Dòng vốn liệu có sớm đảo chiều?

KHÁNH PHƯƠNG| 16/05/2018 09:27

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu năm 2008, các nước phát triển đã nới lỏng tiền tệ khiến dòng vốn đổ vào các nền kinh tế mới nổi tăng mạnh.

Dòng vốn liệu có sớm đảo chiều?

Ảnh: QH

Nhưng hiện nay dường như "bữa tiệc vui" ấy sắp tàn.

Thắt chặt chính sách tiền tệ

Sau khi duy trì lãi suất cơ bản gần 0% trong suốt 7 năm, cuối năm 2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất trở lại. Tính đến đợt tăng 0,25% trong cuộc họp tháng 3 vừa qua, FED đã có 6 lần tăng lãi suất trong chưa đầy 3 năm.

Trong cuộc họp hồi đầu tháng 5 này, mặc dù vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản USD tại 1,5 - 1,75%, nhưng cơ quan này gợi ý đến khả năng tăng lãi suất nhanh hơn kế hoạch khi mà lạm phát sắp chạm mục tiêu 2%, theo đó có thể có 4 lần tăng thay vì 3 lần trong năm nay. FED còn dự kiến tiếp tục có thêm các đợt nâng lãi suất để đạt tới 3,4% vào năm 2020, song song với chính sách thu hẹp bảng cân đối kế toán vẫn đang được thực thi quyết liệt.

Link bài viết

Thời gian qua Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dù vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục, tuy nhiên theo giới phân tích thì ECB sẽ sớm tiếp bước FED. Đặc biệt khả năng ECB sẽ tuân thủ việc kết thúc chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp hằng tháng trị giá 30 tỷ euro (tương đương 37 tỷ USD) theo thời hạn vào tháng 9 tới.

Canada cũng đã tăng lãi suất từ 1% lên 1,25% kể từ ngày 17/1/2018, đánh dấu lần tăng thứ ba trong vòng 10 tháng qua. Ở châu Á, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất từ 1,25 lên 1,5% từ ngày 30/11/2017.

Với việc lãi suất tăng sẽ khiến cho chi phí sử dụng vốn đắt đỏ hơn, đặc biệt là đối với đồng USD khi được sử dụng phổ biến để đầu tư khắp thế giới, trong khi FED lại là ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất. Với đồng USD đang mạnh trở lại, giới đầu tư khắp thế giới có thể buộc phải nhanh chóng rút vốn nếu không muốn đối mặt với thiệt hại do tỷ giá gây ra. Trong khi đó, với giá hàng hóa toàn cầu tăng trở lại đang gây áp lực lên lạm phát, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển, giới đầu tư quốc tế càng trở nên cân nhắc hơn khi muốn rót vốn vào các thị trường này.

Ảnh hưởng

Một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ hạn chế dòng tiền vào các thị trường tài sản. Trong báo cáo công bố trước đó, IMF vẫn tỏ ra khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 và 2019, tuy nhiên định chế này cho rằng tăng trưởng sẽ sớm yếu đi sau đó.

Theo mô hình mới, IMF ước tính quá trình bình thường hóa chính sách, tức nâng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán, nhiều khả năng sẽ giảm bớt khoảng 70 tỷ USD thanh khoản chảy vào thị trường chứng khoán thế giới trong 2 năm tới, trong khi thanh khoản chảy vào thị trường chứng khoán thế giới mỗi năm kể từ năm 2010 đạt 240 tỷ USD. Báo cáo cũng nhắc đến tác động tất yếu từ nỗ lực của FED cũng như ECB và đây có thể là cơ chế làm phát sinh quá trình đưa định giá nhiều loại tài sản trở về mặt bằng bình thường trong vài năm tới.

Với đồng USD đang mạnh trở lại, giới đầu tư khắp thế giới có thể buộc phải nhanh chóng rút vốn nếu không muốn đối mặt với thiệt hại do tỷ giá gây ra. Trong khi đó, với giá hàng hóa toàn cầu tăng trở lại đang gây áp lực lên lạm phát, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển, giới đầu tư quốc tế càng trở nên cân nhắc hơn khi muốn rót vốn vào các thị trường này.

Thống kê gần đây cho thấy dòng tiền nhạy cảm đã bắt đầu rút ra khỏi các thị trường mới nổi để đầu tư hoặc gửi tiết kiệm bằng USD cũng như các đồng tiền mạnh khác. Chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, đã có nhiều tỷ USD bị rút ra khỏi các thị trường cổ phiếu mới nổi, trong đó châu Á là nơi có lượng rút vốn nhiều nhất, lên tới 7,8 tỷ USD. Nếu lãi suất tiếp tục tăng tới một mức độ nhất định, lượng vốn đổ vào Mỹ hoặc châu Âu sẽ tăng lên nhanh chóng, cùng với đó là sự rút vốn ròng khỏi các thị trường mới nổi tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Đối với các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, báo cáo về Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN +3 của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) công bố ngày 3/5 đã nhận định, lạm phát quay trở lại ở Mỹ và việc ECB rút khỏi gói kích cầu có thể gây ra việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự báo, đồng thời khuyến nghị trong bối cảnh rủi ro thắt chặt điều kiện tài chính toàn cầu và bảo hộ thương mại, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần ưu tiên ổn định thị trường tài chính, thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. 

Thực tế sau khi bán ròng liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4, những phiên giao dịch đầu tháng 5 tiếp tục chứng kiến khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thống kê cho thấy chỉ mới trải qua 8 phiên giao dịch trong tháng 5, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.830 tỷ đồng, đáng lưu ý là nếu như không tính giá trị mua ròng gần 1.148 tỷ đồng của khối ngoại ở mã cổ phiếu thép Việt Ý ngày 10/5, thì tổng giá trị bán ròng lên đến hơn 2.978 tỷ đồng.

Cụ thể ngày 10/5, Kyoel Steel., Ltd (Nhật Bản) đã mua thỏa thuận hơn 33 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1,146 tỷ đồng từ Công ty CP Thương mại Thái Hưng. Điều này cũng đồng nghĩa là Kyoel Steel., Ltd đã chính thức thâu tóm VIS với tỷ lệ sở hữu 65% vốn, tương ứng gần 48 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường trái phiếu, số liệu cập nhật của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2018, khối ngoại mặc dù vẫn mua ròng 62 triệu USD trái phiếu, tuy nhiên đã giảm rất mạnh so với mức mua ròng lên đến 550 triệu USD trái phiếu của cùng kỳ năm 2017. Báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam cho rằng, trong tình hình hiện nay cần có các giải pháp để đối phó với sự đảo chiều của các dòng vốn, trong đó có dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng vốn liệu có sớm đảo chiều?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO