ cũng gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư khác, theo đó gây áp lực lên giá cổ phiếu là điều tất yếu. Rõ ràng khi một dòng tiền bị rút ra, thì hiệu ứng bán theo sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề, trong khi cổ phiếu doanh nghiệp thời điểm đó càng khó thu hút thêm dòng tiền mới vì hiếm nhà đầu tư nào muốn lao vào để hứng lượng hàng khổng lồ mà các quỹ bán ra.
Bên cạnh đó, là một cổ đông lớn tất yếu các quỹ cũng sẽ có lợi thế biết trước một số thông tin quản trị nội bộ, do đó khi các quỹ bán ra thì các nhà đầu tư khác càng trở nên e ngại liệu doanh nghiệp có phải đang đối mặt với tin tức tiêu cực nào hay không mà khiến các quỹ thoái bớt vốn. Chính vì vậy, đối với các nhà đầu tư cá nhân, quyết định khôn ngoan nhất có lẽ là nên đừng bao giờ giao dịch ngược lại với các quỹ đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng bao giờ đi ngược “tay to”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO